Thống kê từ Cục Phát triển thị trường, DN khoa học và công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện có khoảng 40 Quỹ Đầu tư mạo hiểm đã và đang hoạt động tại Việt Nam, tăng khoảng 30% so với năm 2016 (Văn phòng Đề án 844). Các quỹ ngoại điển hình là IDG Ventures Vietnam, Cyber Agent, Mekong Capital, DFJ Vina Capital, ESP Capital, Innovatube. Bên cạnh đó, trong hai năm 2016, 2017, nhiều Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa cũng được thành lập và tham gia vào thị trường đầu tư mạo hiểm như SeedCom, FPT Ventures, CMC Innovation Fund, VPBank Startup, VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam.
Vốn từ các nhà đầu tư thiên thần khá hạn chế trong những năm trước do nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam vẫn chưa nhìn nhận đầu tư DNKN là một mô hình đầu tư có thể tạo ra lợi nhuận. Tuy nhiên, trong năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận số lượng đáng kể nhà đầu tư thiên thần nội. Hoạt động của các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam đã bắt đầu có tính hệ thống, chuyên nghiệp hơn, thông qua việc kết nối, hình thành một số câu lạc bộ, mạng lưới đầu tư cho khởi nghiệp. Một số điển hình có thể kể đến như VIC Impact, Hatch! Angel Network, iAngel Vietnam hay Angel4us.
Chương trình Shark Tank cũng tài trợ vốn được cho 22 thương vụ tài trợ vốn vào các startup giai đoạn đầu với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Thống kê của Topica Founder Institute cho thấy, số lượng thương vụ khởi nghiệp được đầu tư tăng lên đáng kể qua các năm. Năm 2017, có 92 thương vụ nhận được đầu tư với tổng vốn 291 triệu USD (khoảng 6.500 tỷ đồng). Trong đó, các nhà đầu tư thiên thần và các Quỹ Đầu tư mạo hiểm nội địa đóng góp 49 thương vụ, tương đương với 46 triệu USD.
Đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam của GEM qua các năm cho thấy, trong 12 chỉ số, chỉ số tài chính cho kinh doanh là chỉ số đạt điểm số khá thấp. Năm 2017, chỉ số này của Việt Nam đạt 2,27/5 - chỉ số thấp thứ 4. Tuy nhiên, chỉ số này đã được cải thiện nhiều so với năm 2015. Năm 2015, chỉ số tài chính cho kinh doanh của Việt Nam đạt 2,12/5 điểm, là chỉ số thấp thứ hai, chỉ cao hơn chỉ số về giáo dục kinh
doanh ở bậc phổ thông, điều này cho ta thấy nguồn tài trợ vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay là rất hạn chế, và chưa hoạt động mạnh mẽ để có thể trở thành yếu tố hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiện nay có 30 vườn ươm khởi nghiệp trong đó 10 vườn ươm trực thuộc các cơ quan Nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp; 7 vườn ươm thuộc các trường đại học và 13 vườn ươm còn lại do các tổ chức tư nhân hoặc nước ngoài thành lập như: Vườn ươm DN công nghệ cao Hoà Lạc; Vườn ươm DN công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Vườn ươm Đà Nẵng; Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Các vườn ươm DN cũng đang trong quá trình nghiên cứu để chuyển dịch mô hình sang thành tổ chức Thúc đẩy DN (Văn phòng Đề án 844).
Đa phần DNKN Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp, đang tìm hiểu nhu cầu khách hàng và kiểm chứng mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ. Ở giai đoạn này, vốn tự có, vốn từ gia đình bạn bè, vốn từ các nhà đầu tư thiên thần, và vốn đầu tư mạo hiểm là quan trọng nhất.
Chính phủ đã liên tục có những hỗ trợ về pháp lý, thể chế cho khởi nghiệp sáng tạo với sự ra đời của Luật các DN vừa và nhỏ ngày 12/6/2017 cùng các nghị định hướng dẫn đang được soạn thảo (Quyết định số 1357/QĐ-TTg ngày 13/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ); Các chương trình, đề án như đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016, Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 và Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp theo Quyết định số 1665/QĐ- TTg ngày 30/10/2017. Các chương trình, đề án lớn nhằm đưa ra các giải pháp tài chính để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp. Trong đó khuyến khích các nguồn tài trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
a. Các chương trình khởi nghiệp, vườn ươm DN hay DN hỗ trợ khởi nghiệp:
Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm DN thường là hình thức hỗ trợ khởi nghiệp được thành lập bởi các tổ chức chính phủ, các trường đại học, các DN lớn. Các mô hình này cung cấp vốn tài trợ vay với lãi suất ưu đãi, vốn tài trợ cho các dự án tham gia; đồng thời, cung cấp cơ sở vật chất, hạ tầng sản xuất, công nghệ, kỹ thuật, các khóa học về kinh doanh hoặc hệ thống tư vấn pháp luật miễn phí với chi phí ưu đãi.
