3.2.3.1. Đa dạng hóa danh mục tín dụng
Đây là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế RRTD. Việc tập trung cho vay một số nhóm khách hàng nhất định, trong cùng một lĩnh vực, ngành, nghề kinh tế, một khu vực địa lý nhất định sẽ tiềm ẩn rủi ro cao và khiến ngân hàng thường xuyên phải đối mặt với RRTD. Nguyên nhân là khi có diễn biến xấu hoặc nhân tố tác động không thuận lợi đến nhóm khách hàng, lĩnh vực, ngành, nghề kinh tế hoặc khu vực địa lý đó thì sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến đồng thời tất cả các khách hàng của ngân hàng, ví dụ như tình hình suy thoái của thị trường bất động sản trong những năm gần đây. Do đó, hậu quả sẽ càng nghiêm trọng. Vì vậy, để giảm thiểu RRTD, ngân hàng nên phân tán vốn cho nhiều loại khách hàng vay, ở nhiều lĩnh vực, ngành, nghề kinh tế và khu vực địa lý.
Hiện tại, nguồn thu nhập chính của OceanBank là từ hoạt động tín dụng, nên RRTD là rủi ro lớn nhất mà ngân hàng phải đối mặt. Trên báo cáo kết quả kinh doanh của OceanBank - Chi nhánh Hà Nội, thu nhập từ hoạt động tín dụng luôn chiếm hơn
60% tổng thu nhập của Chi nhánh, trong đó nguồn thu từ lãi của các món vay là chủ yếu. Muốn giảm thiểu RRTD, Chi nhánh cần đa dạng hóa các nghiệp vụ của mình, như:
- Đa dạng hóa phương thức cấp tín dụng: hiện nay ở OceanBank - Chi nhánh Hà Nọi phương thức cho vay chủ yếu vẫn là cho vay theo hạn mức và cho vay theo món. Việc cho vay thấu chi, bao thanh toán và đồng tài trợ vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, Chi nhánh nên tiếp tục đẩy mạnh phát triển nghiệp vụ bảo lãnh vì đây là công cụ tài trợ mà ngân hàng không trực tiếp cấp vốn nên ít khi gặp rủi ro và hầu hết các khoản bảo lãnh đều được hoàn trả đầy đủ. Ngoài ra, Chi nhánh có thể nghiên cứu phát triển nghiệp vụ chiết khấu, vì đây là nghiệp vụ có mức độ bảo đảm cao, không bị đóng băng vốn ngân hàng, thủ tục đơn giản, chi phí thấp và lãi suất hiệu dụng cao.
- Cho vay đồng tài trợ: được áp dụng trong các trường hợp mà nhu cầu vốn của khách hàng quá lớn, các ngân hàng sẽ phối hợp với nhau để cho vay với một ngân hàng đầu mối và nhiều ngân hàng thành viên. Việc giám sát quá trình sử dụng vốn sẽ được tất cả các bên đồng tài trợ chịu trách nhiệm và phối hợp thực hiện, RRTD của các món vay từ đó cũng được giảm thiểu. Cho vay đồng tài trợ thỏa mãn nhu cầu phân tán rủi ro của ngân hàng và giúp ngân hàng duy trì được quan hệ với khách hàng khi ngân hàng không có đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
- Đa dạng hóa khách hàng: mở rộng cho vay đối với nhiều đối tượng khách hàng để tránh rủi ro tập trung.
- Đa dạng hóa kỳ hạn cho vay: Chi nhánh cần cân đối sử dụng nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn trung - dài hạn cho hợp lý để vừa đảm bảo khả năng thanh khoản, vừa mang lại lợi nhuận tối đa cho Chi nhánh.
- Đa dạng hóa cho vay theo ngành nghề kinh tế: tăng tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, kiểm soát toàn bộ và chủ trương dừng tất cả các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán vì đây là những lĩnh vực chứa đựng rất nhiều rủi ro.
3.2.3.2. Thực hiện sàng lọc khách hàng trước khi cho vay
OceanBank - Chi nhánh Hà Nội triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát rủi ro và tăng trưởng tín dụng theo định hướng chọn lọc các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tốt để tài trợ, thu xếp vốn:
- Đối với Khách hàng cá nhân: thực hiện chấm điểm tín dụng sau đó tính điểm và căn cứ vào điểm số để phân loại rủi ro và từ đó đưa ra hạn mức tín dụng hợp lý.
- Đối với Khách hàng doanh nghiệp: cần tiến hành nghiêm túc phân loại doanh nghiệp với các tiêu chí cơ bản như ngành nghề/lĩnh vực, quy mô doanh nghiệp (Vốn kinh doanh, lao động, doanh thu thuần, giá trị nộp ngân sách...), xếp hạng dựa trên cả các chỉ tiêu về tài chính và phi tài chính.
- Tổng hợp điểm và phân loại khách quan
Chi nhánh đã triển khai mô hình chấm điểm và áp dụng thí điểm trong vài năm gần đây. Tuy nhiên việc áp dụng mô hình này vào thực tế còn khá mới mẻ, do mới triển khai nên kinh nghiệm thực tế chưa nhiều, cần thời gian để học hỏi các nước phát triển để khắc phục được các nhược điểm của mô hình hiện tại, xây dựng một mô hình mới hoàn thiện hơn.
3.2.3.3. Xây dựng và duy trì quan hệ lâu dài với khách hàng
- Đối với ngân hàng: nếu là các khách hàng truyền thống thì việc thu thập thông tin và đánh giá khách hàng là đơn giản hơn nhiều. Hơn nữa, ngân hàng cũng giảm được chi phí trong việc thu thập thông tin và phân tích khách hàng.
- Đối với khách hàng truyền thống: do có độ đảm bảo an toàn cao hơn và có quan hệ lâu dài với NH nên có thể được hưởng lãi suất ưu tiên, thủ tục vay vốn đơn giản...
- Xây dựng mối quan hệ với khách hàng cũng giúp ngân hàng giữ được những khách hàng truyền thống và thu hút những khách hàng tiềm năng.
- Xây dựng mối quan hệ này là một biện pháp quan trọng trong việc quản trị rủi ro tín dụng.
3.2.3.4. Quản lý và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro
Quỹ dự phòng rủi ro như một tấm đệm nhằm giảm thiểu tổn thất có thể xảy ra đối với ngân hàng, do đó công tác trích lập và sử dụng quỹ cần được thực hiện đúng quy định trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro đối với từng món vay, loại cho vay để bù đắp cho một phần hoặc toàn bộ tổn thất.
Thực hiện nghiêm túc phân loại nợ, tránh tình trạng vì kết quả kinh doanh mà không tuân thủ tính chính xác trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Chủ động phân loại nợ theo tính chất, khả năng thu hồi nợ của khoản vay, kiên quyết
chuyển nợ quá hạn đối với các trường hợp vi phạm hợp đồng tín dụng cho vay có nguy cơ gây ra rủi ro.
Việc lập quỹ dự phòng là cần thiết tuy nhiên cần tránh lập dự phòng vượt mức không hợp lý vì tạo ra dự trữ quá mức không cần thiết, làm giảm số tài sản có sinh lời của ngân hàng, ảnh hưởng tới lợi nhuận. Ngược lại, nếu trích dự phòng thấp thì sẽ không phản ánh đúng kết quả kinh doanh. Đối với dự phòng chung, có thể được tính vào chi phí hoặc coi như một quỹ dự trữ.