tế hợp tác trong nông nghiệp là chỉ một tổ chức kinh tế dân chủ của người dân, một phương tiện để phát huy nội lực tiềm năng trong nhân dân của các thành viên góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế, đặc biệt ở các vùng mà Nhà nước chưa có điều kiện hay khả năng để vươn tới một cách đầy đủ trọn vẹn để hỗ trợ phát triển. Nó bổ sung rất tốt cho những nỗ lực phát triển kinh tế của Nhà nước ở các vùng, đặc biệt các vùng nông nghiệp, nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn và nhu cầu về vốn để đầu tư, phát triển sản xuất cao.
1.1.4. Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của kinh tế hợp tác trong nôngnghiệp nghiệp
1.1.4.1. Các yếu tố khách quan
- Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Để thực hiện phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp thì Nhà nước đóng vai trò là nhân tố quan trọng và quyết định. Nhà nước đóng vai trò chủ đạo từ việc xây dựng chủ trương, ban hành các chính sách, xây dựng cơ chế điều hành, tạo nguồn vốn và tổ chức thực hiện. Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, yêu cầu các chính sách và nguồn lực để phát triển phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng và hiệu quả.
- Sự phát triển của nền kinh tế thị trường
Cùng với những thời cơ, thuận lợi do quá trình đổi mới đất nước mang lại, kinh tế của nước ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ tình hình kinh tế thế giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro; áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, nhất là sản xuất nông nghiệp. Để tạo nên sức cạnh tranh mới, phát triển bền vững thì việc tự tổ chức lại, liên kết các hộ kinh doanh nhỏ lẻ để xây dựng hợp tác xã, trên cơ sở
đó, hình thành liên hiệp hợp tác xã, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị trong nước, hướng đến xuất khẩu là con đường phù hợp trong giai đoạn hiện nay.
- Sự phát triển của khoa học công nghệ
Nhiều năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác trong nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội. Mặc dù đã phát huy những hiệu quả tích cực, tuy nhiên, các hợp tác vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, đòi hỏi phải có những thay đổi kịp thời để có thể trụ vững trong bối cảnh mới, trong thời đại công nghiệp 4.0 với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do đó, các cơ quan nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới phục vụ sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là ứng dụng công nghệ cao, nhằm đánh thức tiềm năng về đất đai, lao động và tiến bộ khoa học kỹ thuật.
- Sự phối hợp của các ban ngành, các tổ chức đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Để phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, vai trò của các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị xã hội là nhân tố không thể thiếu, nó được thể hiện bằng sự chia sẻ nguồn lực, hỗ trợ phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên các mặt hoạt động như vốn, tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Trên địa bàn cấp thị xã, hoạt động của nhiều cơ quan, ban ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, như: phòng Tài chính - Kế hoạch, phòng Nông nghiệp, trạm Thú y, trạm Khuyến nông, trạm Bảo vệ thực vật, ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Mỗi vùng có các đặc điểm riêng về trình độ phát triển nền nông nghiệp hàng hoá, trình độ dân trí, tập quán canh tác, điều kiện địa hình, thời tiết khí hậu, mật độ dân cư, nên có thể xác định rõ sự khác nhau không chỉ trong sản xuất nông nghiệp, mức sống vật chất của dân cư, mà còn tạo nên sự khác nhau về quá trình hình thành, phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời với những tác động nói trên, đặc điểm truyền thống văn hoá, tâm lý cũng ảnh hưởng
không nhỏ tạo nên những nét đặc trưng về kinh tế hợp tác ở mỗi vùng.
1.1.4.2. Các yếu tố chủ quan
- Năng lực về tổ chức quản lý của người đứng đầu các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp
Trong cơ chế thị trường với sự cạnh tranh khốc liệt đầy cam go, đòi hỏi người đứng đầu các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp phải có trình độ, năng lực tổ chức quản lý giỏi mới có thể thành đạt trong kinh doanh đưa mô hình hoạt động của mình ngày một phát triển. Tuy nhiên hiện nay, trình độ quản lý của người đứng đầu các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp phần lớn chưa được đào tạo cơ bản, thiếu kinh nghiệm trong tổ chức và quản lý, đặc biệt kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh trong cơ chế thị trường. Điều này gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình phát triển các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp.
- Nguồn lực, quy mô sản xuất
Bất kể một tổ chức kinh doanh nào muốn đứng vững trên thị trường cũng cần phải có tiềm lực kinh tế. Các nguồn lực kinh tế có thể kể đến như vốn, lao động, khoa học công nghệ, thương hiệu của sản phẩm... .Các loại hình kinh tế hợp tác trong nông nghiệp cũng vậy, muốn phát triển và đứng vững trên thị trường, các mô hình hợp tác trong nông nghiệp cần phải có nguồn lực đủ mạnh, quy mô sản xuất đủ lớn để có thể cạnh tranh trên thị trường.