Thông thường có các bước sau:
* Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ và xem xét các điều kiện để ra quyết định áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay phù hợp.
Với bất kì hồ sơ tín dụng và khách hàng nào, ngân hàng phải xem xét thận trọng từ hồ sơ, giấy tờ vay vốn hợp lệ đến uy tín và năng lực tài chính của khách hàng, để từ đó đưa ra những phương thức cho vay thích hợp nhằm đảm bảo thu hồi nợ. Với từng bộ hồ sơ và khách hàng cụ thể, sau khi thẩm định ngân hàng có thể cấp tín dụng hoặc từ chối cấp tín dụng.
* Bước 2: Thẩm định, đánh giá tài sản bảo đảm.
Trong cho vay có tài sản đảm bảo, ngoài việc đánh giá khách hàng và phân tích các hồ sơ cần thiết, ngân hàng luôn phải chú trọng đặc biệt tới công tác đánh giá tài sản bảo đảm nhằm xem xét các điều kiện của tài sản và định giá chúng.
+ Thẩm định về các điều kiện của tài sản gồm: Thẩm định tính hợp pháp; thẩm định về tính lưu thông và quyền sở hữu. Sở dĩ ngân hàng cần đặc biệt quan tâm tới tính lưu thông, tính hợp pháp và quyền sở hữu của tài sản vì trên thực tế có rất nhiều trường hợp ngân hàng nắm giữ tài sản trong tay nhưng lại không phát mại được để thu hồi vốn và sau khi khẳng định chắc chắn tài sản thuộc quyền sở hữu của người đi vay, có thị trường tiêu thụ và hợp pháp thì các cán bộ tín dụng phải tiến hành
định giá tài sản.
+ Việc định giá tài sản phải dựa trên cơ sở tuân theo đúng quy luật cung - cầu, sát với giá cả thị trường. Điều này là rất quan trọng bởi vì nếu như ngân hàng quy định mà quá cao so với giá trị thực thì dẫn đến giá trị cho vay lớn hơn giá trị tài sản đảm bảo, khi xảy ra sự cố khách hàng không thực hiện nghĩa vụ, NHTM bán tài sản đảm bảo không đủ để trả nợ, gây rủi ro cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngược lại, nếu ngân hàng định giá tài sản bảo đảm quá thấp so với giá trị thực thì sẽ gây thiệt thòi cho khách hàng, làm giảm khối lượng cấp tín dụng, dẫn đến giảm doanh thu, giảm khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Do đó việc đánh giá chính xác tài sản bảo đảm là một nghiệp vụ hết sức phức tạp, khó khăn và vô cùng quan trọng, vì vậy đối với những tài sản có giá trị lớn, tính chất kỹ thuật chuyên môn sâu, ngân hàng phải lập tổ thẩm định hoặc thuê chuyên gia, công ty thẩm định chuyên nghiệp tiến hành.
* Bước 3: Xác định mức cho vay thích hợp nhằm bảo đảm thu hồi nợ.
Khi đã hoàn tất được việc định giá trị tài sản bảo đảm, ngân hàng cần xác định mức cho vay đối với khoản vay có tài sản đảm bảo dựa trên nhu cầu vay vốn của khách hàng và tính chất của tài sản đảm bảo. với các tài sản có khả năng lưu thông cao, giá trị ít biến động thì ngân hàng có thể cho vay với tỉ lệ cao. Ngược lại với những tài sản có mức giá có thể bị biến động mạnh hoặc khó thanh lý, ngân hàng sẽ cho vay với tỉ lệ thấp hơn.
Mặt khác, tỷ lệ cho vay còn phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế và chu kỳ hoạt động của tài sản bảo đảm. Chẳng hạn, khách hàng vay vốn là doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì chu kỳ hoạt động theo mùa vụ khác với doanh nghiệp sản xuất xi măng có công suất ổn định, do đó mức cho vay, phương thức cho vay cũng không giống nhau. Ngoài ra mức cho vay còn phụ thuộc vào chủ trương, chính sách của từng thời kỳ của mỗi NHTM. Sau khi hoàn thành việc xác định mức cho vay, cán bộ ngân hàng sẽ chuyển sang bước tiếp theo.
* Bước 4: Ký hợp đồng và quản lý tài sản bảo đảm.
Hợp đồng bảo đảm tài sản thường được ký kết đồng thời với hợp đồng tín dụng sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết. Tuỳ theo hình thức bảo đảm và tài sản bảo đảm mà hợp đồng bảo đảm có thể được lập riêng hoặc nằm trong hợp đồng tín
dụng và cũng tuỳ từng loại hình bảo đảm theo quy định của pháp luật mà hợp đồng bảo đảm phải công chứng nhà nước và tài sản bảo đảm phải đăng ký giao dịch bảo đảm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Việc quản lý tài sản bảo đảm bao gồm cả việc bảo quản, đánh giá lại tài sản và xử lý sau khi đánh giá hiệu qủa của việc quản lý này còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất (như kho bãi để bảo quản), trình độ cán bộ ngân hàng trong việc định giá tài sản và đưa ra được những biện pháp xử lý thoả đáng, đảm bảo an toàn cho hoạt động kinh doanh của NHTM.
* Bước 5: Xử lý tài sản bảo đảm.
Khi đến hạn thanh toán, nếu khách hàng thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ của mình thì ngân hàng sẽ tiến hành giải chấp, hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm được thanh lý hoàn toàn. Còn trong trường hợp khách hàng không thanh toán đúng hạn, lơ là nghiã vụ trả nợ hoặc có hành vi bất hợp tác trong việc thanh toán nợ thì ngân hàng buộc phải xử lý tài sản đảm bảo thường gặp phải rất nhiều khó khăn, nan giải, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam hiện nay, khi mà thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, hành lang pháp lý còn chưa hoàn thiện, nhiều văn bản quy định chồng chéo... buộc mỗi ngân hàng phải có các biện pháp xử lý linh hoạt cho riêng mình.