b. Công ty đầu tư/Quỹ đầu tư mạo hiểm:
Nguồn vốn tài trợ từ nhà đầu tư mạo hiểm (NĐTMH -venture capital - VC) là nguồn tài chính vô cùng quan trọng cho các Startup. NĐTMH được hình thành dưới dạng Công ty Hợp danh hữu hạn (Limited Partnerships) trong đó các Thành viên trách nhiệm hữu hạn (Limited Partners) góp vốn vào quỹ Đầu tư mạo hiểm (Venture Capital fund). Công ty quản lý quỹ thường được gọi là Thành viên chung (General Partner); công việc của họ là tìm kiếm các thương vụ tốt và đầu tư vào một vài thương vụ mà họ nghĩ rằng sẽ thu lại nhiều tiền nhất cho các Thành viên trách nhiệm hữu hạn. Các NĐTMH đầu tư trung bình khoảng 7 triệu USD cho một công ty khởi nghiệp hoặc ít hoặc nhiều hơn nữa. Các Quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia đầu tư từ khi dự án đã hoạt động được một thời gian, có sản phẩm, thị trường và mô hình kinh doanh được định hình, cần đến nguồn vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Quỹ đầu tư mạo hiểm còn thực hiện tư vấn chiến lược, hỗ trợ về mặt quản lý, cung cấp không gian làm việc cho DN khởi nghiệp. Các NĐTMH sẽ giúp công ty phát triển cho đến khi doanh nghiệp khởi nghiệp sẵn sàng để trở thành công ty đại chúng hoặc được mua lại, do vậy số tiền đầu tư ngày càng tăng lên nhiều hơn qua các vòng đầu tư. Hiện cũng có hơn 40 Quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam như IDG Ventures, CyberAgent Ventures....Đây là những nhà đầu tư (NĐT) chuyên nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu và phải chịu trách nhiệm trước khoản đầu tư. Quỹ đầu tư mạo hiểm có những tiêu chí cao hơn, tham gia muộn hơn và số tiền đầu tư cũng lớn hơn nhiều so với các NĐT thiên thần và gọi vốn cộng đồng. Mục đích sở hữu một phần DN của Quỹ đầu tư
mạo hiểm rõ ràng hơn so với NĐT thiên thần, để đạt được mục tiêu kiểm soát cũng như ảnh hưởng nhất định đến quyết định của DN khởi nghiệp. NĐTMH thường thẩm định rất chi tiết, họ thực hiện rất nhiều thẩm định doanh nghiệp khởi nghiệp vì NĐTMH chịu trách nhiệm nhận ủy thác đầu tư của các Thành viên trách nhiệm hữu hạn khác. Họ có thể chi $50.000, thậm chí nhiều hơn để tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về triển vọng của khoản đầu tư. Thông thường NĐTMH hình thành một Ủy ban đầu tư, họ sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra quyết định. Nhờ đó các quyết định trở nên khách quan và không bị ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của một thành viên nào đó về thương vụ định đầu tư. Việt Nam cũng có hàng nghìn DN khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động và thu hút được nguồn vốn đầu tư rất lớn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
c. Nhà đầu tư thiên thần:
Đầu tư thiên thần (Angel investment) là nguồn tài trợ tài chính cá nhân đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà đầu tư thiên thần ở Việt Nam phần lớn là các doanh nhân thành đạt trong và ngoài nước, họ là các cá nhân có giá trị tài sản ròng cao, thường là trên $1 triệu (không bao gồm giá trị căn nhà), hoặc là các cá nhân có thu nhập thường là trên $200.000/năm (và trên $300.000 với 1 cặp vợ chồng) với kỳ vọng tài sản, thu nhập này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai. NĐTTT