Quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Một phần của tài liệu Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Trang 27 - 32)

13 Điều 63d, Dự thảo sửa đổi luật HN&GĐ năm 2000.

2.3.1. Quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

Quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 98 Luật HN&GĐ năm 2014. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ này được xác định như sau:

- Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.

Bởi lẽ đây là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện của các bên nên bên nhờ mang thai hộ không có nghĩa vụ trả công hay đáp ứng bất kỳ lợi ích vật chất nào cho bên mang thai hộ. Tuy nhiên, quá trình mang thai hộ bản chất là bên mang thai hộ đang giúp bên nhờ mang thai hộ chăm sóc đứa con mang dòng máu của họ, do đó, bên nhờ mang thai hộ phải có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế. Các chi phí thực tế này bao gồm: Các chi phí khám bệnh, chăm sóc sức khỏe, kiểm tra, siêu âm định kỳ, chi phí thuốc men, ăn uống, đi lại và các khoản phát sinh khác liên quan đến việc mang thai hộ. Ngoài ra, nếu bên mang thai hộ gặp khó khăn về kinh tế hoặc sức khỏe bị giảm sút, mắc các bệnh như tai biến sản khoa, … vì lý do mang thai hộ, thì chi phí thực tế này cũng bao gồm những khoản trợ giúp các vấn đề trên.

- Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra.

Tuy người vợ nhờ mang thai hộ không phải “mang nặng, đẻ đau” để có được đứa con này nhưng đứa trẻ được sinh ra là từ nguyện vọng của bên nhờ mang thai hộ và đồng thời cũng mang gen di truyền của cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ, vì vậy con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra.Và cũng từ thời điểm đó, quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với đứa con được sinh ra sẽ phát sinh. Quyền và nghĩa vụ này thực chất là quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái của mình, cụ thể là quyền và nghĩa vụ khai sinh cho con, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con; quan tâm đến sức khỏe, sự phát triển bình thường của con.

- Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

Khoản 2, Điều 35 Luật BHXH năm 2014 quy định về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ: “Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm

xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.” Quy định như vậy vừa bảo vệ được quyền lợi cho bên nhờ mang thai hộ, vừa đảm bảo cho đứa trẻ mới sinh ra nhận được sự chăm sóc tốt nhất từ người mẹ.

Điều 4 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP đã quy định chi tiết về chính sách thai sản đối với người nhờ mang thai hộ. Theo đó, người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ sau:

+ Trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con trong trường hợp lao động nữ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này;

+ Trường hợp lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc không đủ điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này thì người chồng đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau, thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con.

+ Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi. Trường hợp sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ thêm 01 tháng; trường hợp người mẹ nhờ mang thai hộ không nghỉ việc thì ngoài tiền lương vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

+ Trường hợp sau khi sinh con, nếu con chưa đủ 06 tháng tuổi bị chết thì người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Khoản 3 Điều 34 của Luật BHXH…

Ngoài ra, mức hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật BHXH năm 2014 và được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của người mẹ nhờ mang thai hộ.

- Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật này và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường.

Bên nhờ mang thai hộ không có quyền được từ chối nhận con. Đặc biệt là khi bên mang thai hộ đã thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của họ thì dù đứa trẻ được sinh ra không được khỏe mạnh hay bị mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bị khiếm khuyến cơ thể,.. thì bên nhờ mang thai hộ vẫn phải có nghĩa vụ nhận con. Việc pháp luật quy định nghĩa vụ nhận con của bên nhờ mang thai hộ nhằm đảm bảo cho quyền và lợi ích của bên mang thai hộ cũng như đứa trẻ được sinh ra, cũng là nghĩa vụ ràng buộc trách nhiệm giữa bên nhờ mang thai hộ với đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Tránh tình trạng sau khi đứa trẻ được sinh ra, bên nhờ mang thai hộ vì những lý do như không đủ điều kiện để nuôi dưỡng, đứa trẻ không đáp ứng được kì vọng của họ,… mà không nhận con. Như vậy, nếu cả hai bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ đều không nhận đứa bé thì quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng của đứa bé được sinh ra nhờ mang thai hộ sẽ không được đảm bảo.

Điều 110 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng. Bên cạnh đó, khi bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con thì các quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng cũng được áp dụng tương tự. Nghĩa vụ này dùng để đảm bảo việc cung cấp chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ trong khoảng thời gian chậm nhận con của bên nhờ mang thai hộ. Cụ thể về mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng được quy trong Luật HN&GĐ năm 2014 và văn bản pháp luật có liên quan.

Việc từ chối nhận con hay chậm nhận con đồng nghĩa với việc bên nhờ mang thai hộ đã vi phạm thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo của các bên. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bên mang thai hộ nên bên nhờ mang thai hộ phải chịu các trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính theo quy định tại Điều 100 Luật HN&GĐ năm 2014 và cũng phải bồi thường nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ.

- Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.

Theo Điều 94 Luật HN&GĐ năm 2014 thì con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Vì vậy, khi bên nhờ mang thai hộ chết, đứa con được sinh ra nhờ mang thai hộ sẽ được hưởng thừa kế theo hàng thứ nhất theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 651 BLDS năm 2015. Tuy nhiên, có một điểm bất cập đó là nếu bên nhờ mang thai hộ chết trước khi đứa trẻ mang thai hộ được sinh ra thì đứa trẻ đó sẽ không được thừa kể di sản, bởi lẽ đứa trẻ mang thai hộ chỉ được công nhận là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ tính từ thời điểm nó được sinh ra. Vậy nên, điều này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đứa trẻ.

- Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và luật khác có liên quan.

Quy định này giúp đảm bảo sự bình đẳng, tránh phân biệt đối xử giữa đứa trẻ sinh ra nhờ mang thai hộ và các thành viên khác trong gia đình. Cụ thể theo Điều 103 Luật HN&GĐ năm 2014 thì các thành viên gia đình có quyền, nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ, tôn trọng nhau.Trong trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập; đóng góp công sức, tiền hoặc tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của mình. Ngoài ra còn có các quyền và nghĩa vụ khác được quy định trong Luật HN&GĐ, BLDS và luật khác có liên quan.

- Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.

Trong một số trường hợp, những người phụ nữ mang thai hộ vì đã tận tình yêu thương, chăm sóc đứa trẻ trong bụng cũng như vất vả để có thể sinh đưa bé ra nên đã nảy sinh tình cảm “mẹ con” với đứa bé được sinh ra nhờ mang thai hộ, dẫn đến việc không muốn xa rời và thực hiện nghĩa vụ giao lại đứa trẻ cho bên nhờ mang thai hộ hoặc vì những lý do khác như muốn giữ đứa bé lại để đòi thêm tiền

của bên nhờ mang thai hộ,… Trong những trường hợp như vậy, bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.

Một phần của tài liệu Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(60 trang)
w