- Hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về tài nguyên nước sao cho phù hợp với các quy định pháp luật tại các ngành luật khác có liên quan. Các quy định pháp lý, các chính sách và các chiến lược hiện có cần được xem xét lại để đảm bảo rằng chúng phù hợp với các nghĩa vụ và quyền lợi phát sinh từ quyền sử dụng nước cả ở cấp độ quốc gia và cả ở cấp độ người dân.
Về mặt pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 chưa giải quyết được chính là việc xác định vị trí của đạo luật này trong hệ thống pháp luật và xử lý mối quan hệ giữa đạo luật này với các đạo luật có liên quan trong đó có các đạo luật về tài nguyên (Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản v.v.) và các đạo
72
luật có liên quan khác (chẳng hạn như Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp v.v.). Thực tế quá trình áp dụng Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 cũng cho thấy, do thiếu quy phạm xử lý mối quan hệ giữa Luật Bảo vệ môi trường và các đạo luật có liên quan mà trong trường hợp có sự chồng lấn, mâu thuẫn giữa các quy định trong Luật Bảo vệ môi trường (hoặc các văn bản hướng dẫn luật này) với các quy định trong các đạo luật khác (hoặc các văn bản hướng dẫn các đạo luật này) thì việc chọn quy phạm nào để áp dụng cho hợp lý có khá nhiều lúng túng, vướng mắc. Yêu cầu đặt ra là:
+ Rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật bảo vệ môi trường 2005 theo hướng mở rộng hơn về phạm vi điều chỉnh. Rà soát, sửa đổi các quy định về chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp trách nhiệm của các cơ quan quản lý môi trường cấp trung ương và địa phương; bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường các lưu vực sông, làng nghề, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; môi trường nôn thôn, miền núi, biển và hải đảo; các quy định về quản lý chất thải, phế liệu, sản phẩm thải bỏ; hoàn thiện các công cụ kinh tế và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; xem xét việc luật hóa các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu.
+ Cần bổ sung các quy định về sự tham gia của cộng đồng, cung cấp và phổ biến thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường nước vào các văn bản dưới Luật, hướng dẫn thi hành Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
+ Cần xem xét, bổ sung các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể đối với công tác điều tra, thống kê và đánh giá nguồn thải, đặc biệt là nguồn thải tại các lưu vực sông.
+ Tiếp tục rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Xây dựng, ban hành các quy chuẩn cho một số lĩnh vực sản xuất đặc thù và sản xuất làng nghề.
- Quyền được sống trong môi trường trong lành đã trở thành quyền Hiến định trong Hiến pháp hiện hành, và vẫn được tiếp tục thừa nhận, mở rộng trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 và sắp tới là Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 (hiệu lực từ 01/01/2015) nhưng nguyên tắc này vẫn không được ghi nhận thành nguyên tắc riêng mà được thể hiện qua các nguyên tắc khác. Hơn nữa, để bảo vệ
73
quyền được sống trong môi trường trong lành có hiệu quả, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 rất đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các chủ thể khác trong hoạt động bảo vệ môi trường qua đó góp phần phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền được sống trong môi trường trong lành ở nước ta hiện nay dưới góc độ luật định và thực tiễn cho thấy vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ quyền mà mới chỉ ở mức độ ghi nhận và
bảo đảm. Có thể dễ dàng nhận thấy qua thực trạng môi trường nước, đất, không khí…vẫn tiếp tục bị xuống cấp nhanh, với mức độ nghiêm trọng đáng báo động.
+ Chính vì thế cần rà soát, đánh giá lại hiện trạng pháp luật hiện hành, bổ sung, hoàn thiện theo hướng lồng ghép cách tiếp cận quyền con người vào việc hoạch định chính sách và pháp luật có liên quan tới bảo vệ môi trường để triển khai quyền được sống trong môi trường trong lành, trong đó có quyền sử dụng nước sạch của người dân, qua đó sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của Nhà nước thực hiện được đồng thời chức năng bảo vệ và bảo đảm các quyền con người.
+ Nghiên cứu bổ sung và quy định chi tiết trong các văn bản luật và dưới luật về quyền của công dân, các tổ chức xã hội, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng như mật trận, thanh niên, phụ nữ, nông dân… được tham gia vào việc ban hành các quyết định, chính sách có liên quan tới môi trường và giám sát bảo vệ môi trường; quy định cụ thể hơn cả về trình tự, thủ tục liên quan tới quyền của cá nhân, công dân được tiếp cận thông tin về môi trường và trách nhiệm của Nhà nước, doanh nghiệp cung cấp và công khai thông tin, tác hại ảnh hướng đến môi trường; quy định cụ thể về trình tự, thủ tục khởi kiện, trình tự khiếu nại đối với các quyết định, chính sách có tác động đến môi trường; quyền được đền bù thiệt hại, đánh giá tác động, thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường, tác động/ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe, quyền lợi về vật chất, tinh thần của cá nhân, công dân và của cộng đồng dân cư.
- Xây dựng khung pháp lý xử phạt các hành vi xâm hại tài nguyên nước, gây ô nhiễm nguồn nước… Các chế tài hành chính, dân sự được quy định chi tiết, cụ thể tại các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật dân sự năm 2005, Luật
74
xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nghị định 117/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban nhành ngày 31/12/2009 về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường…Nhưng chưa có hành vi nào quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 Chương XVII – Các tội phạm về môi trường bị khởi tố, truy tố, xét xử. Có thể nói các chế tài hình sự trong lĩnh vực bảo vệ môi trường vẫn chỉ nằm trên giấy. Cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn việc thi hành 10 điều luật của Chương XVII Bộ luật Hình sự theo hướng quy định rõ ranh giới rõ ràng giữa trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự. Tuy còn có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cần xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường để đảm bảo tính nghiêm khắc của biện pháp xử phạt, tăng cường tính răn đe, phòng ngừa đối với loại tội phạm này…
- Củng cố khung quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở cấp quốc gia, bao gồm các chính sách và quy định luật pháp liên quan đến bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, các chiến lược quốc gia và kế hoạch thực hiện, khung quy định về các quyền đối với nước, và các quy hoạch lưu vực sông để đưa ra những nguyên tắc phân bổ nước, xác định rõ hơn các quyền của người sử dụng nước thông qua một hệ thống cấp phép.