Hiện tại TPBank chưa có chiến lược tổng thể trong việc phát triển kinh doanh dịch vụ KHCN được hoạch định bài bản, các sản phẩm dịch vụ được phát triển chủ yếu dựa trên tham khảo các ngân hàng khác trên thị trường, chưa có phân đoạn khách hàng mục tiêu rõ ràng để làm nền tảng cho việc thiết kế sản phẩm phù hợp, thiết lập quy định về cách thức bán hàng, chế độ chăm sóc khách hàng sau bán…
Công tác đào tạo về sản phẩm, dịch vụ, quy trình tác nghiệp cho nhân viên KHCN nhiều khi chưa kịp thời do kế hoạch triển khai chưa được chuẩn bị bài bản, một số sản phẩm dịch vụ được thông tin đến khách hàng để kịp thời gian khuyến mại vào các dịp lễ, tết trong khi nhân viên phục vụ chưa được đào tạo đầy đủ. CBBH chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý KHCN, các khóa đào tạo kỹ năng bán hàng mới bước đầu được thực hiện và chưa cụ thể đến từng sản phẩm dịch vụ KHCN. Nhân viên Call Center chủ yếu thực hiện tự đào tạo, tự đọc các quy định, quy trình về sản phẩm dịch vụ, thông tin CTKM để giải đáp, tư vấn cho khách hàng, chưa có các khóa đào tạo tập trung cho riêng đối tượng cán bộ này.
Sự tương tác giữa các đơn vị hội sở và đơn vị kinh doanh chưa nhịp nhàng, vẫn còn tâm lý xin – cho ảnh hưởng đến thời gian cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Nhiều đơn vị hội sở chưa thực sự có thái độ hỗ trợ đơn vị kinh doanh, không có các cam kết trong quá trình cung cấp dịch vụ đến khách hàng do đó chưa tích cực phản hồi các thắc mắc, yêu cầu hỗ trợ của
nhân viên KHCN, làm chậm thời gian xử lý giao dịch cho khách hàng. Việc này tạo cho đơn vị kinh doanh tâm lý e ngại khi có vấn đề cần tương tác với hội sở, hoặc khi có sáng kiến/ đề xuất cải tiến quy trình, sản phẩm dịch vụ nhưng không gửi tới các đơn vị để nghiên cứu, xem xét, do đó phần nào làm hạn chế việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ của ngân hàng.
Số lượng khách hàng có khả năng sử dụng thiết bị công nghệ cao tiếp xúc với dịch vụ của TPBank còn hạn chế, ngân hàng chưa có chiến lược tổng thể, được hoạch định rõ ràng trong việc tiếp cận đối tượng khách hàng này trong khi sản phẩm mục tiêu của ngân hàng là những sản phẩm dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. Bên cạnh đó, ngân hàng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các đối tượng khách hàng ở ngoài khu vực các thành phố lớn do mạng lưới còn hạn chế, do đó chưa phát triển được tệp khách hàng lớn.
TPBank có quy mô còn nhỏ, cần cân đối các chi phí và nguồn lực vào các hoạt động nên nhiều phần mềm, hệ thống tự phát triển, tận dụng nguồn nhân lực sẵn có, vì vậy phần nào có những hạn chế nhất định, chưa đáp ứng đủ nhu cầu tác nghiệp, vận hành của ngân hàng, ảnh hưởng đến quá trình phục vụ khách hàng. Chi phí có hạn cũng là nguyên nhân khiến TPBank cần nhiều thời gian để mở rộng, phát triển thêm mạng lưới điểm giao dịch, ATM, LiveBank phục vụ KHCN.
Nhằm hạn chế việc mở rộng quy mô quá mức của các NHTM, NHNN kiểm soát việc mở chi nhánh/ phòng giao dịch của các ngân hàng. Để có thể mở thêm điểm giao dịch, các ngân hàng cần xin cấp phép của NHNN do đó số lượng điểm giao dịch được phê duyệt mở thêm bị hạn chế, thời gian xin cấp phép cũng ảnh hưởng đến tiến độ mở rộng mạng lưới của các ngân hàng, trong đó có TPBank.