Những mặt hạn chế, tồn tại

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại NHTMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thăng long khoá luận tốt nghiệp 395 (Trang 58 - 59)

Thứ nhất, chất lượng quy trình thẩm định và đánh giá phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chưa được thống nhất và đồng bộ trong Chi nhánh. Mặc dù đã thực hiện theo đúng quy trình tín dụng nhưng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ tín dụng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, dẫn tới chất lượng thẩm định dự án chưa cao, còn thiếu thông tin, hiểu biết về lĩnh vực hoạt động, kinh doanh của khách hàng, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thẩm định,... dẫn tới việc ra quyết định tín dụng ở một số khoản vay chưa tốt, hiệu quả đầu tư không được cao.

Phần lớn cán bộ quan hệ khách hàng của Chi nhánh rất năng động, ham học hỏi nhưng do độ tuổi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm dẫn tới khả năng tìm kiếm, tiếp thị khách hàng chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc các cán bộ được luân chuyển liên tục giữa các phòng ban đòi hỏi cần thêm thời gian để trau dồi nghiệp vụ, làm quen với công việc mới. Trong khi khối lượng công việc lại quá lớn dẫn tới

các cán bộ gặp khó khăn trong việc quản lý được số đơn vị, số dư nợ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng kiểm tra, quản lý hồ sơ, giấy tờ. Việc hoàn thiện hồ sơ chưa tốt cũng sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tín dụng.

Thứ hai, tín dụng doanh nghiệp của Chi nhánh còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt đối với các khoản vay lớn trong các ngành như xây dựng, thép, sản phẩm tiêu dùng,... Những ngành nghề này thường xuyên có sự biến động về giá, từ đó đòi hỏi ngân hàng phải luôn bám sát, theo dõi một cách sát sao.

Ngoài ra, trong cơ cấu nợ quá hạn doanh nghiệp của BIDV Thăng Long, nợ nhóm 2 vẫn chiếm tỷ trọng cao. Thực tế, nợ nhóm 2 là những khoản nợ đã quá hạn nhưng vẫn có thể cải thiện tình hình và chuyển sang nhóm nợ trong hạn nếu ngân hàng tích cực trong việc đôn đốc thu nợ, lãi vay một cách kịp thời. Tuy nhiên, nhóm nợ này cũng có nguy cơ bị chuyển sang nhóm nợ xấu vì còn phụ thuộc chính vào khách hàng vay vốn, đặc biệt khi môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không ổn định. Đây cũng là một trong những mặt hạn chế làm ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại Chi nhánh.

Thứ ba, quy mô cho vay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra của Chi nhánh. Mặc dù Chi nhánh liên tục đưa ra những chính sách khuyến khích, phát triển khách hàng doanh nghiệp mới nhưng số lượng khách hàng tốt, uy tín phát sinh nhu cầu tín dụng mới mỗi năm lại không nhiều dẫn tới quy mô dư nợ, tốc độ tăng trưởng còn thấp. Vì vậy, Chi nhánh Thăng Long nói chung và mỗi cán bộ quản lý khách hàng cần tích cực hơn trong việc tìm kiếm, tiến cận những khách hàng doanh nghiệp mới có độ uy tín cao, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh để góp phần mở rộng thị phần, quy mô tín dụng của Ngân hàng.

Thứ tư, công tác xử lý nợ quá hạn chưa thực sự tốt, hiệu quả chưa cao. Cụ thể là một số doanh nghiệp phát sinh nợ quá hạn từ năm ngoái đến nay Chi nhánh vẫn chưa có biện pháp thu hồi nợ hiệu quả, làm tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Trong khi đó Chi nhánh mới chỉ xử lý những khoản nợ xấu này bằng cách trích lập dự phòng chứ chưa đưa ra được những biện pháp cụ thể nhằm thu hồi nợ từ phía khách hàng. Điều đó cho thấy những rủi ro còn tồn đọng trong hoạt động tín dụng của Chi nhánh.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại NHTMCP đầu tư và phát triển việt nam chi nhánh thăng long khoá luận tốt nghiệp 395 (Trang 58 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(83 trang)
w