3.3.1. Bảo hộ cạnh tranh và bảo đảm môi trường kinh doanh hiện đại
Thứ nhất là đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng CNTT&TT, vì phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông là yêu cầu bắt buộc nếu muốn phát triển DN bán lẻ ứng dụng TMĐT. Cụ thể, trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các DN lắp đặt các trạm 3G, 4G tiến tới 5G để tăng cường phủ sóng mạng internet trên toàn quốc, đặc biệt là vùng sâu vùng xa. Đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ lên băng thông rộng (DSL, cáp quang, LTE), tăng trưởng nhờ lượng người dùng chuyển đổi sang internet băng rộng và cần mở rộng dịch vụ sang các vùng ngoại ô, nông thôn với tỉ lệ thâm nhập internet còn thấp. Kết cấu hạ tầng CNTT, công nghệ viễn thông và mạng internet là ba điều kiện tiên quyết bảo đảm các dịch vụ thích hợp để phát triển DN bán lẻ ứng dụng TMĐT. Chính phủ cũng cần phải xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn an ninh thông tin mạng, xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ an toàn thông tin mạng của Việt Nam, đặc biệt phải nâng cao năng lực nhận thức và trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng.
Thứ hai, trong hạ tầng chuyển phát hỗ trợ DN bán lẻ ứng dụng TMĐT, các Bộ, Ban ngành ngoài việc nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không nội địa mà cần phải lưu ý tới tính tương thích của hệ thống này với hệ thống của các nước trong khu vực. Do TMĐT hiện nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một quốc gia hay vùng lãnh thổ, TMĐT xuyên biên giới cũng đã trở nên hết sức phổ biến. Bởi vậy, việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thật sự rất quan trọng để có thể giảm
thiểu thời gian vận chuyển, khuyến khích NTD mua sắm. Chính phủ cũng cần có những chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ hoàn tất đơn hàng bằng cách ứng dụng công nghệ mới trong tất cả các khâu từ đóng gói, vận chuyển, thu tiền và chăm sóc khách hàng sau bán hàng để làm sao để có thể đưa hàng hóa đến tận tay khách hàng trong thời gian sớm nhất, an toàn nhất và với chi phí rẻ nhất.
Thứ ba là hoàn thiện hạ tầng thanh toán điện tử, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt: cơ quan QLNN cần đẩy nhanh hoàn thiện phát triển hệ thống thanh toán bằng hình thức ví điện tử - một trong phương thức thanh toán chủ yếu của tương lai. Tác giả đề xuất một số giải pháp như sau: 1) Xây dựng cơ chế thanh toán liên thông giữa các ví điện tử; 2) Cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử thông qua tài khoản ngân hàng; 3) Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để kích thích đầu tư vào thị trường dịch vụ thanh toán điện tử;
4) Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá để khuyến khích sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ ví điện tử của người dân; 5) Tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử: xử lý các rủi ro, lỗ hổng bảo mật CNTT đặc biệt cần xây dựng chương trình hợp tác phối hợp trong phòng, chống tội phạm công nghệ cao cũng như triển khai các giải pháp an toàn an ninh mạng trong thanh toán điện tử.
Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực cho DN bán lẻ ứng dụng TMĐT, Bộ GD&ĐT cần có những chính sách đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực TMĐT từ trong nhà trường. Các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng cần trang bị khối kiến thức kinh tế, tổ chức kinh doanh trên mạng internet, vận dụng thành thạo các công cụ tìm kiếm, khai thác thông tin, đối tác, mở rộng thị trường kinh doanh. Trang bị cho người học kỹ năng giao dịch TMĐT; vận dụng các kiến thức về mạng máy tính, an ninh mạng...
trong quản trị mạng, bảo mật và bảo toàn thông tin. Với sự phát triển của CNTT, các cơ sở giáo dục đào tạo đại học, cao đẳng có thể xây dựng mô hình thực tế ảo để giúp cho sinh viên có thể thao tác, giao dịch, xử lý ứng dụng nhanh chóng. Đổi mới các chương trình đào tạo, phương thức đào tạo theo hướng gắn liền với xu thế phát triển của CMCN 4.0. Các giáo trình cần liên tục cập nhật, kết thừa từ tinh hoa nghiên cứu mới nhất về TMĐT của các trường đại học hàng đầu thế giới để sinh viên nhanh chóng tiếp cận bức tranh TMĐT toàn cầu. Đặc biệt là cần tăng cường liên kết giữa nhà trường với DN bởi kết nối sâu rộng giữa nhà trường với các DN chính là một trong những điểm mấu chốt
để phát triển đội ngũ nhân lực có tính “thực tế” ngay trên ghế nhà trường. Về lâu dài, cơ quan QLNN cần thực hiện điều tra, khảo sát việc làm của sinh viên và nhu cầu thị trường lao động về xu hướng việc làm trong lĩnh vực TMĐT; hướng dẫn, hỗ trợ các DN bán lẻ ứng dụng TMĐT hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn bởi đã đến lúc các DN cần nhìn xa hơn về chiến lược sử dụng lao động TMĐT, coi điều kiện lao động tốt là yếu tố giúp gia tăng cạnh tranh và đem lại lợi nhuận.
