Đánh giá chung

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo pháp luật đất đai ở việt nam từ thực tiễn huyện củ chi, thành phố hồ chí minh (Trang 66 - 71)

2.2.4.1. Những thành tựu:

- Công tác thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo UBND huyện Củ Chi, sự phối hợp triển khai của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và ý thức trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ, công chức trong thi thành công việc được giao.

- Cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực đất đai của huyện Củ Chi (bao gồm cán bộ, công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường và công chức địa chính tại các xã, thị trấn) đều có trình độ đại học trở lên, được đào tạo phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, cơ bản am hiểu lĩnh vực được giao phụ trách. Do vậy, khi thực hiện công việc được giao các cán bộ này có cách tiếp cận khoa học và cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra.

- Việc lưu trữ các tài liệu, hồ sơ phục vụ cho công tác thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Củ Chi được thực hiện tương đối bài bản, khoa học nên thuận tiện cho công tác quản lý, cập nhật và khai thác dữ liệu về đất đai, cũng như trong việc tổ chức thu hồi giấy.

- Việc tuyên truyền về các quy định của pháp luật đất đai cho nhân dân có sự quan tâm của các cấp, các ngành, nên người dân ngoài hiểu về quy định của pháp luật đất đai thì họ đã ý thức được quyền hạn, trách nhiệm trong việc thực hiện và đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Bởi vậy, các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc lập hồ sơ cấp đổi, chỉnh lý biến động theo yêu cầu của người sử dụng đất.

- Các phản ánh, kiến nghị đối với trường hợp thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ bản được giải quyết xong trong năm góp phần giữ vững an ninh

chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

2.2.4.2. Những hạn chế:

Bên cạnh những mặt đã đạt được nêu trên, trong công tác thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở địa bàn huyện Củ Chi vẫn còn một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện như sau:

- Đa số các hộ dân không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng là do chưa đồng thuận theo đơn giá bồi thường.

- Việc đo đạc xác định diện tích sử dụng thực tế thường sai lệch với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy mất nhiều thời gian cho việc xác minh diện tích, nên kéo dài thời gian giải quyết.

- Việc xác minh mốc thời gian sử dụng, chứng minh mốc thời gian sử dụng không có hồ sơ lưu trữ phải phụ thuộc vào Uỷ ban nhân dân xã thẩm tra, xác nhận.

- Việc mua, bán đất bằng giấy tay hoặc đã biến động chuyển nhượng quyền sử dụng đất không được cập nhật kịp thời dẫn đến việc xác định chủ sử dụng đất ảnh hưởng dự án thời gian kéo dài làm chậm tiến độ.

- Hiện nay Luật Đất đai và Nghị định số 44/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 Quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại vẫn còn gặp phải một số khó khăn vướng mắc về xác định loại đất, xác định đơn giá bồi thường, xác định mức hỗ trợ....

2.2.4.3. Nguyên nhân của những hạn chế

Thứ nhất, trên thực tế còn tồn tại lớn trong công tác thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hiện nay là chưa tuân thủ theo các quy trình, thủ tục thống nhất, dẫn đến hậu quả xảy ra là sai sót trong công tác thu hồi giấy chứng nhận. Điều này cho thấy phải áp dụng các tiêu chí quản lý chất lượng nhằm nâng cao công tác thu hồi giấy chứng nhận.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu hồi giấy chứng nhận chưa thật sự mạnh, các phần mềm chưa được đầu tư và sử dụng thống nhất,

gây khó khăn cho việc kết nối, liên thông trong quản lý dữ liệu giữa người dân với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và trong nội bộ các cơ quan Nhà nước, từ đó gây khó khăn trong công tác thu hồi giấy chứng nhận. Bên cạnh đó, việc theo dõi công tác thu hồi giấy chứng nhận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa có phần mềm quản lý để cập nhật, công việc lưu trữ hồ sơ thu hồi giấy chứng nhận chủ yếu bằng giấy tờ nên dễ bị mất mát, thất lac.

Thứ ba, có sự bất cập giữa nghĩa vụ, trách nhiệm trong thực thi công vụ và quyền hưởng thụ của đội ngũ công chức nhà nước. Công tác thu hồi giấy chứng nhận là một lĩnh vực đòi hỏi trách nhiệm hết sức nặng nề vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, ảnh hưởng trực tiếp đến nơi sinh sống và làm việc của người dân. Công chức nhà nước là chủ thể được Nhà nước trao cho một số quyền lực Nhà nước để thực thi công tác thu hồi giấy chứng nhận nhưng quyền lợi chính đáng lại chưa tương xứng, các chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa thỏa đáng, thiếu đồng bộ. Mặt khác, sống trong nền kinh tế thị trường, đồng tiền ngày càng giữ vị trí “thượng tôn”, đây được xem là những nguyên nhân gián tiếp của các hành vi vi phạm như: Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

Thứ tư, đối với công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, hình thức theo dõi còn đơn điệu, chủ yếu thông qua các hoạt động kiểm tra và thu thập thông tin báo cáo từ các đơn vị, địa phương, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về theo dõi tình hình thi hành pháp luật vẫn còn chậm dẫn đến lúng túng trong thực hiện hoạt động của địa phương, thiếu những quy định cụ thể về cách thức phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong quá trình thu hồi giấy chứng nhận.

Thứ năm, hệ thống pháp luật nhiều chỗ còn bất cập, chồng chéo nhau. Các quy định liên quan đến công tác thu hồi giấy chứng nhận còn rườm ra, phức tạp, gây khó hiểu cho người dân và thậm chí cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Hệ lụy trong nhiều trường hợp người sử dụng đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không

đúng quy định của pháp luật về đất đai nhưng không làm các thủ tục kiến nghị đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ sáu, niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước bị suy giảm. Do ảnh hưởng của công nghệ thông tin hiện đại, những sai phạm của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng nhiều, mặt khác một bộ phận không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước có thái độ không tốt với người dân. Từ những bất đồng nhỏ nhưng được dồn nén gây ra những rạn nứt to lớn trong mối quan hệ của cán bộ, công chức Nhà nước với người dân, dễ dẫn đến tình trạng “động tay, động chân”, thiếu hợp tác chỉ vì những mâu thuẫn, sai sót nhỏ trong quá trình thu hồi giấy chứng nhận.

Tiểu kết Chương 2

Trên cơ sở lý luận pháp lý đã được phân tích tại chương 1, ở chương 2 tác giả đã tiến hành phân tích thực trạng của hoạt động áp dụng pháp luật thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất vào thực tiễn. Qua đó đã chỉ ra được những thành tựu, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó, bao gồm: chưa tuân thủ theo các quy trình, thủ tục thống nhất, dẫn đến hậu quả xảy ra là sai sót trong công tác thu hồi giấy chứng nhận; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu hồi giấy chứng nhận chưa thật sự mạnh, các phần mềm chưa được đầu tư và sử dụng thống nhất; có sự bất cập giữa nghĩa vụ, trách nhiệm trong thực thi công vụ và quyền hưởng thụ của đội ngũ công chức nhà nước; hình thức theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực này còn đơn điệu; hệ thống pháp luật nhiều chỗ còn bất cập, chồng chéo nhau; niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước bị suy giảm.

Những phân tích ở chương 2 là cơ sở để đề xuất, kiến nghị các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới ở chương 3 của Luận văn.

Chương 3

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo pháp luật đất đai ở việt nam từ thực tiễn huyện củ chi, thành phố hồ chí minh (Trang 66 - 71)