Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn và là một loại hàng hóa công cộng, thiết yếu cho đời sống và sức khỏe. Nghiên cứu của Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI), nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn. Trong khi đó, theo một phúc trình của Liên Hiệp quốc năm 2006, có tới 1,1 tỷ người không tiếp cận được nước sạch và hơn 2,6 tỷ người không có điều kiện vệ sinh cơ bản. 1,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi và 4,43 triệu em ở độ tuổi đến trường bị chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến nước và vệ sinh môi trường. Một nghịch lý là người dân ở các nước nghèo phải tốn nhiều tiền cho nước sạch hơn so với các nước phát triển từ 5-10 lần. Nhiều cư dân vùng Hạ Sahara ở Châu Phi có ít hơn 20 lít nước mỗi ngày. Ngược lại, bình quân 1 người Anh dùng 150 lít nước/ngày trong khi người Hoa Kỳ dùng 600 lít/ngày. Cá biệt có cư dân Phoenix, Arizona (Hoa Kỳ) dùng tới 1.000 lít/ngày – gấp 100 lần so với người Mozambique. Phúc trình của Liên Hiệp Quốc cho biết đa số các nước đang phát triển chi ít hơn 1% GDP cho hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân, và hầu hết hệ thống đó phục vụ cho người giàu ở thành thị. Chính vì điều này, người nghèo mất nhiều thời gian hơn để có được nước dùng. Người dân Hạ Sahara bỏ ra 40 tỷ giờ mỗi năm để đi lấy nước, tương đương 1 năm trời làm việc của tất cả người lao động ở Pháp. Nhà môi trường Kevin Watkins đã từng phát biểu rằng “Nước là cuộc khủng hoảng chính của hàng triệu người dễ tổn thương nhất trên thế giới” [2].
Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, nhưng tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thế giới hết nước sạch, và điều đó rất có thể xảy ra vì dân số ngày càng tăng trong khi nước sạch ngày càng ít đi do ô nhiễm và biến đổi khí hậu. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nói rằng, đến năm 2030, nhu cầu toàn cầu đối với nước sẽ vượt quá mức cung cấp đến 40% và cứ sau 20 năm thì lượng tiêu thụ nước trên toàn cầu ước tính sẽ tăng gấp đôi.
24
Trước tình hình đó, cùng với Tây Ban Nha đã từ lâu Đức đấu tranh cho quyền của con người được sử dụng nước sạch và hệ thống vệ sinh trong sinh hoạt, một trong những quyền cơ bản được diễn giải từ Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, 1966 (ICESCR)
Ngày 28/7/2010, tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc về quyền tiếp cận nước sạch và các điều kiện vệ sinh, Liên hợp quốc tái khẳng định và bỏ phiếu thông qua quyền được sử dụng nước sạch và các điều kiện vệ sinh là quyền cơ bản của con người, đứng độc lập với các quyền cơ bản khác. Theo đó nhà nước phải tạo ra những điều kiện, quy tắc, dự án đầu tư hoặc điều kiện đầu tư thích hợp, để cải thiện tình trạng cung cấp nước sạch cho người dân. Đáp ứng quyền sử dụng nước sạch có nghĩa là mỗi người phải được tiếp cận nguồn nước vệ sinh, có thể tiếp nhận được và có thể trả tiền được và nguồn nước đó phải được cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân.
Các quyền này không chỉ đảm bảo cho con người được sống trong phẩm giá và tự do mà còn thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về xóa đói nghèo, tăng cường sức khỏe trẻ em và chống bệnh tật. Đạt được các mục tiêu về nước sạch và vệ sinh là nền tảng để đạt được tất cả các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.