Thứ năm là đầu tư xây dựng và cập nhật khung khổ pháp lý phù hợp với tình hình thực tiễn trong nước và quốc tế tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi đối với sự phát triển DN bán lẻ ứng dụng TMĐT. Đầu tiên là việc sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định “khung” mang tính cơ bản về TMĐT đồng thời cần xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT để khắc phục các vướng mắc, bất cập còn tồn tại. TMĐT phát triển dựa trên nền tảng của công nghệ, trong thời đại CMCN 4.0, công nghệ thay đổi rất nhanh do vậy chính sách, pháp luật thường không theo kịp với sự phát triển của DN bán lẻ ứng dụng TMĐT. Chính vì vậy đề xuất
đưa ra một cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế trong TMĐT (khung pháp lý thử nghiệm Sandbox) mà một số quốc gia đang áp dụng. Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số ít DN thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn nhưng có phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý và có các phương án dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. Sandbox giúp rút ngắn thời gian các nhà điều hành luật pháp đưa ra các điều luật mới theo kịp với sự phát triển không ngừng của công nghệ. Trước diễn biến các vi phạm liên quan đến DN bán lẻ ứng dụngTMĐT có xu hướng tăng nhanh, mất kiểm soát có thể kể đến như: vi phạm đăng ký trên Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT; hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ xuất hiện tràn lan,... Chính vì vậy cấp thiết phải hoàn thiện Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TMĐT với các chế tài đủ sức răn đe làm giảm thiểu các hành vi gian lận, lừa đảo, ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh và niềm tin của NTD.
Thứ sáu, Cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra trong việc kiểm soát DN bán lẻ ứng dụng TMĐT, bên cạnh đó phải đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra
quản lý thị trường, thanh tra thuế, thanh tra an ninh mạng, thanh tra TMĐT. Đồng thời cần tăng cường số lượng và chất lượng cán bộ đủ năng lực, trình độ cho hoạt động này cũng như tăng cường các phương tiện cần thiết cho việc giám định, kiểm tra để xử lý kịp thời, chính xác các hành vi vi phạm. Đặc biệt Nhà nước phải có chính sách gắn trách nhiệm của các sàn TMĐT, các mạng xã hội với hàng hóa của mình để hoạt động thanh tra, kiểm tra có thể kiểm soát chất lượng hàng hóa được tốt hơn.
Thứ bảy, đẩy mạnh vai trò của Chính phủ điện tử:Việc đảm bảoan toàn, an ninhcho TMĐT cần được củng cố với việc thiết lập các hệ thống quản lý, giám sát giao dịch TMĐT; đánh giá tín nhiệm website/ ứng dụng TMĐT và chứng thực chứng từ điện tử; các cơ chế giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong TMĐT. Và đặc biệt cần tập trung xây dựng hệ thống quản lý chứng từ điện tử để triển khai rộng rãi trong hoạt động lưu thông hàng hóa trên thị trường cũng như xây dựng giải pháp hóa đơn điện tử cho DN kinh doanh TMĐT để tạo cơ sở vững chắc cho ngành TMĐT PTBV trong tương lai.
Thứ tám, thành lập tổ chức đứng ra tập hợp và chuẩn hóa các hoạt động kinh doanh của DN bán lẻ ứng dụng TMĐT đảm bảo việc kinh doanh diễn ra lành mạnh đồng thời kiểm soát giám sát hoạt động của các DN về việc tuân thủ pháp luật. Tổ chức này cần có mối liên hệ chặt chẽ với các bộ, ban, ngành để việc kiểm soát hoạt động của DN bán lẻ ứng dụng TMĐT được thuận lợi hơn.
3.3.2. Bảo vệ người tiêu dùng
Đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với cơ quan QLNN trong việc phát triển, kiểm soát DN bán lẻ ứng dụng TMĐT. Chỉ khi Nhà nước ngày càng quan tâm và đưa ra những chính sách Bảo vệ NTD phù hợp với thực tiễn, giải quyết kịp thời các bức xúc về chất lượng hàng hóa, lộ thông tin cá nhân, giải quyết các tranh chấp, khiếu nại thì NTD sẽ ngày càng tin tưởng và mua sắm qua mạng nhiều hơn. Hơn thế nữa, khi đã tạo được niềm tin đối với NTD, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dần chiếm chủ đạo tạo điều kiện cho cơ quan QLNN trong việc kiểm soát các giao dịch, chống thất thu thuế. Tác giả đề xuất một số giải pháp tạo niềm tin cho NTD như sau:
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các DN bán lẻ ứng dụng TMĐT trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng: 1) các chương trình đánh giá mức độ uy tín của DN bán lẻ ứng dụng TMĐT nhằm hỗ trợ và tạo niềm tin cho NTD trong việc lựa chọn DN tin cậy để giao dịch; 2) các mô hình về giải quyết rút gọn khiếu nại của NTD; 3) các công cụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến.
