2.2.1 Lịch sử hình thành và phát triển Bancassurance trong NHTM Việt Nam
Trước năm 1993 khi chưa có Luật Kinh doanh bảo hiểm, ở Việt Nam chỉ có duy nhất một DNBH đó là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong điều kiện bao cấp nên vai trò của hoạt động bảo hiểm trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, mối liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm hầu như chưa có gì đáng kể. Sau khi Nghị định số 100/CP của Chính phủ ra đời vào năm 1993, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như qui mô của doanh thu phí bảo hiểm. Vì thế, vấn đề quản lý thị trường bằng luật chuyên ngành và hệ thống các quy phạm pháp luật khác được đặt ra (Ngân hàng nhà nước Việt Nam, 2012).
Sau đó, tháng 12 năm 2000, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 đã được ban hành thay thế Nghị định 100/CP của Chính phủ để quản lý thị trường bảo hiểm Việt Nam mới dẫn đến hoạt động mạnh mẽ của ngành bảo hiểm ở Việt Nam.
Năm 2001, cột mốc đánh dấu sự phát triển của Bancassurance chính là việc AIA Việt Nam kí thỏa thuận hợp tác với ngân hàng HSBC. Thông qua đó mà các công ty bảo hiểm đã nhận ra việc phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng là một hướng đi đầy triển vọng.
Trên thực tế, từ năm 2000 đến nay, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện một số mô hình liên kết giữa ngân hàng và bảo hiểm như sau:
- Ngân hàng làm đại lý khai thác bảo hiểm: Vietinbank và Bảo Việt (2001); Techcombank và Bảo Việt (năm 2006); ABBank và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (2008); ACB và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prévoir Việt Nam (2009); Maritime Bank và Prudential (2010); ACB đã liên kết với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA Việt Nam (2010); Sacombank phối hợp Công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (2012).
- Ngân hàng góp vốn thành lập DNBH dưới hình thức liên doanh hoặc cổ phần: Vietinbank đã cùng Công ty bảo hiểm châu Á Singapore thành lập Công ty liên doanh bảo hiểm châu Á - Ngân hàng Công thương (gọi tắt IAI) chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ (2002); Agribank đã cùng Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm quốc gia Việt Nam và hai Công ty cho thuê Tài chính I, II thuộc NHNo&PTNT Việt Nam góp vốn thành lập Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (2006); Vietcombank và SeAbank cùng Cardif thành lập Công ty liên doanh bảo hiểm VCLI (2008); cũng trong năm 2008, SHB và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cùng một số cổ đông khác góp vốn thành lập Công ty cổ phần bảo hiểm SHB-VINACOMIN (gọi tắt là Bảo hiểm SVIC).
- Ngân hàng thành lập DNBH trực thuộc hoặc Tập đoàn Bảo hiểm thành lập ngân hàng trực thuộc để hình thành tập đoàn dịch vụ tài chính: BIDV đã mua lại toàn bộ phần vốn góp của công ty Bảo hiểm quốc tế QBE trong liên doanh Bảo hiểm Việt Úc để thành lập công ty con trực thuộc BIDV chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm Phi Nhân thọ (2005); Vietinbank mua lại phần vốn góp của Công ty bảo hiểm châu Á Singapore, do đó Công ty Bảo hiểm Vietinbank (VBI) cũng chính thức trở thành công ty con trực thuộc Vietinbank (2008); Tập đoàn Bảo Việt cũng chính thức ra mắt Ngân hàng TMCP Bảo Việt với phần vốn chi phối của Tập đoàn Bảo Việt để hình thành Tập đoàn Tài chính -Ngân hàng - Bảo hiểm (2008).
2.2.2.Thực trạng phát triển kênh Bancassurance tại các Ngân hàng Thương mại Việt Nam
2.2.2.1. Về quy định pháp lý:
- Quy định pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng:
Theo Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, các tổ chức tín dụng được phép hoạt động đại lý kinh doanh bảo hiểm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thông tư số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN ngày 02/7/2014 mới đây quy định điều kiện để tổ chức tín dụng được làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là được Ngân hàng Nhà nước cho phép tại Giấy phép thành lập và hoạt động.