khác biệt với Bạn bè và Gia đình ở chỗ Bạn bè, Gia đình là những người sẵn sàng đầu tư từ rất sớm khi tất cả những gi bạn có chỉ là ý tưởng và họ đầu tư vào người sáng lập hơn là cho công ty khởi nghiệp. Các NĐT thiên thần thường tham gia vào dự án trước các Công ty đầu tư mạo hiểm theo hình thức tài trợ vốn một lần nhằm giúp DN khởi nghiệp vượt qua những khó khăn trong giai đoạn đầu. Số tiền NĐT thiên thần tài trợ thường nhiều hơn số vốn tự có, vốn vay mượn ít hơn của các công ty đầu tư mạo hiểm. NĐT thiên thần khác với gọi vốn cộng đồng ở chỗ họ cần phải thấy được năng lực của người sáng lập và tiềm năng của dự án thông qua sản phẩm mẫu hay các mô hình thử nghiệm của sản phẩm. Vì vậy, NĐT thiên thần thường tham gia góp vốn nhiều nhất vào các giai đoạn hoàn thiện định hình sản phẩm/dịch vụ và số vốn đóng góp được sử dụng để điều tra thị trường, tìm kiếm khách hàng gia nhập thị trường (giai đoạn gọi vốn hạt giống). Các NĐTTT với tư
cách cá nhân thường đầu tư trong khoảng từ $25.000 đến $100.000 USD bằng số tiền của chính họ. Mặc dù vẫn có NĐTTT đầu tư ít hơn $25K và nhiều hơn $100K nhưng trên là khoảng đầu tư phổ biến nhất của các NĐTTT. Các Nhóm NĐTTT hoạt động nhằm quy tụ nhiều NĐTTT lại để cùng đầu tư vào một thương vụ, trung bình quy mô trên $750.000. Các nhóm này đang ngày càng phổ biến và góp phần thúc đẩy quá trình đầu tư nhanh hơn và tất cả cùng sử dụng chung các điều khoản đầu tư. NĐTTT tiến hành thẩm định chi tiết bằng cách đơn giản có thể chỉ cần thông qua một cuộc gặp mặt xã giao thông thường, từ đó làm cơ sở để tiến hành tìm hiểu và thẩm tra kỹ hơn về doanh nghiệp mà họ định đầu tư. Khi các NĐTTT đầu tư theo Nhóm, họ sẽ thực hiện nhiều thẩm định chi tiết hơn so với khi đầu tư riêng lẻ. NĐTTT tự mình ra quyết định và không bị chi phối bởi bất cứ ai, ngoại trừ có thể là vợ, chồng họ. Hầu hết các NĐTTT và NĐTMH đều tìm kiếm cơ hội Thoái vốn (exit), hay còn gọi là Sự kiện tạo thanh khoản (Liquidity Event) để thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm. Tất nhiên vài khoản đầu tư có thể đòi hỏi thời gian dài hơn, nhưng các NĐTTT cần lấy lại số tiền của họ, còn các NĐTMH thậm chí bị đặt dưới áp lực lớn hơn vì một quỹ đầu tư mạo hiểm điển hình thường có vòng đời 10 năm, sau đó quỹ phải hoàn trả toàn bộ vốn và lợi nhuận cho các Thành viên trách nhiệm hữu hạn.
Khi các NĐTTT đầu tư theo nhóm, sẽ có một nhà đầu tư tham gia vào Hội đồng quản trị và đại diện cho quyền lợi của các nhà đầu tư. Nếu NĐTTT có những đóng góp đáng kể, họ sẽ tiếp tục có vi trí trong Hội đồng quản trị kể cả sau khi các NĐTMH đầu tư vào công ty. Trong những trường hợp khác, NĐTMH sẽ đại diện nhà đầu tư còn NĐTTT đóng vai trò người quan sát, không có quyền biểu quyết, hoặc rút toàn bộ khỏi hội đồng quản trị. NĐTTT đầu tư sớm hơn NĐTMH cho nên họ sẽ có rủi ro cao hơn đối với khoản đầu tư. Dù vậy, họ cũng tìm kiềm những mức lợi nhuận tương tự mà NĐTMH tìm kiếm – chẳng hạn 10 lần khoản đầu tư trong 5 năm. Lý do họ tìm kiếm lợi nhuận cao như vậy là do một nửa các khoản đầu tư của họ có thể mất trắng và không đem lại bất cứ lợi nhuận gì cho nhà đầu tư. NĐTMH và NĐTTT đều muốn có được lợi nhuận trong tất cả danh mục đầu tư của họ là khoảng 20-30% mỗi năm.
