Nhằm đánh giá tác động của mặt đường đến hành khách khi di chuyển bằng xe ô tô có thể mô hình hóa dao động của ô tô khách giường nằm thành các dạng mô hình khảo sát dao động: Mô hình dao động ¼, Mô hình dao động ½ và mô hình dao động không gian.
Mỗi mô hình đều có các ưu nhược điểm của riêng mình trong quá trình nghiên cứu đánh giá hệ thống treo. Mô hình ¼ thường sử dụng để đánh giá cụ thể các phần tử của hệ thống treo, đây là mô hình được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu trên thế giới từ trước đến nay. Mô hình ½ được phát triển hơn mô hình ¼ bằng việc có xem xét đến ảnh hưởng của liên kết giữa hệ thống treo trước và hệ thống treo sau qua khối lượng được treo trong mặt phẳng dọc được thể hiện qua góc lắc dọc. Mô hình không gian là một mô hình được đánh
giá là mô hình khảo sát khá đầy đủ sự liên hệ giữa các dạng dao động của xe khi hệ dao động được đánh giá xem xét trong hệ tọa độ không gian với các dao động cả trong mặt phẳng dọc và mặt phẳng ngang.
Nghiên cứu mô hình dao động nhằm hướng đến khảo sát đánh giá tác động của hệ thống treo từ đó đưa ra các kiểm tra, hoàn thiện tối ưu phục vụ cho quá trình thiết kế, lựa chọn các bộ phận của hệ thống treo cũng như điều khiển các thông số của hệ thống treo trong các hệ thống treo có điều khiển nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao độ êm dịu chuyển động của phương tiện cũng như tăng tính ổn định của phương tiện trong các điều kiện khảo sát khác nhau.
Trong các khảo sát, đánh giá dao động của cơ hệ, người lái thường được chọn làm đối tượng để đánh giá. Trong mô hình dao động người lái thường được quy dẫn về một khối lượng tập trung được đặt trên một hệ thống treo đặc trưng bởi hai thông số hệ số độ cứng và hệ số giảm chấn. Mô hình hóa trên sẽ chỉ xét đến dao động theo một phương (phương thẳng đứng) còn đối với trong trường hợp mô hình hóa người nằm thì cần phải xét thêm sự tác động dao động trong mặt phẳng thì mô hình hóa trên không đáp ứng được.