- Xây dựng và vận hành các chương trình nhằm tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của DN từ khâu kiểm soát hàng hóa, trung thực trong giao nhận hàng hóa, song song với việc nâng cao ý thức của NTD về mua sắm trực tuyến, những tiện ích mà DN bán lẻ ứng dụng TMĐT mang lại, đồng thời hướng dẫn họ tìm kiếm mua sắm, phản hồi cũng như hình thức khiếu nại trong quá trình giao dịch với DN bán lẻ ứng dụng TMĐT. Trong môi trường điện tử với vô số các khiếu nại mỗi ngày cơ quan QLNN cần xây dựng chương trình và quy định về việc giải quyết vi phạm, tranh chấp về TMĐT bằng hình thức trực tuyến. NTD có thể mạnh dạn khiếu nại một cách dễ dàng chỉ cần 1 click chuột để gửi đơn và nhận kết quả của cơ quan chức năng cũng bằng phương thức này.
3.3.3. Bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích xã hội và các lợi ích khác * Nâng cao hiệu quả hoạt động thu thuế
Để nâng cao hiệu quả hoạt động thu thuế đối với DN bán lẻ ứng dụng TMĐT đặc biệt là các DN bán lẻ kinh doanh trên mạng xã hội cần 1) tăng cường trách nhiệm phối hợp của các cơ quan QLNN như Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước... trong việc trao đổi thu thập thông tin của DN bán lẻ ứng dụng TMĐT; 2) Hỗ trợ khuyến khích áp dụng hóa đơn điện tử trong DN bán lẻ ứng dụng TMĐT và có những giải pháp liên thông hóa đơn điện tử với hệ thống nộp thuế điện tử để cho việc đăng ký, kê khai và nộp thuế của DN được thực hiện dễ dàng nhất và quản lý thuế được hiệu quả tránh tình trạng gian lận, trốn thuế; 3) Nghiên cứu phát triển công cụ tìm kiếm internet thông minh có thể xác định được các giao dịch trong DN bán lẻ ứng dụng TMĐT chưa kê khai thuế để ghi chép kết quả làm bằng chứng phục vụ công tác thanh tra kiểm tra; 4) Xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu nhằm trang bị cho công chức thuế các kiến thức về TMĐT&CNTT; đào tạo về kỹ năng khai thác dữ liệu điện tử để phục vụ hoạt động thanh tra, giảm thời gian thanh tra; tổ chức đào tạo ngoại ngữ, CNTT và kỹ năng thanh tra, kiểm tra bằng phương pháp máy tính cho các công chức để nâng cao năng lực quản lý cho các cán bộ thuế.
* Thu hẹp khoảng cách số TMĐT B2C giữa các địa phương
Mặc dù thực trạng hiện nay có sự chênh lệnh lớn tỉ trọng TMĐT B2C giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh so với các tỉnh thành khác đặc biệt là vùng nông thôn, tuy nhiên nếu xét trên nhiều phương diện, TMĐT B2C ở vùng nông thôn có nhiều cơ hội, tiềm năng để phát triển. Dân số 2 thành phố lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh chỉ chiếm hơn 16% dân số cả nước trong khi đó 61 tỉnh thành còn lại chiềm hơn 83%. Ngoài ra, khu vực nông thôn hiện nay có nhiều lợi thế do hạ tầng internet đang dần phổ biến, số lượng người sử dụng smartphone tăng nhanh dẫn đến có một lực lượng tiềm năng những người dùng trẻ tuổi đang tiếp cận nhanh chóng với TMĐT. Chính vì vậy giải pháp để thu hẹp khoảng cách số TMĐT B2C giữa các địa phương trong cả nước đó là đẩy nhanh số hóa về khu vực nông thôn, thúc đẩy nông thôn thông minh hơn trong lĩnh vực TMĐT, qua đó từng bước xây dựng nông thôn thông minh. Vấn đề này cần được cơ quan QLNN đặc biệt chú trọng và đưa vào mục tiêu quốc qua về phát triển TMĐT. Cơ quan QLNN cũng cần tăng cường tuyên truyền các chính sách, pháp luật, định hướng của Chính phủ về TMĐT qua các kênh truyền thông để tất cả mọi người dân đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể nắm bắt được. Đặc biệt là tổ chức các lớp tập huấn, chuyên đề nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng về ứng dụng TMĐT cho DN bán lẻ địa phương, hướng dẫn họ các phương thức áp dụng TMĐT đặc biệt là trên smartphone để tạo ra những trải nghiệm mua sắm mới mẻ nhằm kích thích NTD.