2.2.1. Quy mô
Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam
Hình 2.1. Doanh số TMĐT B2C Việt Nam năm 2015 – 2017 (tỷ USD)
Quy mô TMĐT B2C tại Việt Nam với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỷ USD năm 2015 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong ba năm liên tiếp cao (năm 2016 trên 20%; năm 2017 trên 25% và năm 2018 trên 30%) quy mô thị trường TMĐT B2C năm 2018 lên tới khoảng 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các sản phẩm số hóa khác. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD. Quy mô này sẽ cao hơn mục tiêu nêu trong Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, theo mục tiêu này thì quy mô TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Nguồn: Statista.com
Hình 2.2. Các nước có doanh thu TMĐT B2C lớn nhất năm 2017 (tỉ USD)
Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất ở Đôngg Nam Á. Theo Statista.com, TMĐT B2C tại Việt Nam năm 2017 đã lọt tốp 6 trong 10 thị
trường TMĐT B2C lớn nhất thế giới, trong khu vực Đông Nam Á chỉ đứng sau Indonesia (7,1 tỉ USD) (Hình 2.2.)
Nguồn: Sách trắng TMĐT Việt Nam
Hình 2.3. Tình hình mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2015 – 2017
Dân số Việt Nam năm 2017 là 95,54 triệu dân thì trong đó có khoảng 33,6 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến chiếm 35,17%. Nhu cầu mua sắm trực tuyến tại Việt Nam ngày càng cao, ước tính giá trị mua sắm trực tuyến của một người năm 2017 là 186 USD tăng 9,4% so với năm 2016. Tuy nhiên tỷ trọng doanh thu TMĐT B2C so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước năm 2017 tại Việt Nam là 3,6 % vẫn thấp hơn nhiều so với thế giới (10,2%)
2.2.2. DN bán lẻ ứng dụng TMĐT qua các kênh bán hàng
Nguồn EBI 2018
Hình 2.4. DN bán lẻ ứng dụng TMĐT qua các kênh bán hàng
Theo khảo sát của Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2018, 44% DN tham gia khảo sát cho biết đã xây dựng website chỉ nhỉnh lên 1% so với năm 2017 và không thay đổi nhiều trong những năm gần đây. Năm 2018 đã đánh dấu sự tăng trưởng tốt của mô hình kinh doanh trên các mạng xã hội với tỉ lệ mua hàng qua mạng xã hội cụ thể là facebook đạt 70%, có thể thấy đây là hình thức hiệu quả với chi phí thấp đang được nhiều DN lựa
chọn mà điển hình là các DN vừa và nhỏ. Trong số các DN tham gia khảo sát thì có 36% DN cho biết có bán hàng trên mạng xã hội (tăng 4% so với năm 2017). Tương tự như các mạng xã hội thì sàn TMĐT cũng là một kênh được coi là hiệu quả với chi phí phù hợp cho các DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên mức độ quan tâm cũng như ứng dụng của DN trên các sàn TMĐT trong vài năm trở lại đây cũng chưa có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong số DN tham gia khảo sát thì vẫn giao động từ 11% -13% DN cho biết có kinh doanh qua sàn TMĐT. Khảo sát chung trong cả nước chỉ ra năm 2018 có khoảng 17% DN cho biết có website phiên bản di động, tỷ lệ này cũng không có sự chênh lệch nhiều trong vòng 3 năm trở lại đây. Tương tự vơi tỷ lệ DN có website phiên bản di động, tỷ lệ DN có ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động năm 2018 cũng chỉ chiếm 14% và không có sự thay đổi nhiều so với năm trước.
Như vậy xu hướng bán hàng đa kênh ngày càng được áp dụng rộng rãi đối với các DN bán lẻ ứng dụng TMĐT tại Việt Nam, trong đó bán hàng qua mạng xã hội ngày càng tăng sức hút với các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
2.2.3. Tiềm năng phát triển của DN bán lẻ ứng dụng TMĐT Việt Nam
Nguồn: we are social
Hình 2.5. Mức độ sử dụng Internet tại Việt Nam
Theo số liệu từ “we are social” tính đến đầu năm 2018, Việt Nam có hơn 96 triệu dân, với tỉ lệ dân thành thị là 35%. Trong năm này số lượng người dùng Internet lên đến 64 triệu người (67% dân số) tăng 28% so với cùng kì năm trước. Một con số khác, 55 triệu người (57% dân số) sử dụng mạng xã hội, tốc độ tăng trưởng đạt 20% so với cùng kỳ năm trước. Mặt khác với sự ra đời của nhiều dòng điện thoại thông minh phân hóa nhiều cấp từ dòng cấp thấp đến dòng tầm trung và cao, phù hợp với hầu hết các người
dân, vậy nên số lượng người dùng điện thoại cũng tăng so với các năm khác, tốc độ đạt được là 1%. Nhờ sự phát triển đó, kéo theo lượng người dùng mạng xã hội trên điện thoại tăng 20% so với cùng kì năm trước. Qua các con số thống kê, hiện tại tỷ lệ người sử dụng internet, điện thoại thông minh và mạng xã hội của Việt Nam cao hơn bình quân thế giới và nhiều quốc gia ở cùng giai đoạn phát triển. Mặt khác thời gian truy cập Internet trung bình của người Việt Nam lên tới gần 7 tiếng mỗi ngày, thị trường TMĐT B2C Việt Nam đặc biệt là kênh bán hàng qua mạng xã hội và ứng dụng di động được các chuyên gia đánh giá là đầy tiềm năng và chắc chắn sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
2.3.4. Sự phát triển DN bán lẻ ứng dụng TMĐT theo vùng miền
Nguồn EBI 2018
Hình 2.6. Chênh lệch khoảng cách số TMĐT B2C giữa các địa phương
Báo cáo Chỉ số TMĐT về giao dịch B2C địa phương nhiều năm liên tiếp cho thấy hoạt động TMĐT B2C diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh và một số tỉnh năng động liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh khác còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại.
Ước tính Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chiếm tới 70% giao dịch TMĐT. Quy mô TMĐT ở các địa phương khác, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, 70% dân số sống ở nông thôn. Khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.