Thứ nhất, đối với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước: Công tác thu hồi giấy chứng nhận liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, ảnh hưởng đến nơi sinh sống của người dân, do đó cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước. Khi đã tìm đến với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước, tìm tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là đồng nghĩa với việc người dân tin tưởng tuyệt đối và giao phó hoàn toàn quyền và lợi ích hợp pháp đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của mình cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Do đó, phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và giáo dục tư tưởng về công tác thu hồi giấy chứng nhận trên cơ sở đạo đức và pháp luật. Hơn thế vấn đề giáo dục này không chỉ áp dụng với đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước mà cần mở rộng ngay cả đối với thế hệ sinh viên chuyên ngành Luật và
quản lý Nhà nước nói chung thông qua các chương trình đào tạo pháp luật gắn với đạo đức nghề nghiệp và đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp như một môn học bắt buộc. Ngoài ra cần nâng cao ý thức của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước trong nghĩa vụ thường xuyên cập nhật kiến thức pháp luật và phải luôn có trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ của mình.
Thứ hai, thực tế hiện nay, rất ít người dân nắm được các quy định của pháp luật về đất đai, chỉ đến khi họ thực hiện các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đất đai thì mới tìm hiểu, nghiên cứu. Do vậy, để pháp luật về đất đai thực sự có giá trị thực tiễn, đi vào cuộc sống thì các cấp, các ngành cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai cho người dân. Pháp luật về đất đai chỉ thực sự có giá trị khi mà người dân tự giác chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thực hiện được điều này sẽ đảm bảo cho quá trình thu giấy chứng nhận quyền giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được nhanh chóng hơn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của chính người dân; giảm bớt được số các vụ việc khiếu nại đông người, vượt cấp, kéo dài.
Thứ ba, nâng cao niềm tin tưởng vào đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước đồng thời nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong công tác thu hồi giấy chứng nhận. Đảm bảo pháp luật luôn hướng đến bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân, do đó, nếu có hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước hay có mâu thuẫn với đội ngũ này thì không nên tự giải quyết thông qua vũ lực mà phải báo cho cơ quan chức năng biết để giải quyết. Bên cạnh đó, hướng đến việc người dân cùng tham gia giám sát, quản lý hoạt động thu hồi giấy chứng nhận và cũng chính là để bảo vệ quyền lợi của bản thân thông qua các hành vi như: tự kiểm tra giấy chứng nhận đã cấp có đúng thẩm quyền, đúng đối tượng sử dụng đất, đúng diện tích đất, đủ điều kiện được cấp, đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hay không;… và nếu phát hiện những hành vi vi phạm thì báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền biết nhằm tiến hành xử lý và khắc phục kịp thời hành vi vi phạm.