Huy động vốn nói chung và huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của NHTM đóng vai trò hết sức quan trọng. Trái phiếu không chỉ góp phần tạo dựng nền tảng vốn dài hạn bền vững cho NHTM, qua đó tạo tiền đề cho sự tăng trưởng các mảng hoạt động khác (tăng trưởng tín dụng, đầu tư…) mà còn có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, định hướng, chiến lược kinh doanh của ngân hàng trong từng thời kỳ.
Để đánh giá về sự phát triển của TPDN ta có thể đánh giá theo các tiêu chí như theo quy mô nguồn vốn trái phiếu và tốc độ tăng trưởng quy mô nguồn vốn trái phiếu, theo chi phí huy động vốn trái phiếu, theo kỳ hạn của trái phiếu, theo lợi suất đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu, theo sự đa dạng về cấu trúc sản phẩm trái phiếu …
- Theo quy mô nguồn vốn trái phiếu và tốc độ tăng trưởng quy mô nguồn vốn trái phiếu
Quy mô nguồn vốn trái phiếu là tổng giá trị vốn mà ngân hàng huy động được qua kênh trái phiếu trong một thời gian nhất định. Tăng trưởng quy mô nguồn
vốn trái phiếu huy động là một trong những chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu của ngân hàng. Điều đó cho thấy ngân hàng đã thành công khi thu hút được nhiều nhà đầu tư biết tới ngân hàng, tin tưởng và đầu tư vào trái phiếu do ngân hàng phát hành.
Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu theo quy mô bao gồm:
+ Quy mô huy động vốn trái phiếu thực tế trong năm so với kế hoạch huy động vốn trái phiếu đặt ra. Trong phạm vi chi phí vốn dự kiến, quy mô huy động vốn trái phiếu càng lớn so với kế hoạch đặt ra thì hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu của NHTM càng cao.
+ Tốc độ tăng trưởng quy mô huy động vốn trái phiếu. Nếu tỷ lệ này >100% cho thấy nguồn vốn huy động kỳ này tăng so với kỳ trước, chứng tỏ ngân hàng đã mở rộng quy mô hay nâng cao chất lượng công tác huy động vốn trái phiếu. Có thể sử dụng chỉ tiêu này để đánh giá, so sánh với tốc độ tăng nguồn vốn huy động từ các kênh huy động vốn khác của ngân hàng để đánh giá xem kênh huy động vốn trái phiếu có hiệu quả hơn so với các kênh huy động vốn khác hay không.
+ Quy mô nguồn vốn gia tăng đáp ứng cho các mục tiêu kinh doanh của ngân hàng từng thời kỳ: Đánh giá qua việc so sánh nguồn vốn trái phiếu huy động được với các nhu cầu tín dụng, thanh toán, nhu cầu đảm bảo các hệ số an toàn vốn hoặc các nhu cầu khác để thấy nguồn vốn trái phiều huy động đã đáp ứng bao nhiêu.
- Theo chi phí huy động vốn trái phiếu
Chi phí huy động vốn trái phiếu là toàn bộ chi phí ngân hàng bỏ ra để được hưởng quyền sử dụng một đồng vốn trái phiếu trong một thời gian nhất định.
Chi phí huy động vốn trái phiếu bao gồm ba phần:
+ Chi phí trả lãi: Là chi phí ngân hàng trả lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
+ Chi phí tư vấn và đại lý: Là chi phí trả cho các bên thứ ba tham gia giao dịch, hỗ trợ NHTM trong việc phát hành trái phiếu hoặc cung cấp các dịch vụ đại lý sau phát hành. Chi phí này có thể bao gồm chi phí tư vấn luật, chi phí tư vấn phát
hành, chi phí nhà thầu, chi phí đại lý lưu ký… Các chi phí này có thể trả một lần tại ngày phát hành hoặc trả theo định kỳ trong thời gian trái phiếu lưu hành.
+ Chi phí phi lãi (chi phí tiền lương cho cán bộ huy động vốn, chi phí cơ sở vật chất, chi phí marketing, quảng cáo, in ấn…)
Trong đó lãi suất huy động vốn trái phiếu luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của các tổ chức phát hành nói chung và với NHTM nói riêng. Là trung gian đóng vai trò cầu nối giữa huy động vốn và cho vay vốn, NHTM cần đảm bảo đa dạng hóa lợi ích các bên, trong đó quan trọng nhất là đảm bảo lợi ích cho ngân hàng.
Hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu của ngân hàng được đánh giá là cao về phương diện chi phí khi nó đạt được các yêu cầu sau:
+ Huy động được nguồn vốn trái phiêu với chi phí thấp nhất để đáp ứng mục đích sử dụng vốn đề ra trong khi vẫn thỏa mãn các yêu cầu tương xứng giữa huy động vốn trái phiếu và sử dụng vốn trái phiếu về phương diện quy mô, tính ổn định.
+ Giảm thiểu các chi phí huy động vốn trái phiếu phi lãi suất.
- Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu của NHTM về mặt chi phí bao gồm:
+ So sánh chi phí huy động vốn trái phiếu (chủ yếu là lãi suất phát hành) qua các năm. Với các trái phiếu cùng kỳ hạn và có cấu trúc đồng nhất, lãi suất huy động vốn trái phiếu càng thấp thì hiệu quả càng cao. Tuy nhiên để đánh giá chính xác hơn về hiệu quả huy động vốn trái phiếu về mặt chi phí thì cần phải so sánh biến động lãi suất huy động với biến động của (i) mặt bằng chung lãi suất huy động vốn toàn thị trường, (ii) biến động lãi suất của các kênh huy động vốn khác của NHTM.
+ So sánh chênh lệch lãi suất trái phiếu NHTM phát hành với lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng kỳ hạn tại thời điểm phát hành. Trái phiếu Chính phủ là một trong những tham chiếu phổ biến được nhiều nhà đầu tư sử dụng trong quá trình định giá lãi suất trái phiếu của NHTM. Do đó NHTM có thể sử dụng lãi suất trái phiếu Chính phủ để đánh giá về hiệu quả của kênh huy động vốn trái phiếu. Chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu NHTM phát hành với lãi suất trái phiếu Chính phủ cùng
kỳ hạn tại thời điểm phát hành càng thấp thì hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu của NHTM càng cao.
- Theo kỳ hạn của trái phiếu.
Trái phiếu là kênh huy động trung và dài hạn cho ngân hàng. Do đó kỳ hạn vốn trái phiếu càng dài thì khả năng cung ứng vốn bền vững và ổn định cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng càng lớn. Hiệu quả kênh huy động vốn tính về mặt kỳ hạn được phản ánh ở một số chỉ tiêu sau:
+ Kỳ hạn bình quân của kênh huy động vốn trái phiếu: Kỳ hạn bình quân vốn trái phiếu được tính trên tích số của số dư huy động vốn trái phiếu nhân với kỳ hạn trái phiếu chia cho tổng số dư huy động vốn trái phiếu trong năm tính toán. Kỳ hạn bình quân của kênh huy động vốn trái phiếu càng tăng thì kênh huy động vốn trái phiếu càng hiệu quả.
+ Chi phí vốn để gia tăng kỳ hạn trái phiếu. Chỉ tiêu này có thể đo lường giữa thương số giữa chênh lệch lãi suất và chênh lệch kỳ hạn của hai trái phiếu. Nếu chỉ số này giảm dần qua các năm cho thấy hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu của ngân hàng đang được cải thiện khi ngân hàng phải đánh đổi chi phí thấp hơn để gia tăng kỳ hạn của nguồn vốn trái phiếu huy động.
- Theo lợi suất đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều quản trị vốn tập trung dẫn đến nguồn vốn của ngân hàng được tổng hòa từ rất nhiều nguồn vốn khác nhau với chi phí khác nhau nên không thể thực hiện được việc bóc tách vốn trái phiếu được sử dụng cho mục đích nào, sinh lời được bao nhiêu để đo lường chính xác hiệu quả của kênh huy động vốn trái phiếu. Do đó, việc đo lường về hiệu quả kênh huy động vốn trái phiếu về mặt lợi suất chỉ mang tính chất tương đối dựa trên một số chỉ tiêu sau:
+ Tỷ lệ tổng thu lãi cho vay/Tổng chi phí huy động vốn trái phiếu trong năm: Cho biết một đồng chi phí huy động vốn trái phiếu tạo ra bao nhiêu đồng lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Tỷ lệ này càng cao và tăng qua các năm thì hoạt động huy động vốn trái phiếu của ngân hàng càng hiệu quả.
+ So sánh giữa (i) % gia tăng tỷ lệ tổng thu lãi từ hoạt động cho vay/Tổng chi phí huy động vốn trái phiếu trong năm với (ii) % gia tăng tỷ lệ tổng thu lãi từ hoạt động cho vay/Tổng chi phí huy động vốn toàn hàng.
Trong cùng 1 năm, nếu tỷ lệ (i) lớn hơn tỷ lệ (ii) cho thấy ngân hàng sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu đang hiệu quả hơn so với mặt bằng chung các nguồn vốn huy động của toàn hàng và ngược lại. Việc xác định được kênh huy động vốn nào đang hiệu quả hơn sẽ giúp ngân hàng xác định được chiến lược dịch chuyển giữa các kênh huy động vốn phù hợp để đem lại hiệu quả hoạt động tốt nhất cho ngân hàng.
- Theo sự đa dạng về cấu trúc sản phẩm trái phiếu
Cũng tương tự như việc triển khai huy động vốn qua các kênh khác như tiền gửi tiết kiệm, vay vốn, đối với kênh huy động vốn trái phiếu, việc đa dạng hóa các cấu trúc trái phiếu phát hàng sẽ giúp NHTM chủ động hơn trong quá trình huy động vốn, thích ứng được mọi thay đổi trong khẩu vị đầu tư của các nhà đầu tư trên thị trường. Sự sẵn có trong việc xây dựng phương án và triển khai huy động các sản phẩm trái phiếu với cấu trúc khác nhau sẽ giúp cho ngân hàng có thể linh hoạt lựa chọn phát hành các cấu trúc trái phiếu phù hợp khi có nhu cầu vốn, tránh trường hợp trái phiếu phát hành nhưng không thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư do cấu trúc không phù hợp.
- Theo sự thay đổi của phương thức phát hành từ đơn giản đến phức tạp