- Môi trường pháp lý
Để thị trường TPDN có thể hoạt động ổn định và phát triển thì điều kiện tiên quyết là phải có một khuôn khổ pháp lý phù hợp, có tính thống nhất cao và toàn diện, có sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước, đảm bảo cho thị trường hoạt động theo đúng những nguyên tắc và mục tiêu đã định.
Môi trường pháp lý để quản lý thị trường bao gồm hệ thống các văn bản pháp luật, hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan kiểm soát. Trong đó hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường tài chính đóng vai
trò rất quan trọng, chứa đựng những nội dung quy định về hoạt động đầu tư, quản lý, kiểm soát và điều tiết thị trường (bao gồm Luật, Pháp lệnh, Thông tư, Nghị định, Quy chế hướng dẫn thực hiện...). Hệ thống các văn bản này tạo ra hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức và những người có liên quan tham gia hoạt động trên thị trường chứng khoán nói chung và thị trường TPDN nói riêng. Hệ thống này được xây dựng hợp lý sẽ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường, ngược lại, nếu không phù hợp sẽ tạo ra sức kìm hãm sự phát triển của thị trường.
Việc thực thi các văn bản pháp luật cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường chứng khoán. Nếu thực thi nghiêm ngặt sẽ hạn chế được những hành vi gian lận, gây thiệt hại đến lợi ích của nhà đầu tư, từ đó giúp cho thị trường hoạt động an toàn và hiệu quả, tạo ra sự công bằng, công khai trên thì trường và góp phần thúc đẩy đầu tư và phát triển.
Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành TPDN hiện nay:
+ Hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ:
++ Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010.
++ Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014.
++ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16/6/2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành (gọi tắt là “Luật TCTD 47”).
++ Thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 quy định về việc phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là “Thông tư 34”).
++ Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 Quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (gọi tắt là “Nghị Định 163”).
++ Riêng đối với trái phiếu phát hành ra thị trường quốc tế ngoài việc tuân thủ quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 còn phải tuân thủ
quy định của nghị định số 219/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính Phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính Phủ bảo lãnh (gọi tắt là “Nghị Định 219”).
+ Văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng:
++ Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 ++ Luật TCTD 47.
++ Luật chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định về chứng khoán và thị trường chứng khoán (gọi tắt là “Luật chứng khoán 70/2006”).
++ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật chứng khoán số 62/2010/QH12 ngày 24/11/2010 (gọi tắt là “Luật 62/2010”).
++ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán (gọi tắt là “Nghị Định 58”)
++ Thông tư 34
++ Thông tư số 162/2015/TT-BTC ngày 26/10/2015 của Bộ tài chính hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu.
- Điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô, các chính sách điều hành lãi suất, huy động vốn của NHNN
+ Điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô là yếu tố tác động gián tiếp đến kênh huy động vốn trái phiếu của các NHTM, cụ thể:
Ở khía cạnh tổng quát, điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi hoạt động của nền kinh tế. Trong bối cảnh môi trường kinh tế vĩ mô tích cực (tăng trưởng kinh tế ổn định, lạm phát thấp, cầu tiêu dùng gia tăng) sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, qua đó gián tiếp tác động đến hoạt động của NHTM. Với việc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được
cải thiện, nhu cầu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất gia tăng tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng (quy mô và chất lượng tín dụng) của các NHTM, từ đó giúp gia tăng lợi nhuận cho các NHTM. Đây là hiệu ứng dây chuyền giúp định hạng tín nhiệm và tính hấp dẫn của trái phiếu do NHTM phát hành được nâng cao trong mắt nhà đầu tư, từ đó cải thiện khả năng phát hành trái phiếu thành công của các NHTM. Bên cạnh tác động tích cực lên hoạt động của tổ chức phát hành, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi còn góp phần cải thiện khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư, qua đó nhà đầu tư sẽ thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư, bao gồm cả đầu tư vào trái phiếu của NHTM thay vì việc lựa chọn các kênh đầu tư phi rủi ro như trái phiếu chính phủ, tiền gửi có kỳ hạn.
Ngược lại, trong điều kiện kinh tế vĩ mô có những diễn biến tiêu cực (tăng trưởng kinh tế thấp, lạm phát cao, cầu tiêu dùng thấp..) sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tác động đến chất lượng và quy mô tín dụng của các NHTM. Như phản ứng dây chuyền, hoạt động kinh doanh của các NHTM sẽ bị giảm sút và làm suy giảm tính hấp dẫn của NHTM phát hành trong mắt nhà đầu tư. Về phía nhà đầu tư, trong bối cảnh vĩ mô chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro, các nhà đầu tư sẽ có xu hướng lựa chọn các kênh đầu tư có mức độ rủi ro thấp hơn trái phiếu của NHTM.
+ Chính sách điều hành lãi suất, huy động vốn của NHNN tác động trực tiếp đến hoạt động huy động vốn trái phiếu của NHTM, cụ thể:
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách khuyến khích tăng trưởng, giảm lãi suất sẽ tác động trực tiếp làm giảm lãi suất huy động vốn trái phiếu của các NHTM. Theo đó, các NHTM có kỳ vọng và động lực để gia tăng khối lượng trái phiếu phát hành nhằm huy động nguồn vốn trung và dài hạn với chi phí vốn thấp. Tuy nhiên đây là chính sách tác động hai chiều. Việc giảm lãi suất huy động vốn có thể làm giảm tính hấp dẫn của trái phiếu so với các công cụ đầu tư khác có tỷ suất sinh lời cao hơn trên thị trường như chứng khoán, ngoại tệ, bất động
sản…dẫn đến nhu cầu đầu tư trái phiếu NHTM của nhà đầu tư trên thị trường giảm, từ đó tác động tiêu cực đến khả năng thành công của các đợt phát hành.
Ngược lại, trường hợp NHNN áp dụng các chính sách thắt chặt, kiểm soát lạm phát, nâng lãi suất điều hành sẽ tác động trực tiếp làm tăng lãi suất huy động vốn trái phiếu của các NHTM. Điều này có thể khiến các NHTM cân nhắc các kênh huy động vốn khác thay thế để đảm bảo tính hiệu quả trong hoạt động, qua đó làm giảm cung trái phiếu NHTM trên thị trường. Trái ngược với phản ứng của các NHTM, nhà đầu tư trên thị trường sẽ ưa thích đầu tư trái phiếu NHTM hơn các công cụ đầu tư khác do lợi suất hấp dẫn và mức độ rủi ro thấp hơn các kênh đầu tư khác.
Như vậy, bất kỳ chính sách điều hành nào của NHNN về lãi suất, chính sách huy động vốn đều có thể dẫn đến những diễn biến trái chiều giữa cung và cầu trái phiếu NHTM trên thị trường, làm giảm tính hiệu quả của thị trường. Do đó việc lượng hóa các chính sách để đưa ra mức điều hành phù hợp có ý nghĩa hết sức quan trọng, tránh gây các cú sốc trên thị trường cũng như các phản ứng thái quá, ngoài khả năng dự báo của các cơ quan ban hành chính sách.
- Đặc điểm nội tại của NHTM
Các yếu tố nội tại của mỗi NHTM có ý nghĩa quyết định đến khả năng phát hành trái phiếu thành công của NHTM đó. NHTM với kết quả hoạt động kinh doanh tốt (tăng trưởng lợi nhuận, cấu trúc tài sản nợ - tài sản có phù hợp, bền vững, chất lượng nợ tốt), có chiến lược và định hướng kinh doanh được hoạch định tổng thể và có khả năng dự báo, ứng phó với sự biến đổi của môi trường kinh tế trong dài hạn… thì trái phiếu phát hành sẽ có khả năng thu hút nhà đầu tư, đạt mức chi phí vốn hợp lý hơn so với các NHTM có các yếu tố nội tại yếu hơn hoặc tiêu cực.
- Tiềm lực vốn của các nhà đầu tư và sự phát triển của các định chế tài chính trung gian
Nói đến đầu tư trước hết là phải nói đến vốn, đến tiềm lực về tài chính của những chủ thể tham gia bỏ vốn để mua các loại trái phiếu do doanh nghiệp phát hành.
Một khi tiềm lực vốn của các nhà đầu tư (gồm tổ chức và cá nhân) đủ mạnh thì việc đầu tư vào thị trường trái phiếu sẽ ổn định và vững chắc hơn. Nhà đầu tư có nguồn vốn dồi dào sẽ có đủ khả năng đối chọi với những rủi ro có thể nảy sinh từ thị trường, đồng thời họ có thể mở rộng quy mô đầu tư, tạo ra sự đa dạng và sôi động trong mua bán, trao đổi các loại trái phiếu trên thị trường. Các định chế tài chính trung gian không chỉ là các chủ thể tham gia thị trường thông thường mà còn tham gia với nhiều tư cách khác nhau: Nhà tạo lập thị trường, người tạo thuận lợi cho thị trường… Chính vì vậy, khi các định chế tài chính trung gian này có đủ năng lực hoạt động (về vốn, công nghệ, thông tin, lao động…) sẽ là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ổn định của thị trường trái phiếu.
- Cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu, sự phát triển của thị trường thứ cấp.
