a/ Đối với nền kinh tế
Thứ nhất, nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm. Thông qua chức năng phân phối lại vốn tiền tệ theo nguyên tắc hoàn trả, các nguồn vốn và vật tư được đưa vào luân chuyển và được sử dụng hợp lý trong sản xuất. Tín dụng ngân hàng góp phần thoả mãn các nhu cầu vốn tiền tệ tạm thời của doanh nghiệp, đảm bảo tính liên tục của quá trình sản xuất cũng như mở rộng sản xuất. Đồng thời tín dụng ngân hàng có vai trò quan trọng trong việc tạo ra cơ cấu tối ưu trong phát triển kinh tế, là phương tiện để Nhà nước cung ứng tiền cho nền kinh tế phù hợp với sự phát triển kinh tế.
Thứ hai, nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp góp phần thúc đẩy quá trình mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế quốc tế.
Trong điều kiện hiện nay, việc phát triển kinh tế của một quốc gia luôn phải gắn liền với sự phát triển kinh tế thế giới, xu hướng quốc tế hoá và hội nhập hoá ngày càng được mở rộng theo nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi giữa các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong đó đầu tư vốn ra nước ngoài và kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hoá là hai lĩnh vực hợp tác quốc tế thông dụng và phổ biến giữa các quốc gia. Vốn là nhân tố quyết định đầu tiên cho việc thực hiện quá trình này. Thực tế không phải một tổ chức kinh tế nào, một nhà kinh doanh nào cũng có đủ vốn để hoạt động. Ngân hàng với tư cách là một tổ chức kinh doanh tiền tệ, thông qua hoạt động tín dụng doanh nghiệp, sẽ là trợ thủ đắc lực về vốn cho các nhà đầu tư và hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hoá.
b/ Đối với doanh nghiệp
Thứ nhất, công tác tín dụng đảm bảo nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế sản xuất hàng hoá, tín dụng là một trong những nguồn hình thành vốn lưu động và cố định của các doanh nghiệp. Nhờ nguồn vốn của ngân hàng mà doanh nghiệp có thể khắc phục tình trạng thiếu hụt
vốn trong quá trình sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho quá trình sản xuất được diễn ra liên tục, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh quá trình tái sản xuất của các doanh nghiệp.
Thứ hai, việc nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp là công cụ góp phần tăng cường chế độ hạch toán kinh tế của các đơn vị kinh tế. Các doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng đều phải cam kết thực hiện đầy đủ điều kiện của ngân hàng, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời hoàn trả vốn và lãi vay đúng hạn. Việc có một lịch sử tín dụng không tốt sẽ là cản trở lớn cho các doanh nghiệp trong những lần vay sau đó. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sẽ luôn phải nỗ lực kinh doanh có hiệu quả để có thể hoàn trả vốn và lãi vay đúng kỳ hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vay vốn trong tương lai. Điều này thúc đẩy doanh nghiệp tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động kinh doanh, tăng cường khâu hạch toán kế toán đảm bảo doanh lợi ngày càng cao.
c/ Đối với ngân hàng
Tín dụng, đặc biệt là tín dụng doanh nghiệp là hoạt động chủ yếu đem lại lợi nhuận cho ngân hàng. Trong tổng tài sản có của ngân hàng thì tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất và tỷ trọng thu nhập do tín dụng mang lại cũng chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của ngân hàng. Vì vậy, hoạt động tín dụng đóng vai trò quan trọng, là công tác chính mà các ngân hàng hiện nay cần sức chú trọng, phát triển.
Có thể nói việc nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế và với cả ngân hàng. Đối với nền kinh tế nó có vai trò nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình luân chuyển vốn của nền kinh tế. Còn đối với ngân hàng thì nó giúp đem lại nguồn thu nhập lớn để duy trì sự tồn tại và phát triển, đồng thời giúp ngân hàng khẳng định vị thế, thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.