CMCN 4.0 được xây dựng dựa trên cuộc cách mạng số, đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và di động, bởi các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ hơn với giá thành rẻ hơn, bởi trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning). Các công nghệ số với phần cứng máy tính, phần mềm và hệ thống mạng đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, được tích hợp nhiều hơn và vì vậy đang làm biến đổi xã hội và nền kinh tế toàn cầu. Cùng với xu hướng CMCN 4.0, kinh tế số là yếu tố quan trọng tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, xã hội và cơ cấu của nền kinh tế. Thương mại dần được toàn cầu hóa; công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển. Thị trường TMĐT vì thế cũng được mở rộng, mô hình TMĐT ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và CNTT trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như TMĐT nói riêng.
Những tiến bộ công nghệ vượt bậc của cuộc CMCN 4.0 đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đòi hỏi mỗi quốc gia phải tư duy lại con đường và động lực phát triển của mình. Thứ nhất, cuộc CMCN lần thứ tư đem đến những thay đổi chưa từng có về sản xuất kinh doanh, về phát triển KT-XH. Các đối tượng QLNN mới xuất hiện và có những đối tượng QLNN cũng có những thay đổi, đòi hỏi Nhà nước cần có cách tiếp cận mới và phương thức quản lý mới. Thứhai, với nền tảng trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối đòi hỏi QLNN phải tăng cường sự phối hợp, sự kết nối. Thứba, cuộc CMCN lần thứ tư làm phát sinh những vấn đề mới và làm thay đổi bản chất của những vấn đề cũ, đòi hỏi QLNN phải nâng tầm để thực hiện chức năng quản lý. Thứ tư, QLNN phải thực sự là động lực cho sáng tạo, là chủ thể sáng tạo, kết nối và phát huy sự sáng tạo. Cuối cùng đó là năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong giai đoạn hiện nay, QLNN không thể là quá trình quản trị sáng tạo nếu những cán bộ, công chức, chủ thể quản lý không phải là những chủ thể sáng tạo, năng động, có tầm nhìn, biết tận dụng ra cơ hội và lường trước thách thức khi tham gia vào quá trình QLNN.
CMCN 4.0 đã làm xuất hiện hàng loạt mô hình kinh doanh mới trong thời gian ngắn đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt về khung pháp lý cho TMĐT phải liên tục phải thay đổi để không bị lạc hậu. Mặt khác khung pháp lý cho TMĐT cũng phải tuân thủ các cam kết quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 17 hiệp định FTA song phương và đa phương, trong số đó 12 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương chính thức tái ký kết vào tháng 3/2018 đã dành hẳn một chương (chương 14) đểnói về TMĐT, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo lập các khuôn khổ nhằm tăng cường lòng tin của NTD đối với TMĐT cũng như tránh những rào cản không cần thiết đối với việc ứng dụng, phát triển TMĐT sau này.
Việt Nam đang là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó với quy mô dân số lớn hiện nay với khoảng 100 triệu người, với cơ cấu dân số trẻ, nhanh nhạy với các xu hướng công nghệ trong thời đại CMCN 4.0 tạo nên sự hấp dẫn lớn của thị trường TMĐT trong nước, sẽ tạo đà cho sự bứt phá trong tương lai. Lúc này, vai trò định hướng của Nhà nước là hết sức quan trọng và đảm bảo cho TMĐT phát triển theo đúng hướng, đúng tiềm năng đã có.