Huy động vốn từ NĐTTT là công việc khó khăn. Việc tìm cách tăng vốn luôn khiến doanh nghiệp khởi nghiệp sao lãng các công việc chính như xây dựng và phát triển sản phẩm, đưa sản phẩm tới khách hàng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp nên cố gắng hoãn lại việc tăng vốn càng lâu càng tốt để có thể tạo ra các giá trị và sự định giá cao hơn cho công ty trước khi huy động vốn và giảm tỷ lệ cổ phần nắm giữ của các nhà đầu tư. Đôi khi đầu tư thiên thần là một cách tuyệt vời để có đủ sức thu hút sự chú ý của một NĐTMH. Nhiều trường hợp các NĐTTT sẽ tiếp tục đầu tư và DNKN có thể không cần tới NĐTMH nữa.
Hiện nước ta đã có một số câu lạc bộ các nhà đầu tư thiên thần như Hatch! Angel, Mekong Angel Investor Network, iAngel. Hành lang pháp lý giúp khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư thiên thần ở nước ta còn thiếu và yếu. Nhà nước có thể sử dụng chính sách khuyến khích đầu tư thiên thần thông qua ưu đãi thuế hoặc hỗ trợ thiết lập, hình thành, hoạt động các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần.Với các mạng lưới nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp sẽ dễ dàng gọi vốn hơn đồng thời hưởng lợi ích gộp từ các nhà đầu tư, còn các nhà đầu tư có thể chia sẻ rủi ro, tận dụng lợi thế mạng lưới liên kết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà mình đầu tư.
d. Vốn tài trợ từ cộng đồng:
Gọi vốn cộng đồng là hình thức tài trợ vốn cho dự án thông qua sự đóng góp của một số lượng lớn những người tham gia thông qua một website hoặc các mạng xã hội. Thông thường, người khởi xướng sẽ nêu ra ý tưởng/dự án của mình trên các diễn đàn và kêu gọi góp vốn. Tuy số tiền của mỗi NĐT nhỏ nhưng đổi lại số lượng rất lớn NĐT tham gia. Điều này đồng nghĩa với việc chủ dự án sẽ có cơ hội huy động được số tiền cần thiết để sản xuất sản phẩm mẫu đầu tiên hay dùng để trang trải các chi phí ban đầu.
Gọi vốn tài trợ từ cộng đồng (Crowdfunding) là một hình thức mới và rất tiềm năng để gọi vốn. Hiện tại, ở Việt Nam, nhiều người dân vẫn lựa chọn gửi tiền tiết kiệm thay vì mang đi tái đầu tư để tạo ra lợi suất cao hơn. Các cá nhân hay tổ chức tiến hành hoạt động cho vay ở Việt Nam đều cần giấy phép của ngân hàng nhà nước, với các điều kiện
tương đối chặt chẽ và thủ tục cũng như thời gian xin giấy phép tương đối lâu. Gọi vốn cộng đồng có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, ví dụ như: góp vốn thực hiện một mục tiêu xã hội (donation), góp vốn mua trước sản phẩm (pre-sale) hoặc mua các sản phẩm phiên bản giới hạn (reward-based), góp vốn cổ phần (equity-based), cho vay ngang hàng (lending-based),...
Đối với nguồn tài trợ vốn của chính phủ (grant), một số quốc gia như Phần Lan có thể tài trợ các startup lên tới 50.000 Euro cho việc nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp, hay tại Singapore, nguồn tài trợ vốn có thể lên tới vài trăm nghìn tới hàng triệu USD cho một dự án khởi nghiệp sáng tạo ở giai đoạn ý tưởng. Tại nước ta, do nguồn vốn chính phủ còn hạn hẹp và có quy định sử dụng vốn rất chặt chẽ, chưa có các cơ chế để tài trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo như vậy mà chủ yếu chỉ tài trợ cho giai đoạn nghiên cứu và phát triển.
e. Vốn tài trợ từ các ngân hàng thương mại
Là nguồn tài chính lớn và được coi là “rẻ nhất” với doanh nghiệp (do không phải
đổi lấy phần sở hữu doanh nghiệp). Để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ ổn định, duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp.
Từ ngày 10/07/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất 0,25% một