Tác động của cấu trúc nguồn vốn đến khả năng sinh lợ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VỐN ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỢI TRONG CÁC CÔNG TY KINH DOANH CAO SU NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM (Trang 40 - 45)

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

2.3.1. Tác động của cấu trúc nguồn vốn đến khả năng sinh lợ

Khi nghiên cứu về tác động của CTV đến KNSL của doanh nghiệp, Herciu và Ogrean (2017)) đã tiến hành phân tích cấu trúc của bảng cân đối kế toán và xác định một số mức tối ưu để tăng lợi nhuận cho công ty. ROA và ROE được dùng để

đo lường KNSL và sử dụng chỉ tiêu tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu để phản ánh CTV. Kết quả cho thấy KNSL của công ty có thể được tăng lên bằng cách sử dụng một cấu trúc tối ưu của nợ phải trả, vốn chủ sở hữu.

Birru (2016) nghiên cứu “Tác động của CTV đến hiệu quả tài chính của các ngân hàng thương mại ở Ethiopia” đã dùng chỉ tiêu ROE, ROA để đo lường hiệu quả của tài chính và sử dụng các chỉ tiêu đo lường CTV như: Hệ số nợ trên tài sản, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, hệ số dư nợ tín dụng trên vốn huy động (Loan to Deposit Ratio), quy mô ngân hàng và tài sản hữu hình. Kết quả chỉ ra các chỉ tiêu phản ánh CTV gồm: Hệ số nợ trên tài sản, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu, quy mô ngân hàng và tài sản hữu hình có tác động đến hiệu quả tài chính cả trên chỉ tiêu ROA và ROE. Kết quả cũng cho thấy, hệ số dư nợ tác dụng trên vốn huy động ảnh hưởng không đáng kể đến hiệu quả của tài chính.

ElKelish và Marshall (2007) cũng đã khảo sát “Tác động của CTV và KNSL của các doanh nghiệp tại các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất”. ElKelish và Marshall đã lấy dữ liệu từ các báo cáo tài chính (BCTC) của các công ty thực phẩm chưa niêm yết từ năm 1996 đến năm 2000. Trong bài, ElKelish đã sử dụng mô hình chiết khấu dòng tiền DCF để xác định KNSL của các doanh nghiệp. Kết quả thực nghiệm chỉ ra rằng tỷ số nợ trên vốn chủ sở hữu không có ảnh hưởng đến KNSL của các doanh nghiệp.

Amjed (2007) đã có nghiên cứu thực nghiệm các công ty niêm yết trong ngành dệt may tại Pakistan để tìm ra sự tác động của CTV lên mức sinh lợi. Kết quả cho thấy để giảm bớt chi phí sử dụng vốn thì sử dụng nợ ngắn hạn, nên các công ty sử dụng nhiều nợ ngắn hạn trong CTV thì lợi nhuận sẽ gia tăng. Ngược lại, chi phí sẽ gia tăng khi sử dụng nợ dài hạn kể cả chi phí gián tiếp và trực tiếp, nếu nợ dài hạn cao thì mức sinh lợi doanh nghiệp thu được sẽ thấp.

Abor (2005) nghiên cứu tác động của CTV của 22 công ty trên sàn chứng khoán Ghana trong thời gian 5 năm (1998-2002) đến ROE với phương pháp OLS. Tác giả đã sử dụng các chỉ tiêu DA, LDA, SDA đại diện cho CTV. Kết quả cho thấy DA và SDA cùng tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến ROE còn LDA tác

động đến ROE nhưng không có ý nghĩa thống kê, ngoài các kiến kiểm soát SIZE, Growth cũng có tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến ROE.

