Từ thực tiễn lạm phát tại Việt Nam và những bài học kinh nghiệm nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, cần tăng cường tính tự chủ và độc lập của ngân hàng trung ương trong các quyết định về chính sách tiền tệ nhằm linh hoạt và ứng phó kịp thời về tình hình biến động có thể xảy ra.
Thứ hai, mục tiêu lạm phát sau khi đã được xác định nên được công bố rộng rãi đối với công chúng. Đồng thời, cần cập nhật thường xuyên cho người dân thông tin về những hoạt động nỗ lực đạt mục tiêu của chính phủ. Nếu tỷ lệ lạm phát chưa được kiểm soát ở mức mong muốn, cần có giải trình công khai từ phía chính phủ và ngân hàng nhà nưóc.
Thứ ba, các chính sách tiền tệ khi được quyết định phải bảo đảm được cả hiệu quả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Một chính sách được áp dụng chỉ thật sự tốt khi bảo đảm được những điều kiện an sinh, phúc lợi xã hội và lợi ích của số đông bộ phận dân cứ. Ví dụ: Chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ có hiệu quả trước mắt là kiềm chế lạm phát nhưng về lâu về dài sẽ tạo ra sự trì trệ cho nền kinh tế, với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay đó là điều cực kỳ nguy hiểm. Nên cố gắng giữ một môi trường vĩ mô ổn định để các chính sách tiền tệ phát huy hiệu quả tốt hơn.
Thứ tư, áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi một cách có kiểm soát sẽ thúc đẩy xuất khẩu, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân thanh toán, giúp cho nền kinh tế quốc dân phát triển một cách ổn định.
Cuối cùng, các chính sách tiền tệ khi được áp dụng đều có một độ trễ nhất định trước khi mang lại hiệu quả cho nền kinh tế. Vì thế, thay vì đặt mục tiêu ngắn hạn là một năm thì có thể đặt mục tiêu trung hạn là ba năm để các quyết định chính sách tiền tệ được hiệu quả hơn. Đồng thời, nên xác định độ trễ của từng công đoạn
và dự đoán trước các kịch bản có thể xảy ra cho nền kinh tế để có thể có quyết định phù hợp và hiệu quả cho từng thời điểm.
Tóm lại, với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, kiềm chế lạm phát cũng luôn là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định và phát triển. Đặc biệt, đôi với một nền kinh tế đang phát triển như nước ta thì mọi chính sách tiền tệ trước khi được áp dụng cần phải được xem xét và quyết định một cách cẩn trọng nếu muốn bảo đảm sự phát triển bền vững cho đất nước. Chính sách kiềm chế lạm phát được áp dụng phải bảo đảm được tính khả thi, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của nền kinh tế, có tính công khai và tạo được sự tin cậy của công chúng. Ngoài ra, cũng phải đáp ứng được những điều kiện khác như: phúc lợi, an sinh xã hội, lợi ích của đại bộ phận người dân và bảo đảm sự phát triển bền vững chứ không chỉ là giải pháp tình thế.
Chính sách lạm phát mục tiêu hiện nay đang được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng với mục đích kiềm chế lạm phát và bảo đảm sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Đây cũng là những bài học kinh nghiệm từ các nước để chúng ta nghiên cứu và tìm cho mình hướng đi phù hợp.
Tóm lại, trong chương 1, luận văn đã hệ thống được cơ sở lý luận về lạm phát gồm có: khái niệm, cách đo lường, phân loại và nguyên nhân gây ra lạm phát; luận văn cũng chỉ ra được cách thức, cơ chế tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới lạm phát; cùng với đó là những bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát và điều tiết lạm phát.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG TÁC ĐỘNG CỦA CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM