Để khởi nghiệp được thuận lợi và vững vàng, ngoài tố chất, ý tưởng, doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố phụ trợ thì mới có thể phát triển được trong môi trường kinh doanh cạnh tranh như hiện nay. Trong đó có một số yếu tố tác động đến doanh nghiệp khởi nghiệp như:
a. Nghiên cứu thị trường
Đây là yếu tố đầu tiên đóng vai trò quan trọng cho kết quả khởi nghiệp của doanh nghiệp. Hoạt động nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp khởi nghiệp nắm bắt được nhu cầu của xã hội, từ đó đưa ra các ý tưởng sản phẩm và chiến lược kinh doanh đúng hướng và cụ thể, tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ có tính ứng dụng cao, phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội.
b. Tổ chức nhân sự và tìm kiếm những người cùng chí hướng.
Doanh nghiệp khởi nghiệp muốn thành công phải chú trọng đến vai trò quan trọng của yếu tố con người. Phải tuyển chọn thật kĩ những người phù hợp với công việc kinh doanh của doanh nghiệp, nếu ở giai đoạn đầu thì thường các thành viên sáng lập và đội ngũ ban đầu đóng vai trò quan trọng họ thường là bạn học, các đồng nghiêp có chung ý tưởng và gắn kết với nhau để tạo dụng nên ý tưởng và thực thi ý tưởng đó, tạo ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp và tối ưu, tạo ra sự khác biệt hay không là nhờ vào yếu tố con người, mức độ thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào sự phối hợp làm việc nhóm của các thành viên quản trị và đội ngũ nhân viên.
Để phát triển lâu dài doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm cho mình những người cùng chí hướng để cộng tác và làm việc, đa số các doanh nghiệp khởi nghiệp đều có trên hai nhà sáng lập và các thành viên ban đầu, giai đoạn này quyết định sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sau này. Các đóng góp của các thành viên dưới sự
dẫn dắt của các nhà sáng lập doanh nghiệp khởi nghiệp giúp doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tốt cũng như tiềm kiếm được các nguồn tài trợ vốn cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường và cổ phần hóa.
c. Tối ưu hóa ngân sách
Để tiết kiệm ngân sách trong giai đoạn khó khăn ban đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp phải thực hiện cắt giảm tối đa các chi phí không cần thiết. Doanh nghiệp khởi nghiệp phải tính toán thật kĩ lưỡng, đưa ra kế hoạch tài chính thông minh và hiệu quả nhất nhằm tiết kiệm các chi phí, cũng như tập trung vốn vào sản phẩm và mở rộng thị trường giúp cho doanh nghiệp khởi nghiệp dễ dàng nhận được các khoản tài trợ vốn nếu như nhà đầu tư cảm thấy khoản tài trợ của họ được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả.
d. Đề ra các chiến lược và tầm nhìn cho doanh nghiệp
Chiến lược kinh doanh và tầm nhìn là hoạt động phân tích và dự báo trước môi trường kinh doanh. Nó đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là Startup. Việc đề ra các chiến lược và tầm nhìn giúp doanh nghiệp nắm bắt được các cơ hội, cũng như các nguy cơ đối với sự phát triển nguồn lực của doanh nghiệp, sử dụng hợp lý các nguồn lực sẵn có để phát huy được sức mạnh của doanh nghiệp khởi nghiệp, khi có một chiến lược và một tầm nhìn tốt doanh nghiệp khởi nghiệp có thể dễ dàng tiềm kiếm được nguồn tài trợ vốn cho việc phát triển tiếp theo của doanh nghiệp.
e. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư
Tận dụng những cơ hội bên ngoài để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Thường thì trong khoảng thời gian khởi nghiệp, Startup luôn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề về tài chính. Chính vì vậy, doanh nghiệp hãy tìm kiếm các đơn vị hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. Giúp doanh nghiệp sẽ nhận được các gói hỗ trợ như thuê được văn phòng làm việc giá rẻ, được giới thiệu nguồn nhân lực tài năng và phù hợp, giúp đỡ trong việc kết nối với các doanh nghiệp khác để cùng nhau phát triển hoặc được đầu tư đặc biệt là được tài trợ về vốn.
Ngoài ra các yếu tố về chính trị, luật pháp, văn hoá, xã hội, công nghệ kỹ thuật, kinh tế, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng và quan hệ kinh tế, đây là những yếu tố mà doanh nghiệp không thể kiểm soát được đồng thời nó có tác động chung đến tất cả các doanh nghiệp khác trên thị trường. Nghiên cứu những yếu tố này doanh nghiệp khởi nghiệp không nhằm để điều khiển nó theo ý kiến của mình mà tạo ra khả năng thích ứng một cách tốt nhất với xu hướng vận động môi trường xung quanh doanh nghiệp.
f. Yếu tố chính trị và luật pháp
Các yếu tố thuộc môi trường chính trị và luật pháp tác động mạnh đến việc hình thành và khai thác cơ hội kinh doanh và thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp khởi nghiệp. Ổn định chính trị là tiền đề quan trọng cho hoạt động kinh doanh, thay đổi về chính trị có thể gây ảnh hưởng có lợi cho nhóm doanh nghiệp này hoặc kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp khác. Hệ thống pháp luật hoàn thiện và sự nghiêm minh trong thực thi pháp luật sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, tránh tình trạng gian lận,buôn lậu, và cạnh tranh không lành mạnh.
Mức độ ổn định về chính trị và luật pháp cho phép doanh nghiệp khởi nghiệp có thể đánh giá được mức độ rủi ro của môi trường kinh doanh và ảnh hưởng của của nó, vì vậy nghiên cứu các yếu tố chính trị và luật pháp là yêu cầu không thể thiếu được khi doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành được sản phẩm và chuẩn bị tham gia vào thị trường. Trong cơ chế chính sách hiện nay, nhà nước đang ưu tiên lĩnh vực nào thì doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành trong lĩnh vực đó sẽ được ưu tiên và hỗ trợ tối đa về nhiều mặt.
g. Yếu tố kinh tế
Có thể tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc xâm nhập mở rộng thị trường. Các yếu tố kinh tế ảnh hưởng đến sức mua, sự thay đổi nhu cầu tiêu dùng hay xu hướng phát triển của các ngành hàng , các yếu tố kinh tế bao gồm :
+ Hoạt động ngoại thương : Xu hướng đóng mở cửa nền kinh tế có ảnh hưởng các cơ hội phát triển của doanh nghiệp ,các điều kiện canh tranh ,khả năng sử dụng ưu thế quốc gia về công nghệ, nguồn vốn .
+ Lạm phát và khả năng điều khiển lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập, tích luỹ , tiêu dùng, kích thích hoặc kìm hãm đầu tư.
+Sự thay đổi về cơ cấu kinh tế ảnh hưởng đến vị trí vai trò và xu hướng phát triển của các ngành kinh tế kéo theo sự thay đổi chiều hướng phát triển của doanh nghiệp .
+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế thể hiện xu hướng phát triển chung của nền kinh tế liên quan đến khả năng mở rộng hay thu hẹp quy mô kinh doanh của mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp.
h. Các yếu tố văn hoá xã hội :
Có ảnh hưởng lớn tới khách hàng cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khởi nghiệp ,là yếu tố hình thành tâm lí, thị hiếu của người tiêu dùng. Thông qua yếu tố này cho phép các doanh nghiệp hiểu biết ở mức độ khác nhau về đối tượng phục vụ qua đó lưạ chọn các phương thức kinh doanh cho phù hợp .
i. Yếu tố kỹ thuật công nghệ
Ảnh hưởng đến năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có hàm lượng kỹ thuật và công nghệ sẽ tăng tính cạnh tranh trên thị trường, dễ dàng tạo sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ.
j. Điều kiện tự nhiên và cơ sở ha tầng :
Các yếu tố điều kiện tự nhiên như khí hậu ,thời tiết ảnh hưởng đến chu kỳ sản xuất kinh doanh, hoặc ảnh hưởng đến hoạt động dự trữ , bảo quản hàng hoá. Đối với cơ sở hạ tầng kỹ thuật ,các điều kiện phục vụ cho sản xuất kinh doanh tạo cơ sở cho kinh doanh thuận lợi khi khai thác cơ sở hạ tầng sẵn có của nền kinh tế
k. Yếu tố khách hàng :
Khách hàng là những người có nhu cầu và khả năng thanh toán về hàng hoá và dịch vụ mà doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh . Khách hàng là nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Khách hàng có nhu cầu rất phong phú và khác nhau tuỳ theo từng lứa tuổi, giới tính mức thu nhập, tập
quán. Mỗi nhóm khách hàng có một đặc trưng riêng phản ánh quá trình mua sắm và sử dụng dịch vụ của họ vì vậy các doanh nghiệp khởi nghiệp cần phải tạo ra các sản phẩm dịch vụ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng.
l. Đối thủ cạnh tranh :
Bao gồm các nhà sản xuất, kinh doanh cùng sản phẩm của doanh nghiệp hoặc kinh doanh sản phẩm có khả năng thay thế. Đối thủ canh tranh có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp, doanh nghiệp có cạnh tranh được thì mới có khả năng tồn tại ngược lại sẽ bị đẩy lùi ra khỏi thị trường. Cạnh tranh giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể nâng cao hoạt động của mình phục vụ khách hàng tốt hơn ,nâng cao được tính năng động nhưng luôn trong tình trạng bị đẩy lùi.
m. Nguồn cung ứng :
Đó là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong và ngoài nước cung cấp hàng hoá cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn cung ứng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không phải nhỏ ,điều đó thể hiện trong việc thực hiện hợp đồng cung ứng, độ tin cậy về chất lượng hàng hoá, giá cả, thời gian, điạ điểm theo yêu cầu .