3.2.2.1. Chất lượng thẩm định tín dụng
Để khắc phục những hạn chế nhằm nâng cao chất lượng trong khâu thẩm định, ngân hàng cần:
Công tác thu thập, xử lý thông tin liên quan đến khoản vay: Để nâng cao chất lượng thông tin, ngoài nguồn tin truyền thống từ phía khách hàng thông qua phỏng vấn trực tiếp, dữ liệu trên BCTC hoặc cử cán bộ đến trực tiếp cơ sở sản xuất kinh doanh của khách hàng, ngân hàng cần tăng cường mở rộng phạm vi thu thập thông tin từ các nguồn khác để tránh rủi ro đạo đức có thể gặp phải. Các kênh thông tin mà ngân hàng có thể lấy như: từ trung tâm thông tin tín dụng (CIC) của NHNN, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, chính quyền địa phương hay từ chính các đối tác của khách hàng... Điều đáng lưu ý là không phải mọi thông tin đều chính xác nên ngân hàng cần biết chọn lọc, đánh giá tính đúng đắn của thông tin.
Công tác đánh giá tài sản đảm bảo: là một nghiệp vụ quan trọng, vì đây được coi là nguồn thu nợ thứ hai của ngân hàng trong trường hợp rủi ro tín dụng xảy ra. Do đó, công việc này cần do những cán bộ có trình độ chuyên môn, am hiểu về pháp luật, thị trường để nâng cao hiệu quả thẩm định. Hơn nữa, giá trị tài sản luôn biến động theo thị trường nên cần được theo dõi thường xuyên, đặc biệt với các loại tài sản kém ổn định như đất đai, nhà ở... Ngoài ra, ngân hàng cũng phải tuân thủ mọi quy định, quy chế về tài sản thế chấp, như phải thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm với các tài sản thế chấp để tránh trường hợp tranh chấp phát sinh trong quá trình xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ngân hàng.
Hoàn thiện hệ thống XHTD nội bộ theo phương pháp tiếp cận nội bộ cơ bản hoặc nâng cao (FIRB hoặc AIRB) theo chuẩn Basel II bao gồm:
- Hoàn thiện cơ sở dữ liệu
- Đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ
- Nâng cao khả năng dự báo rủi ro của HTXHTDNB
- Nâng cao hiệu quả cơ chế kiểm tra và giám sát hoạt động của HTXHTDNB - Đào tạo, nâng cao trình độ nhân sự phát triển mô hình IRB
3.2.2.2. Công tác kiểm tra giám sát sau khi cho vay
Thời gian tới, công tác kiểm tra giám sát sau khi cho vay cần được tiến hành chặt chẽ hơn. Thông tin kiểm tra cần được thu thập một cách đầy đủ từ không chỉ doanh nghiệp cung cấp mà cả các nguồn đáng tin cậy khác để đánh giá chính xác tình hình hoạt động cũng như môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở cũng cần được tiến hành một cách ngẫu nhiên, không báo trước để đảm bảo tính trung thưc, khách quan.
Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện doanh nghiệp gặp khó khăn không thể trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, cán bộ tín dụng cần phải báo cáo về ngân hàng để có biện pháp xử lý kịp thời. Ngân hàng có thể tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn và tăng khả năng tạo lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Tóm lại, đây có thể là những biện pháp không mới nhưng luôn hiệu quả và cần thiết trong xây dựng quy trình tín dụng của ngân hàng.