3.2.1.1. Phân tích tình hình tài chính của khách hàng vay vốn
Công tác thu thập thông tin, đánh giá tình hình tài chính cũng như uy tín của khách hàng cần được OceanBank - Chi nhánh Hà Nội hết sức chú trọng. Căn cứ để đánh giá cần được hệ thống hóa, đặc biệt ở các thông tin về lịch sử giao dịch, uy tín tính cách, khách hàng đã có khoản nợ quá hạn hay chưa, mục đích sử dụng vốn vay có phù hợp hay không, có hiện tượng lừa đảo, tham nhũng, giả mạo giấy tờ hay không. Bên cạnh đó, các báo cáo tài chính, các tài liệu và chứng từ kế toán cũng là một nguồn thông tin quan trọng mà OceanBank cần xem xét kỹ nhằm xác minh năng lực tài chính của khách hàng.
Dựa trên các chỉ tiêu cơ bản về năng lực trả nợ của khách hàng gồm các chỉ tiêu định lượng như doanh thu, lợi nhuận, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, hệ số thanh toán. và các chỉ tiêu định tính như mức độ ổn định, mối quan hệ với ngân hàng. Chi nhánh có thể xây dựng bảng chi tiết về xếp hạng khách hàng hơn từ bảng xếp hạng tín dụng hiện có nhằm đánh giá đúng đắn RRTD có thể phát sinh đối với món vay.
3.2.1.2. Thẩm định mức sinh lời của dự án xin vay
Khâu thẩm định hiệu quả kinh tế và khả năng thực thi của phương án vay vốn đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng ngừa và giảm thiểu RRTD, hơn nữa đây là một công việc quan trọng và khó khăn. Khi xem xét một dự án xin vay vốn thì tính khả thi của dự án là điều kiện để ngân hàng cho vay. Mà một dự án khả thi có nghĩa là có khả năng sinh lời cao, hàng hóa sản xuất ra phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường. Ngoài ra lợi nhuận của dự án đem lại, tuổi thọ của dự án và thời gian khấu hao
của dự án cũng là những yếu tố quan trọng tác động đến khả năng hoàn trả vốn cho ngân hàng đúng hạn.
Để việc thẩm định tình hình và năng lực tài chính của khách hàng doanh nghiệp có hiệu quả thì việc yêu cầu có xác nhận của các tổ chức kiểm toán độc lập là cần thiết, tuy nhiên trên thực tế có rất ít các danh nghiệp có được báo cáo tài chính được kiểm toán. Chi nhánh có thể sử dụng báo cáo thuế và trên cơ sở thẩm định của các bộ tín dụng để có được một báo cáo tương đối chính xác. Đối với những dự án lớn, ngân hàng nên thuê tổ chức tư vấn độc lập, có uy tín và năng lực để thẩm định và xác nhận trước khi chấp nhận cho vay. Việc này tuy làm gia tăng chi phí nhưng lại đảm bảo an toàn cho ngân hàng khi cho vay.
Ngoài ra, cán bộ tín dụng cần đi tới cơ sở sản xuất hoạt động kinh doanh của khách hàng, kiểm tra các số liệu thực tế xem có phù hợp với các số liệu trong báo cáo mà khách hàng cung cấp hay không. Trong nhiều trường hợp, vì muốn có nhiều thuận lợi trong việc đề nghị cấp tín dụng mà khách hàng kém trung thực, lập báo cáo với các số liệu không chính xác, không phản ánh đúng với thực tế tình hình sản xuất kinh doanh của mình. Nếu không có sự kiểm tra đối chiếu giữa thông tin trên giấy tờ và thực tế, cán bộ tín dụng hoàn toàn có thể mắc phải các sai lầm trong quyết định tín dụng, dẫn tới sự gia tăng về rủi ro tín dụng cho ngân hàng.
Trong quá trình thẩm định, nhiều khi cần lập hội đồng thẩm định với sự đánh giá của nhiều cán bộ tín dụng để đảm bảo tính khách quan và chính xác. Quy trình này cần phải được thực hiện nghiêm túc và đẩy đủ.
3.2.1.3. Giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng
Ngân hàng thực hiện cho vay đối với khách hàng theo cam kết tín dụng trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau, gốc và lãi được kỳ vọng hoàn trả đúng hạn dựa trên kế hoạch lợi nhuận từ phương án kinh doanh mà khách hàng cung cấp. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng vốn vay sau giải ngân lại chứa đựng rất nhiều rủi ro do vốn vay bị sử dụng sai mục đích. Trên thực tế đôi khi khách hàng cố tình gian lận hoặc cho dù sử dụng đúng mục đích nhưng có những rủi ro bất khả kháng xảy ra khiến khách hàng mất khả năng trả nợ cho ngân hàng. Do vậy công tác giám sát sử dụng vốn cần được OceanBank - Chi nhánh Hà Nội chú trọng và thực hiện nghiêm túc.
Đối với những rủi ro bất khả kháng, Chi nhánh chỉ có thể tìm các biện pháp tháo gỡ hoặc hạn chế tối đa hậu quả. Còn trong các trường hợp khác, việc giám sát khách hàng thường xuyên rất có hiệu quả trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu rủi ro để có thể ngăn chặn và phòng ngừa.
Sau giải ngân, nếu buông lỏng công tác theo dõi và quản lý khách hàng, rất có thể ngân hàng sẽ gặp rủi ro do khách hàng cố ý gian lận, lừa đảo, không sử dụng vốn đúng mục đích... Cần định kỳ kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay bằng cách kiểm tra lại doanh nghiệp, kiểm tra các chứng từ hóa đơn bảo đảm cho các khoản vay được sử dụng đúng mục đích, cụ thể:
- Giám sát hoạt động tài khoản của khách hàng tại Chi nhánh qua tài khoản tiền gửi và tiền vay, việc biến động trong số dư tài khoản cũng như biến động về chu kỳ giao dịch với Chi nhánh là dấu hiệu nhân biết tình hình hoạt động của khách hàng.
- Phân tích báo cáo tài chính của khách hàng theo định kỳ.
- Khảo sát địa điểm hoạt động kinh doanh của khách hàng định kỳ và đột xuất để biết được những thay đổi trong quy mô, tình hình sản xuất, cũng như cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp vay vốn.