2.4. Đánh giá kết quả giảm nghèo đa chiều tại xã Phước Lưu
2.4.1. Những kết quả đạt được
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo đa chiều đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, đã tập trung chỉ đạo xây dựng, triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã, đề ra ngay trong Nghị quyết đại hội Đảng về tiêu chí phấn đấu giảm dần tỷ lệ hộ nghèo cho từng năm của toàn xã và đạt được kết quả cụ thể như: tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm nhiều qua từng năm, các chỉ số thiếu hụt của các chiều dịch vụ xã hội đều giảm theo từng năm cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra.
Chính sách về tín dụng ưu đãi: đã có tác động quan trọng tới giảm nghèo, giúp người nghèo phát triển sản xuất kinh doanh là giải pháp quan trọng trong giảm nghèo và tạo việc làm. Phần lớn số hộ được vay vốn cho rằng vốn vay đã có tác động tích cực đến tăng thu nhập và góp phần cải thiện cuộc sống cho hộ gia đình, những hộ vay vốn đã có điều kiện mua sắm thêm các phương tiện, công cụ sản xuất như trâu, bò, máy móc phục vụ sản xuất.
Chương trình giảm nghèo bền vững đã thu hút được sự tham gia, hưởng ứng đông đảo của toàn xã hội. Vận động Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… với nhiều phong trào, nhiều mô hình mới cách làm hay mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng đã thu hút đông đảo sự quan tâm và giúp đỡ của các cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội cho công tác giảm nghèo, đặc biệt là sự đóng góp của người dân ở cộng đồng
dân cư đã đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của chương trình, mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều đã góp phần tăng cường nội dung thông tin tuyên truyền ở khu vực vùng sâu, vùng nông thôn. Tăng cường tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nông thôn tạo ra khả năng tiếp cận thông tin thường xuyên, kịp thời giúp bà con đổi mới tư duy, nâng cao năng lực sản xuất góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững góp phần tạo điều kiện cho người nghèo nói riêng và toàn xã hội nói chung ngày càng nắm rõ các chính sách, chế độ liên quan đến giảm nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở, vay vốn tín dụng, miễn, giảm học phí...
Công tác xây dựng kế hoạch, bình chọn đối tượng thụ hưởng được thực hiện công khai, dân chủ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu của người dân.
Các nguồn vốn cho vay ưu đãi đáp ứng được nhu cầu vay vốn làm ăn của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nghèo được quan tâm đẩy mạnh. Đạt và vượt kế hoạch hàng năm.
Công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại xã được duy trì hàng quý, qua đó đã kịp thời nắm bắt tình hình đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó có giải pháp thích hợp để hỗ trợ các hộ đạt hiệu quả.
Nguyên nhân:
Địa phương đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau, phong phú, đa dạng về nội dung, cách thức, sử dụng các phương tiện truyền thông qua đài phát thanh, truyền hình; qua báo chí; qua các bản tin của xã; qua các lớp tập huấn; qua các buổi họp ấp, tổ dân cư tự quản để tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng đến người dân nên chủ trương, chính sách về giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững nhanh chóng đi vào cuộc sống người dân, tạo ra hiệu ứng sâu rộng, làm chuyển biến nhận thức của các hộ nghèo và tự ý thức về ý nghĩa tự vươn
lên thoát nghèo, phần nào góp phần khắc phục tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của xã hội, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nuớc.
Có sự phân công rõ ràng cho từng thành viên Ban chỉ đạo đạo giảm nghèo của xã phụ trách từng ấp nắm rõ địa bàn, hoàn cảnh sống của hộ nghèo từ đó có những biện pháp, mô hình phù hợp để giúp đỡ chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.