Phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều tại xã phước lưu, huyện trảng bàng, tỉnh tây ninh (Trang 27 - 29)

1.1. Cơ sở lý luận về giảm nghèo đa chiều

1.1.2. Phương pháp đo lường nghèo đa chiều ở Việt Nam

Cách tiếp cận đo lường nghèo đa chiều tại Việt Nam là cách tiếp cận nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người. Con người được quyền đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản này để có thể đảm bảo một cuộc sống bình thường, nghĩa là con người có quyền được bảo đảm an sinh xã hội. Các nhu cầu cơ bản này của con người được coi là quan trọng như nhau và con người có quyền được đáp ứng tất cả các nhu cầu này để có thể đảm bảo ổn dịnh cuộc sống. “ Xóa đói giảm nghèo hiện nay không chỉ là việc chú trọng giải quyết vấn đề về kinh tế như nâng cao thu nhập hay chi tiêu cho người nghèo mà còn phải hướng đến đảm bảo tốt hơn các quyền văn hóa, chính trị xã hội. Hay nói đúng hơn là phải trao cho người nghèo cơ hội thoát nghèo một cách bền vững. nghĩa là phải hướng đến xóa đói giảm nghèo theo hướng tiếp cận dựa trên quyền”.[63]

Cách tiếp cận này khác với cách tiếp cận đơn chiều dựa trên thu nhập trong đó coi thu nhập bằng tiền là tiêu chí duy nhất đại diện cho nhu cầu của con người. Hiến pháp sửa đổi năm 2013, trong đó Điều 34 có quy định “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. [39] Nghị quyết 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá XI, về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020: Đưa ra mục tiêu đến năm 2020, cơ bản bảo đảm an sinh xã hội toàn dân, bảo đảm mức tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin, truyền thông, góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.[3] Nghị quyết 76/2014/QH13, ngày 24/6/2014 của Quốc hội chỉ đạo định hướng "xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản".[40]

Chuẩn nghèo đa chiều sử dụng để phản ánh ngưỡng thiếu hụt về các nhu cầu cơ bản của con người Việt Nam. Chuẩn nghèo thu nhập thể hiện mức sống bằng tiền. Chuẩn nghèo đa chiều phân tích rõ ràng 3 công việc: đo lường và giám sát nghèo, xác định hộ nghèo và xác định đối tượng thụ hưởng chính sách.

Việc xác định hộ nghèo và các đối tượng an sinh xã hội khác được tiến hành bởi ngành Lao động, Thương binh và Xã hội từ nhận diện, lập danh sách phục vụ cho công tác quản lý, xác định đối tượng thụ hưởng và hoạch định chính sách cả cấp trung ương và địa phương. Việc xác định đối tượng thụ hưởng chính sách: mỗi chính sách phụ thuộc vào nội dung và nguồn lực cụ thể sẽ xác định đối tượng thụ hưởng tương ứng; các đối tượng thụ hưởng chính sách cũng không nhận được sự hỗ trợ như nhau mà tùy thuộc nhu cầu của từng đối tượng mà sẽ được phân loại hỗ trợ cho phù hợp.

Theo Đặng Nguyên Anh và Trần Nguyệt Minh Thu(3.2017) “Nghèo đa chiều: cách tiếp cận và vận dụng trong thực tiễn Việt Nam” Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, tr.6, bài viết cho rằng “Việc bị khước từ các nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu của con người là cơ sở để tiếp cận nghèo theo hướng đa chiều. Nghèo có nghĩa là không đủ ăn, đủ mặc, không được đi học, không được khám chữa bệnh, không có đất đai trồng trọt hoặc không có nghề nghiệp để nuôi sống bản thân, không được tiếp cận các tín dụng. Nghèo có nghĩa là không an toàn, không có quyền và bị loại trừ, dễ bị bạo hành, phải sống trong các điều kiện bị rủi ro, không tiếp cận được nước sạch và công trình vệ sinh. Nghèo còn là sự thiếu hụt năng lực tối thiểu để có thể tham gia hiệu quả vào các hoạt động xã hội. Do tính đa chiều của đói nghèo nên việc sử dụng thu thập như một công cụ duy nhất đánh giá nghèo dẫn đến nhiều hạn chế. Thu nhập trung bình cao hơn ngưỡng nghèo cũng chưa có gì đảm bảo khoản tiền đó được phân bổ hợp lý cho những nhu cầu thiết yếu. Thay vì đầu tư cho sinh hoạt, học hành và chăm sóc sức khỏe, kiếm tiền được có thể chi cho những việc mang tính cá nhân như rượu chè, cờ bạc. Hoặc trường hợp có đầu tư cho giáo dục, y tế song lại không thể tiếp cận được các dịch vụ này do có rào cản khác nhau. Các yếu tố như hòa nhập xã hội, an ninh con người, vị thế xã hội….sẽ khó đo được đầy đủ và chính xác nếu chỉ sử dụng thang đo thu nhập”.[2]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực hiện chính sách giảm nghèo đa chiều tại xã phước lưu, huyện trảng bàng, tỉnh tây ninh (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)