- Quy định pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm:
Mặc dù vậy, tại Việt Nam cho đến trước tháng 7/2014, Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định riêng dành cho kênh
phân phối này. Việc triển khai bancassurance tuân thủ theo quy định chung liên quan đến khai thác bảo hiểm và đại lý bảo hiểm, cụ thể như sau:
+ Đối với đại lý bảo hiểm cá nhân hoặc tổ chức (Điều 86, Điều 87 Luật Kinh doanh bảo hiểm).
+ Chương III Nghị định 45/2007/NĐ-CP quy định nguyên tắc hoạt động đại lý, các quyền và nghĩa vụ của DNBH.
Theo đó, cán bộ của ngân hàng bán bảo hiểm được coi như đại lý bảo hiểm thông thường. Thực tế, cán bộ của ngân hàng không phải là đại lý bảo hiểm chuyên nghiệp, nhiệm vụ chính của họ là cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, ngân hàng có hệ thống dữ liệu và khối lượng khách hàng khác hẳn với đại lý bảo hiểm cá nhân hay tổ chức đại lý thông thường. Do đó, nhằm thúc đẩy sự phát triển của kênh phân phối này nói riêng, thị trường bảo hiểm nói chung, đồng thời quản lý tốt hơn kênh phân phối này và bảo vệ được quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm, ngày 02/7/2014 Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 86/2014/TTLT-BTC-NHNNVN hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
2.2.2.2 Tình hình triển khai Bancassurance
Tại Việt Nam, đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng được coi là kênh phân phối chuyên nghiệp thứ hai sau kênh phân phối truyền thống là đại lý. Ngoài Vietcombank Cardif là DNBH nhân thọ có vốn góp của ngân hàng, một số DNBH nhân thọ khác như AIA, Prudential, Bảo Việt nhân thọ, Dai-ichi, Generali, Hanwha…cũng bắt đầu thực hiện phân phối bảo hiểm qua ngân hàng và đạt được những kết quả nhất định. Ước tính 11/16 DNBH nhân thọ đã triển khai hợp tác với khoảng 30 ngân hàng phân phối đa dạng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Kênh phân phối này hiện chiếm khoảng 2% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ của toàn thị trường (Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, 2014). Theo đó, DNBH phát triển sản phẩm, cán bộ ngân hàng giới thiệu sản phẩm và thực hiện các hoạt động khác theo hợp đồng uỷ quyền của DNBH hoặc các tư vấn viên của DNBH ngồi tại ngân hàng thực hiện tư vấn, bán sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Ngoài hoa hồng đại lý, tuỳ theo sự thoả thuận trong hợp đồng hợp tác giữa
doanh nghiệp với từng ngân hàng, ngân hàng có thể nhận được các khoản thưởng định kỳ, các khoản hỗ trợ đào tạo, marketing bán hàng và chia sẻ lợi nhuận với doanh nghiệp bảo hiểm nếu hoạt động kinh doanh đạt kết quả tốt.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, hiện có 11 doanh nghiệp có vốn góp của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng này chỉ thực hiện việc giới thiệu khách hàng và hưởng hoa hồng đại lý do các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả. Phần lớn hoạt động nghiệp vụ do doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.
Kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) đã trở thành xu thế tất yếu khi các công ty bảo hiểm nhân thọ lớn đều đẩy mạnh khai thác kênh này. Tại châu Á, Bancassurance chiếm 60% tổng doanh thu ngành bảo hiểm nhân thọ trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam rất thấp. Năm 2013, doanh thu từ kênh này chiếm 3% tổng doanh thu toàn ngành. Mặc dù có thị phần nhỏ nhưng mức tăng trưởng của bảo hiểm liên ngân hàng đang ở chiều thẳng đứng và đã có những thành tựu đáng kinh ngạc. Năm 2013, Bancassurance tại Việt Nam có mức tăng trưởng đến 92%. Sáu tháng đầu năm 2014, doanh thu từ kênh này đã tăng 120%. Ngoài ra, sự liên tục tái cơ cấu và củng cố sức mạnh tài chính của các ngân hàng cũng đang gia tăng thêm niềm tin của khách hàng vào hệ thống ngân hàng hiện nay. Những yếu tố này chắc chắn sẽ mang lại tác động tích cực về sự phát triển của kênh phân phối Bancassurance tại Việt Nam.
2.2.3 Thực trạng áp dụng Bancassurance trong Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam.