1.3.1. Thuế
Theo Smith và Stulz (1985), chính sách thuế đối có thể mang lại lợi ích cho NHTM tham gia hợp đồng tương lai, kỳ hạn hay quyền chọn. Nếu tỷ lệ thuế cận biên của NHTM là một hàm tăng theo giá trị NHTM trước thuế thì giá trị này sau thuế là hàm lõm của giá trị NHTM trước thuế. Điều này có nghĩa là phòng vệ làm giảm biến động giá trị NHTM trước thuế, dẫn đến số thuế phải nộp giảm và giá trị NHTM sau thuế tăng (với điều kiện chi phí phòng vệ không quá lớn). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, để đạt được lợi ích về thuế khi sử dụng CCPS thì NHTM cần có đủ hai điều kiện là (1) có tỷ lệ thuế phù hợp như đã nêu và (2) chi phí phòng vệ không quá cao so với số thuế tiết kiệm kỳ vọng.
1.3.2. Kiệt quệ tài chính
Kiệt quệ tài chính là tình trạng mà NHTM không thực hiện hoặc khó thực hiện cam kết với chủ nợ. Tình trạng này nếu không được giải quyết sẽ dẫn đến phá sản. Chi phí phát sinh do tình trạng này được gọi là chi phí kiệt quệ tài chính. Khi chưa phá sản, chi phí này phát sinh do yêu cầu giám sát quản lý, mất tập trung trong quản lý hoạt động của công ty. Chi phí kiệt quệ tài chính cũng có thể là chi phí vốn tăng (bởi người cho vay yêu cầu mức lợi suất cao hơn để bù đắp rủi ro tăng thêm) và các cơ hội đầu tư bỏ lỡ khi NHTM không có khả năng huy động thêm vốn. Chi phí khi phá sản bao gồm chi phí cho kiểm toán, lệ phí tòa án và các chi phí quản lý khác (Warner, 1977).
Nguy cơ xảy ra kiệt quệ tài chính tăng khi tỷ lệ nợ tăng cao trong khi khả năng trả nợ giảm. Với một mức vay nợ như nhau thì sử dụng phái sinh có thể giảm xác suất xảy ra kiệt quệ tài chính (Smith và Stulz, 1985; Froot và cộng sự, 1993). Vì vậy, khả năng là những NHTM có dấu hiệu của tình trạng này sẽ tích cực sử dụng CCPS hơn.
Phòng vệ bằng CCPS làm giảm biến động về dòng tiền (Froot và cộng sự, 1993), cho phép NHTM quản lý thanh khoản và đầu tư vào các dự án khi cần thiết. Như vậy, các NHTM gặp vấn đề về thanh khoản có lẽ sẽ tích cực tham gia thị trường phái sinh. Ngược lại, các NHTM với dòng tiền lớn là chiếc đệm cho các khoản lỗ tiềm tàng có lẽ ít sử dụng CCPS mà sẽ chấp nhận rủi ro để kiếm được mức lợi nhuận cao hơn (Mizerka và Strozynska, 2013).
1.3.3. Vấn đề đại diện
Trong tài chính NHTM, vấn đề đại diện thường là xung đột lợi ích giữa ban quản lý công ty và các cổ đông. Cổ đông thường không quản lý công ty mà đi thuê vì sự chuyên nghiệp của các nhà quản lý. Các chuyên gia này cần có quyền đưa ra quyết định để quản lý công ty. Tuy nhiên, nếu không có chính sách đãi ngộ thích hợp, họ sẽ không dành hết tâm huyết và sức lực để tối đa hóa giá trị của cổ đông. Để khắc phục xung đột về lợi ích này, nhiều NHTM đưa ra mức lương thưởng dựa trên giá trị NHTM hay kết quả sản xuất kinh doanh. Theo Smith và Stulz (1985), với những NHTM như thế, các nhà quản lý sẽ tích cực phòng vệ hơn để làm tăng giá trị cho NHTM, tức tăng thu nhập cho chính họ.
Nền móng chính của gia tăng xung đột lợi ích là bất cân xứng thông tin (Santos, Silveira và Barros, 2009). Các vấn đề bất cân xứng thông tin có thể làm tăng khả năng người quản lý NHTM sử dụng phái sinh cho lợi ích cá nhân, đặc biệt là các NHTM đối mặt với chi phí đại diện lớn và cơ chế quản
lý thông tin kém. Mở rộng NHTM và cơ cấu hoạt động phức tạp cũng gây ra sự bất cân xứng thông tin giữa các nhóm lợi ích (Jensen và Meckling, 1976). Nance và cộng sự (1993) nói rằng phòng vệ bằng phái sinh có thể giảm xung đột lợi ích trong các NHTM lớn. DeMarzo và Duffie (1991, 1995) thì l ập luận rằng NHTM với mức độ bất cân xứng thông tin cao có thể sẽ phòng vệ nhiều hơn để loại bỏ những tín hiệu nhiễu trong dòng cổ tức của NHTM.
1.3.4. Đầu tư dưới mức
Quản trị rủi ro có thể làm tăng giá trị cho cổ đông bằng cách kết hợp hài hòa giữa chính sách huy động vốn và chính sách đầu tư. Khi huy động nguồn vốn bên ngoài trở nên đắt đỏ (do lãi suất cao, chi phí giao dịch...), NHTM có thể đầu tư dưới mức. Xung đột lợi ích giữa cổ đông và trái chủ cũng có thể dẫn đến đầu tư dưới mức. Vấn đề đầu tư dưới mức có thể xảy ra khi đòn bẩy cao và cổ đông chỉ nắm giữ phần nhỏ tài sản NHTM. Vì vậy, cổ đông có thể loại bỏ những dự án an toàn (dù có lợi nhuận) bởi chủ nợ được hưởng lợi ích trước tiên trong khi cổ đông lại chịu nhiều rủi ro hơn. Kế hoạch quản trị rủi ro có thể làm giảm vấn đề đầu tư dưới mức vì các CCPS tăng tính chắc chắn và ổn định của dòng tiền (mà một phần được dùng để trả chủ nợ). Như vậy, NHTM có vấn đề về đầu tư dưới mức nghiêm trọng hơn sẽ có khả năng sử dụng CCPS hơn. Bởi các vấn đề đầu tư dưới mức thường nghiêm trọng hơn với các NHTM có cơ hội đầu tư và tăng trưởng lớn, các biến đo lường như tỷ lệ giá trị thị trường trên giá trị sổ sách, tỷ lệ chi nghiên cứu phái triển trên doanh thu, tỷ lệ chi phí vốn trên doanh thu thường được dùng để kiểm định giả thuyết đầu tư dưới mức. Lý thuyết cũng gợi ý rằng trái phiếu có khả năng chuyển đổi cũng có thể làm giả xung đột lợi ích giữa trái chủ và cổ đông, vì vậy việc sử dụng nó là dấu hiệu cho thấy sự tồn tại vấn đề đầu tư dưới mức.
1.3.5. Quy mô NHTM
Cách lý giải thứ nhất là chi phí kỳ vọng do kiệt quệ tài chính thì cao hơn đối với các NHTM nhỏ hơn (Warner, 1977). NHTM càng nhỏ, sợ gánh nặng chi phí này lớn (so với giá trị tài sản hoặc doanh thu), sẽ tích cực sử dụng CCPS hơn. Quan điểm về mối tương quan nghịch giữa quy mô NHTM và xu hướng sử dụng phái sinh theo lý thuyết chi phí của sự phá sản cũng được Ang, Chua và McConell (1982) ủng hộ. Kết quả nghiên cứu của Nguyen và Faff (2003) cũng chỉ qua điều này. Tuy nhiên, cũng có nhiều nghiên cứu lại cho thấy hướng tiếp cận trái ngược. Theo quan điểm của Smith và Stulz, quy trình quản trị rủi ro đặc trưng bởi thông tin và tính kinh tế theo quy mô. Do tính kinh tế theo quy mô của chi phí giao dịch, công ty lớn sẽ thu được nhiều lợi ích hơn từ việc sử dụng phái sinh bởi họ ở vị thế tốt hơn khi xem xét cả chi phí giao dịch và chi phí liên quan đến quá trình quản lý rủi ro. Thêm vào đó, NHTM lớn hơn thường hoạt động với đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao giúp thực hiện hiệu quả quá trính quản trị rủi ro.
1.3.6. Các biện pháp thay thế
Thay vì quản lý rủi ro bằng các hợp đồng phái sinh, NHTM có thể theo đuổi các hoạt động thay thế. Họ có thể đa dạng hóa hoạt động, sử dụng bảo hiểm hoặc thực hiện chính sách tài chính khác (Tufano, 1996). NHTM đa dạng hóa hoạt động của mình bằng cách đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, vì vậy chịu ảnh hưởng ít hơn do biến động giá của của một mặt hàng nào đó. Duy trì mức đòn bẩy thấp và lượng tiền mặt lớn cũng giúp NHTM ứng phó với những khó khăn tiềm tàng. Các NHTM có kho chứa hàng lớn cũng giảm tác động của sự thay đổi giá hàng hóa. Vì vậy, NHTM sử dụng các biện pháp quản lý thay thế càng nhiều thì khả năng sử dụng CCPS càng ít.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG VIỆC SỬ DỤNG CÔNG CỤ PHÁI SNH TRONG PHÒNG NGỪA RỦI RO TÀI CHÍNH TẠI
CÁC NHTM VIỆT NAM