Để nâng cao năng lực tài chính, giúp củng cố uy tín và sức cạnh tranh của mình trên thị trường, TPBank cần tăng vốn tự có từ nguồn nội bộ, chủ yếu từ lợi nhuận giữ lại. Đây là nguồn vốn giúp ngân hàng không phải phụ thuộc vào thị trường vốn và không phải chịu chi phí cao do tìm kiếm nguồn tài trợ từ bên ngoài, đồng thời tránh làm loãng quyền kiểm soát của các cổ đông hiện hữu. TPBank cần xác định tỷ lệ lợi nhuận giữ lại để bổ sung vốn tự có hợp lý, tránh tình trạng chi trả cổ tức quá cao làm tăng trưởng vốn
chậm, hoặc lợi nhuận giữ lại cao, vốn tăng trưởng nhanh nhưng tốc độ tăng lợi nhuận không theo kịp làm giảm thu nhập của cổ đông. Bên cạnh đó, ngân hàng có thể huy động vốn từ bên ngoài bằng cách phát hành thêm cổ phiếu mới hoặc trái phiếu chuyển đổi, hoặc kêu gọi các cổ đông chiến lược nước ngoài có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý điều hành và công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh việc tăng vốn tự có, TPBank cần nâng cao chất lượng tài sản có thông qua việc kiểm soát và thu hồi các khoản nợ xấu, chọn lọc trong việc cấp những khoản tín dụng có chất lượng tốt để hạn chế rủi ro nợ xấu, nợ quá hạn. Quy chế, quy định, quy trình cho vay, thẩm định cần thường xuyên được rà soát, sửa đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, thường xuyên theo dõi, kiểm soát rủi ro tín dụng. Việc lựa chọn những nhân viên bán hàng, cán bộ thẩm định có đạo đức, tư cách tốt, nâng cao chất lượng thẩm định và xét duyệt tín dụng cũng rất cần thiết trong việc quản lý chất lượng hoạt động tín dụng, giúp củng cố chất lượng tài sản có của TPBank.