5. Kết cấu của đề tài
1.4.2 Chính sách của Hàn Quốc đối với thị trường thẻ tín dụng
Để có thể đạt được sự phát triển ấn tượng của thị trường thẻ tín dụng thì vai trò của Chính phủ Hàn Quốc rất quan trọng. Chính phủ Hàn Quốc đã cho ban hành những chính sách khá tập trung, đồng bộ hỗ trợ cho hoạt động thanh toán thẻ tín dụng nói riêng và thanh toán không dùng tiền mặt trong cả nước [4]. Các chính sách tạo mô trường minh bạch và cơ chế linh hoạt cho hoạt động dịch vụ thẻ tín dụng phát triển bao gồm:
- Đưa ra quy định về việc xủ lý giao dịch thẻ tín dụng quốc tế khi thanh toán tại thị trường nội địa đều do hệ thống nội địa (các ngân hàng, công ty chuyển mạch nội địa) xử lý. Do đó, toàn bộ phí thu được từ các giao dịch này là do các ngân hàng, tổ chức trong nước hưởng mà không phải trả cho Tổ chức thẻ quốc tế. Vì vậy, ngành thẻ tín dụng tại Hàn Quốc mang lại lợi nhuận khá cao, đây là điểm mà nhiều nước trong đó có Việt Nam chưa làm được.
- Có những chính sách khuyến khích sự liên kết giữa các tổ chức phát hành thẻ và các nhà cung cấp hàng hoá, dịch vụ để tạo cho khách hàng cơ chế thanh toán thẻ tín dụng theo hình thức trả góp. Điều này góp phần làm dịch vụ trả góp bằng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc rất phát triển, khoản thanh toán của khách hàng được chia nhỏ thành nhiều phần, từ đó kích thích người dân sử dụng thẻ tín dụng nhiều hơn.
- Chính phủ Hàn Quốc tạo dựng được hệ thống quản lý thông tin cá nhân, thông tin khách hàng rất minh bạch và khoa học nên việc phê duyệt phát hành thẻ tín dụng rất thuận lợi. Năm 2002, Trung tâm thông tin tín dụng của Hàn Quốc được thành lập, cung cấp các dữ liệu cho các ngân hàng và công ty thẻ. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng xây dựng được hệ thống thông tin cá nhân đầy đủ, chính xác, được cập nhật liên tục để các tổ chức phát hành thẻ có thể lấy thông tin đánh giá và cấp tín dụng cho khách hàng. Ngoài ra, tổ chức phát hành thẻ cũng có thể truy cập hệ thống thông tín dữ liệu xuất nhập cảnh để tra cứu hoạt động xuất nhập cảnh của chủ thẻ, qua đó phát hiện và xử lý các giao dịch giả mạo phát sinh, hạn chế những rủi ro trong hoạt động thẻ.
Trải qua nhiều thập kỷ phát triển, dịch vụ thẻ tín dụng tại Hàn Quốc đã có những bước phát triển thăng trầm khác nhau. Có thể chia sự phát triển thị trường thẻ tín dụng tại Hàn Quốc thành ba giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn cụ thể, Chính phủ Hàn Quốc đã có những chính sách hữu hiêu nhằm hỗ trợ cho thị trường thẻ tín dụng phát triển cũng như có những công cụ chính sách khá hợp lý để giúp các tổ chức phát hành thẻ khắc phục, ứng phó với các rủi ro và khủng hoảng.
Giai đoạn 1: Thị trường thẻ tín dụng hình thành và phát triển (1969 - 1998)
Đây là giai đoạn mà nền kinh tế Hàn Quốc có sự tăng trưởng thần kỳ để trở thành một nước công nghiệp mới (NICs), là một trong những con rồng của châu Á. Đây cũng là giai đoạn mà thị trường thẻ tín dụng đã có sự hình thành và phát triển.
Về mặt chính sách pháp luật, Chính phủ Hàn Quốc đã ban hành Luật kinh doanh thẻ tín dụng vào năm 1987, tạo cơ sở pháp lý cho các công ty thẻ tín dụng phát triển với các chính sách ưu đãi cho hoạt động kinh doanh thẻ. Từ đó, hàng loạt công ty thẻ tín dụng đã được thành lập như công ty thẻ tín dụng Kookmin, LG, KEB, Samsung,...
Năm 1989, Chính phủ Hàn Quốc thực hiện “mở cửa” và tự do hoá lĩnh vực du lịch, điều này làm gia tăng nhu cầu sử dụng thẻ tín dụng của du khách quốc tế tại Hàn Quốc cũng như nhu cầu của công dân Hàn Quốc khi đi ra nước ngoài.
Đúng lúc nền kinh tế Hàn Quốc và lĩnh vực thẻ thanh toán đang có sự phát triển khá tốt thì cơn bão khủng hoảng tài chính càn quét các quốc gia châu Á. Năm 1997 - 1998, cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, kinh tế Hàn Quốc chịu ảnh hưởng nặng nền, sức cầu giảm sút dẫn đến hoạt động thanh toán thẻ tăng trưởng chậm.
Giai đoạn 2: Vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng nóng (1999 - 2002)
Để hỗ trợ thị trường thẻ cũng như kích thích tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra nhiều chính sách:
- Cho phép bãi bỏ quy định về trần hạn mức rút tiền mặt khi phát hành thẻ tín dụng (mức tối đa cho phép trước đây là 50%). Khách hàng có thể rút tiền mặt bằng 100% hạn mức tín dụng được cấp; bãi bỏ mức trần ứng tiền mặt hàng tháng (700.000 won tương đương 610 USD) và giới hạn đòn bẩy (cho phép lên tới 20 lần số vốn) đối với các tổ chức phát hành; yêu cầu về tỷ lệ mức vốn pháp định tối thiểu chỉ là 7%. Những chính sách này đã khuyến khích các công ty phát hành thẻ tăng cường phát hành thẻ tín dụng.
- Yêu cầu việc tất cả các cửa hàng kinh doanh đều phải chấp nhận thanh toán thẻ hoặc được các ngân hàng xác nhận thanh toán qua ngân hàng như là điều kiện bắt buộc để được hoạt động kinh doanh;
- Khấu trừ thuế thu nhập đối với các khoản chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ cho chủ thẻ; khấu trừ thuế kinh doanh cho các đơn vị chấp nhận thẻ
- Cho phép các đơn vị kinh doanh triển khai các chương trình khuyến mãi (bốc thăm trúng thưởng khi sử dụng và thanh toán thẻ tín dụng). Thực tế ở giai đoạn này, các chương trình khuyến mãi liên tục được triển khai nhằm thu hút khách hàng sử dụng thẻ;
Nhờ các chính sách trên, thị trường thẻ tín dụng tại Hàn Quốc tăng trưởng mạnh, công nghiệp thẻ tín dụng trở thành một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của tài chính bán lẻ không có đảm bảo tại Hàn Quốc. Giai đoạn này, số lượng thẻ tín dụng tại Hàn Quốc tăng gấp 3 lần, từ 39 triệu thẻ năm 1999 lên 105 triệu thẻ năm 2002, trong khi giái trị giao dịch bằng thẻ tín dụng tăng gấp 6 lần [15]. Thu nhập ròng từ công nghiệp thẻ tín dụng tại Hàn Quốc đã chuyển từ âm sang dương giai đoạn 1999 - 2001. Giao dịch hàng hoá, dịch vụ bằng thẻ chiếm tới 45,7% tiêu dùng cá nhân trong năm 2002.
Giai đoạn 3: Tái cơ cấu hoạt động kinh doanh thẻ và tăng trưởng ổn định (từ 2003 đến nay)
Sự tăng trưởng quá nóng của thị trường thẻ tín dụng tại Hàn Quốc đã gây ra những hậu quá khá nghiêm trọng. Dư nợ thẻ tín dụng tăng quá nhanh, việc cấp tín dụng quá dễ dàng, các chương trình marketing được đưa ra tràn lan không có kế hoạch, hậu quả tất yếu là tỷ lệ thanh toán không đúng hạn gia tăng, nợ xấu thẻ tín dụng tăng chóng mặt, hàng loạt tổ chức phát hành thẻ tín dụng đứng trước nguy cơ phá sản.
Trước thực trạng đáng báo động của thị trường thẻ, Chính phủ đã kịp thời ban hành các chính sách tái cơ cấu nhằm khắc phục khủng hoảng tín dụng tiêu dùng năm 2003:
- Cấm hoạt động mời chào phát hành thẻ trên đường phố, cấm các hình thức tặng quà, khuyến mãi để thu hút khách hàng sử dụng thẻ;
- Quy định hạn mức rút tiền mặt là 50% thay vì 100% như giai đoạn trước; - Yêu cầu các công ty thẻ, ngân hàng phải áp dụng tiêu chuẩn cao hơn trong việc cấp tín dụng thẻ và xử lý nợ xấu bằng cách đặt ra tiêu chuẩn phân loại, trích lập dư nợ thẻ tín dụng; yêu cầu tăng cường dự phòng; tăng tỷ lệ yêu cầu vốn tối thiểu của các tổ chức phát hành thẻ từ 7% lên 8%.
Nhờ việc áp dụng đồng bộ các chính sách, tỷ lệ nợ quá hạn của Hàn Quốc đã giảm nhanh chóng từ 14,06% năm 2002 xuống còn 5,89% năm 2005 [4].
Từ năm 2006, thị trường thẻ Hàn Quốc bước vào giai đoạn bão hoà. Các tổ chức thẻ phải thay đổi mô hình hoạt động, tăng cường các dịch vụ chứ không chỉ tập trung vào gia tăng số lượng thẻ phát hành. Thị trường thẻ ghi nhận sự phát triển ổn định và ngày càng đóng góp ngày một đáng kể vào lợi nhuận của các ngân hàng cũng như chiếm tỷ trọng ngày một cao trong tổng chi tiêu của người dân.