Có nhiều phương pháp đánh giá kết quả của một dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) như so sánh kết quả đạt được với các mục tiêu đề ra của dự án hay so sánh với các chỉ tiêu sẵn có của ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, một phương pháp đánh giá thường được sử dụng, đó là đánh giá thông qua chỉ số đánh giá-VFM.
Chỉ số đánh giá-VFM là một chỉ số so sánh chi phí cho một dự án dịch vụ công thông qua mô hình PPP với chi phí nếu thực hiện dự án theo phương thức truyền thống (tức là đầu tư công toàn bộ dự án). Đây là phương pháp được Hội đồng Đối tác công tư khuyến nghị sử dụng trong quá trình lựa chọn, đánh giá một dự án PPP. Hình dưới cho thấy cách tính toán chỉ số VFM.
Nhìn vào hình, ở cột bên trái, có thể thấy, theo phương thức truyền thống, nhà nước phải gánh toàn bộ các chi phí từ việc xây dựng, vận hành cũng như các chi phí để kiểm soát tất cả các rủi ro liên quan đến dự án. Trong khi đó, ở cột bên phải, nếu PPP là lựa chọn tối ưu cho dự án, thì các chi phí mà đối tác công phải trả sẽ giảm đi. Chi phí giảm có thể do việc sử dụng, quản lý chi phí xây dựng, vận hành của đối tác tư nhân hiệu quả hơn; hay từ việc các rủi ro được kiểm soát với chi phí thấp hơn bởi đối tác tư nhân.
VFM có thể được tính theo giá trị tuyệt đối (đơn vị tiền tệ) hoặc giá trị tương đối (% so với chi phí theo phương thức truyền thống). Ví dụ, trong hình, áp dụng cho một dự án y tế, với giả định rằng thời hạn thực hiện dự án là như nhau và kết quả, sản phẩm của dự án là như nhau. Nếu thực hiện theo phương thức truyền thống, tổng chi phí tính là 500 triệu USD, trong khi thực hiện theo hình thức PPP, tổng chi phí chỉ còn là 430 triệu USD. Như vậy, VFM sẽ là 70 triệu, tương đương 14%. Hay nói cách khác, triển khai dự án dưới hình thức PPP sẽ giúp đem lại hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống là 70 triệu USD, tương đương 14%.
VFM là một chỉ số tốt cho việc đánh giá tổng quát sự thành công của một dự án PPP. VFM càng cao thì càng cho thấy hiệu quả về mặt kinh tế - tài chính khi áp dụng mô hình PPP vào dự án. VFM thực tế càng sát với VFM dự tính ban đầu thì càng cho thấy hiệu quả quản lý dự án của khu vực nhà nước và các đối tác tư nhân cũng như chất lượng của các nghiên cứu tiền khả thi. Thông thường, theo đánh giá dự án khả thi cần đạt VFM từ 5-15%.
Nguồn: http://baodauthau.vn/dau-tu/chi-so-vfm-tieu-chi-danh-gia-mot-du-
an-ppp-9468.html
Rõ ràng, để xây dựng được một thông số VFM tốt là một vấn đề không đơn giản, cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ giữa các bên trong việc tính toán các chi phí, đặc biệt là các chi phí liên quan đến các rủi ro xảy ra trong phương thức truyền thống và phương thức PPP. Việc tính toán thiếu, bỏ qua hoặc tính toán “vượt trội quá mức” các chi phí này cũng làm cho việc đánh giá chỉ số VFM sau này không còn được chính xác. Do đó, bên cạnh chỉ số VFM, cần đánh giá thêm các yếu tố khác khi xem xét kết quả của một dự án PPP.
Để một dự án thực sự khả thi, đảm bảo hiệu quả trong triển khai, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật trong mỗi thời kỳ của mỗi chính phù thì dự
án PPP đó cần phải đáp ứng được các yêu cầu đặt ra như: Lĩnh vực, kỹ thuật, tài chính, tham vấn các bên liên quan, và cả cam kết từ Chính phủ.
Đồng thời, để đạt được thành công, mối quan hệ đối tác nhà nước - tư nhân
phải được xây dựng dựa trên phân tích về lĩnh vực để đưa ra đánh giá thực tế về những khó khăn hiện nay của lĩnh vực đó. Một cách cụ thể, việc phân tích lĩnh vực sẽ bao gồm: Các vấn đề kỹ thuật; Các khuôn khổ pháp luật, quy định và chính sách; Thực trạng thể chế và năng lực; Các vấn đề về thương mại, tài chính và kinh tế. Phân tích lĩnh vực giúp đánh giá được hiện trạng, xác định khác biệt và nhược điểm, đồng thời phát triển một chiến lược cải cách hoặc lộ trình cho lĩnh vực đó, phác thảo các hoạt động và công cụ cần thiết cho quá trình cải cách. Trong nhiều trường hợp, các dữ liệu đáng tin cậy hoặc toàn diện về tình hình hoạt động không sẵn có ở tất cả các khía cạnh, chẳng hạn như trong khía cạnh tài chính và kỹ thuật. Trong những trường hợp này, sẽ hiệu quả hơn nếu tập trung vào việc thu thập một số chỉ số hạn chế nhưng là những chỉ số then chốt để có một cái nhìn tổng quan về hoạt động tổng thể của lĩnh vực.