Cũng như đối với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cần có điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật nhất định để phục vụ cho hoạt động của thị trường như hệ thống lưu ký, giao dịch, thanh toán bù trừ… Cơ sở hạ tầng của thị trường trái phiếu là nhân tố quan trọng thúc đẩy hoạt động phát hành TPDN, tạo thuận lợi cho hoạt động giao dịch của nhà đầu tư, thuận lợi cho công tác quản lý, kiểm soát của cơ quan chức năng. Do đó, để thị trường trái phiếu hoạt động ổn định và phát triển luôn cần có sự đầu tư nhất định, đồng bộ về cơ sở vật chất kỹ thuật. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp chưa được xây dựng để tăng tính thanh khoản cho trái phiếu, điều này tác động không nhỏ tới hoạt động phát hành trên thị trường sơ cấp.
- Hệ thống tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm trái phiếu
Đây là hình thức nhằm đánh giá mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành và xếp hạng chúng theo mức độ rủi ro, mất khả năng thanh toán để các nhà đầu tư có những thông tin cần thiết, trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư trái phiếu thích hợp. Người đầu tư vào trái phiếu hoặc người cho vay có thể gặp rủi ro khi người vay mất khả năng thanh toán hay vỡ nợ. Rủi ro này còn được gọi là rủi ro vỡ nợ hay rủi
ro tín dụng. Khi chủ thể phát hành trái phiếu ra thị trường, có rất nhiều người đầu tư vào trái phiếu cũng có nghĩa là có rất nhiều người cho vay nhưng phần lớn không biết được tình hình tài chính của chủ thể phát hành trái phiếu. Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho người đầu tư vào trái phiếu cần có một tổ chức đứng ra cung cấp thông tin và đánh giá mức độ rủi ro đối với trái phiếu của chủ thể phát hành trái phiếu. Việc đánh giá mức độ rủi ro tín dụng được xác định bằng một hệ số tín nhiệm. Hệ số tín nhiệm là thể hiện sự đánh giá về năng lực thanh toán tiền lãi và vốn vay theo kỳ hạn đã cam kết của chủ thể phát hành trái phiếu trái phiếu. Tại nhiều nước đã hình thành những tổ chức chuyên môn phân tích và đánh giá hệ số tín nhiệm đối với chủ thể phát hành trái phiếu.
Việc sử dụng hệ số tín nhiệm đã trở thành thông lệ ở nhiều nước và các trung tâm tài chính lớn của thế giới. Tại một số nước, việc đánh giá hệ số tín nhiệm đã trở thành vấn đề pháp lý bắt buộc đối với việc phát hành trái phiếu. Vai trò của hệ số tín nhiệm thể hiện ở những điểm chủ yếu sau:
+ Hệ số tín nhiệm cung cấp thông tin cần thiết cho người đầu tư về tình trạng của chủ thể phát hành trái phiếu để lựa chọn khi đầu tư vào trái phiếu một cách thiết thực.
+ Hệ số tín nhiệm tạo điều kiện cho việc huy động vốn trên thị trường thực hiện được dễ dàng, thuận lợi hơn. Với việc đánh giá hệ số tín nhiệm, người đầu tư sẽ an tâm, tin tưởng và dễ dàng lựa chọn trái phiếu để đầu tư. Từ đó cũng làm cho chủ thể phát hành trái phiếu dễ dàng tiếp cận các nguồn tài chính có thể thực hiện huy động vốn với quy mô lớn và trên phạm vi rộng kể cả huy động vốn từ nước ngoài.
+ Hệ số tín nhiệm góp phần quan trọng vào việc giảm bớt chi phí sử dụng vốn cho chủ thể phát hành trái phiếu. Khi một chủ thể phát hành trái phiếu có uy tín thì với việc đánh giá hệ số tín nhiệm sẽ giúp cho việc huy động vốn qua việc phát hành trái phiếu thuận lợi, dễ dàng đồng thời giảm được chi phí huy động vốn. Với chủ thể phát hành trái phiếu có uy tín, hệ số tín nhiệm sẽ đạt được ở mức độ cao và như vậy,
chủ thể phát hành trái phiếu có thể phát hành trái phiếu với mức lãi suất thấp hơn vẫn thu hút được nhiều người đầu tư.
+ Hệ số tín nhiệm thúc đẩy chủ thể phát hành trái phiếu nâng cao hơn trách nhiệm đối với người đầu tư. Việc đánh giá hệ số tín nhiệm liên quan chặt chẽ đến uy tín của chủ thể phát hành trái phiếu, điều đó thúc đẩy chủ thể phát hành trái phiếu thực hiện tốt hơn các cam kết đối với người đầu tư trong việc đảm bảo thanh toán tiền lãi vay và tiền vốn vay.
Theo thông lệ quốc tế, “định hạng tín nhiệm” (rating) là cơ sở để nhà đầu tư quyết định đầu tư và định giá trái phiếu phát hành, bao gồm định hạng tổ chức phát hành và định hạng trái phiếu phát hành (cho từng đợt). Việc đánh giá định hạng tín nhiệm thường được thực hiện bởi các tổ chức định hạng uy tín
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN TPDN TẠI VIETINBANK GIAI ĐOẠN 2015-2018