quản trị RRTD của HDbank
Trong những năm gần đây Việt Nam đã tăng trưởng nhanh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được giữ ở mức dưới 5% và với cán cân thương mại vững chắc .
Hiện làn sóng sáp nhập ngân hàng đã diễn ra khá mạnh và được Chính phủ lẫn NHNN khuyến khích. Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2011 - 2015. Vì vậy, ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo xử lý quyết liệt và triển khai mạnh mẽ, có hướng giải quyết, phương án và giải pháp tái cơ cấu, xử lý nợ xấu để đến cuối năm cơ bản hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, qua đó tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn tiếp theo (2016-2020). Đối với các NHTM nhà nước, tích cực triển khai các giải pháp theo đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt: sáp nhập NHTM khác (MHB sáp nhập vào BIDV); tham gia cơ cấu lại NHTM cổ phần yếu kém và được kiểm soát đặc biệt theo phương án đã được Chính phủ phê duyệt. Chẳng hạn, Vietinbank tham gia tái cơ cấu GPBank, OceanBank; Vietcombank tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng; Vietinbank và BIDV hỗ trợ xử lý DongA Bank khi ngân hàng này bị kiểm soát đặc biệt. Theo đó, các NHTM nhà nước có hình thức hỗ trợ như: cử cán bộ có trình độ tham gia quản trị điều hành; triển khai các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn, huy động, ứng dụng công nghệ, chấn chỉnh và xử lý các tồn đọng. Còn với các NHTM yếu kém không có khả năng tự tái cơ cấu, không có phương án tái cơ cấu khả thi, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thì trên cơ sở phương án đã được Chính phủ phê duyệt, NHNN kiên quyết áp dụng giải pháp can thiệp bắt buộc đó là mua lại với giá “0 đồng” và chỉ đạo NHTM nhà nước tham gia quản trị điều hành. Cụ thể, đó là Ngân hàng Xây dựng, OceanBank, GPBank. Sau đó, các nhà băng này đã được chuyển đổi thành ngân hàng 100% vốn nhà nước.
Khung pháp quy được cải thiện, vấn đề củng cố ngành đã bắt đầu với một số vụ mua bán sáp nhập. Vốn được bổ sung thường xuyên nhằm tăng cường thanh khoản cho ngành ngân hàng. Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua một khối lượng lớn nợ xấu từ các ngân hàng. Các ngân hàng biết rằng, từ năm 2015 sẽ phải áp dụng đầy đủ Thông tư 02/2013/TT-NHNN, theo đó, dự kiến nợ xấu sẽ tăng, kéo theo trích lập dự phòng rủi ro tăng. Bên cạnh đó các quy định về đảm bảo hoạt động an toàn như Thông tư số 06/2016/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN) cũng buộc các ngân hàng phải hoạt động một cách chắc chắn và thận trọng hơn.
Trong năm 2016, nhờ thị trường ổn định, NHNN đã mua ròng ngoại tệ, đưa dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức kỷ lục khoảng 41 tỷ USD. Về phía các ngân hàng, ngay từ đầu năm họ đã đón nhận những thông tin lạc quan về tình hình kinh doanh. Có thể kể đến như Vietcombank thông báo lãi kỷ lục trong năm 2016 và là ngân hàng đầu tiên đã dọn dẹp sạch sẽ nợ xấu tại VAMC. VIB đã chính thức niêm yết trên sàn tập trung UPCoM. Đây là ngân hàng đầu tiên trong ngành niêm yết trong năm 2017 này, khởi đầu cho một mùa niêm yết dự kiến sẽ rất sôi động với các ngân hàng có thể nối tiếp như là Maritime Bank, VPBank, Techcombank, Kienlongbank…
Về bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, những bất ổn về chính trị thế giới có thể khiến các nhà đầu tư lo ngại rút vốn ra khỏi các thị trường đang phát triển, dẫn tới sự thay đổi luồng vốn đầu tư quốc tế như việc nước Anh rút khỏi liên minh EU, bất ổn tình hình chính trị ở Trung Đông, việc Mỹ tuyên bổ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) v.v… cũng có khả năng sẽ tác động tới lãi suất trong ngắn hạn và nguồn cung vốn quốc tế, từ đó ảnh hưởng đến việc huy động vốn quốc tế và chi phí vay của ngân hàng.