Nghiên cứu của Shubita và Alsawalhah (2012) xem xét sự ảnh hưởng của CTV đến KNSL bằng việc kế thừa của Abor (2005) và Gill, Biger và Mathur (2011). Nguồn dữ liệu được sử dụng bao gồm dữ liệu tài chính của 39 công ty hoạt động trong ngành công nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Amman từ 2004 đến 2009. Shubita và Alsawalhah sử dụng phân tích hồi quy để khảo sát mối quan hệ giữa CTV và KNSL được đo bằng ROE. Biến độc lập gồm: Tỷ lệ nợ ngắn hạn/tổng tài sản; Tỷ lệ nợ dài hạn/tổng tài sản; Tỷ lệ tổng nợ/tổng tài sản và biến kiểm soát là SIZE, GROWTH. Kết quả cho thấy có mối quan hệ âm giữa nợ và KNSL. Kết quả này của Shubita và Alsawalhah (2012) đang đối lập với nghiên cứu trước của Abor (2005). Mâu thuẫn này có thể do suy thoái kinh tế ở Jordan làm cho doanh thu của các doanh nghiệp này giảm xuống gây ra vấn đề về dòng tiền vào. Vì thế, các công ty ở Jordan bắt đầu rơi vào nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ. Do đó, việc chủ nợ cần phải xem xét kĩ về dòng tiền, chất lượng, giá trị thị trường và tính ổn định của tài sản, khả năng thanh toán bằng tiền, … thông qua các số liệu hằng năm là rất quan trọng vì điều đó sẽ làm giảm nguy cơ vỡ nợ và hạn chế tổn thất xảy ra trong việc cho vay nợ. Nghiên cứu này được giới hạn trong các mẫu của các công ty công nghiệp sản xuất ở Jordan. Cần nghiên cứu tổng quát các phát hiện ngoài các lĩnh vực sản xuất.

Gill, Biger và Mathur (2011) đã cùng nhau mở rộng nghiên cứu của Abor (2005) bằng việc khảo sát tác động của CTV đến KNSL của các doanh nghiệp ngành dịch vụ và sản xuất ở Mỹ. Kết quả cho thấy, trong các doanh nghiệp khảo sát có tồn tại mối quan hệ thuận chiều giữa nợ ngắn hạns và tổng nợ đến KNSL. Tuy nhiên, do giới hạn mẫu là các công ty dịch vụ và sản xuất của Mỹ nên kết quả chưa thể tổng quát hóa cho các doanh nghiệp ngành ngoài ngành dịch vụ và sản xuất.

Salim và Yadav (2012) nghiên cứu về dữ liệu bảng tại 237 công ty Malaysia niêm yết trên sàn chứng khoán Bursa Malaysia trong những năm 1995 - 2011. Kết quả ROA, ROE tương quan nghịch với nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và tổng nợ.

Chechet và Olayiwola (2014) nghiên cứu tìm hiểu mối quan hệ giữa CTV và KNSL của 70 công ty trong số 245 Công ty được niêm yết trên Sàn Chứng Khoán Nigeri (NSE) trong 10 năm, từ 2000 đến 2009. Dữ liệu bảng trong nghiên cứu được tổng hợp và phân tích bằng cách sử dụng các ảnh hưởng cố định, ảnh hưởng ngẫu nhiên và kiểm định Hausman Chi Square. Kết quả cho thấy sự cân đối nợ cao trong CTV có tác động tiêu cực đến KNSL của doanh nghiệp. Mẫu dữ liệu của nghiên cứu lựa chỉ chọn 70 công ty trong số 245 công ty đã niêm yết nên kết quả phản ánh cho phạm vi chung có thể chưa chính xác.

El-Maude, Ahmad, và Ahmad (2016) nghiên cứu “Tác động của CTV đến các hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp ngành công nghiệp Xi măng ở Nigeria”, nghiên cứu chỉ ra có sự tác động tích cực và có ý nghĩa giữa việc sử dụng nợ với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Kết quả hiệu suất của các công ty trong ngành công nghiệp xi măng không được tối ưu hóa bởi vì các doanh nghiệp không có khả năng sử dụng các khoản nợ trong cơ cấu vốn của họ. Cuối cùng, nghiên cứu đưa ra sự khuyến khích với các công ty trong ngành Xi măng trong việc nên vay nợ dài hạn trong cơ cấu vốn vì có tác động tích cực đến hoạt động tài chính.

Nghiên cứu của Trần Thị Bích Ngọc và Phạm Hồng Trang (2016) cho thấy CTV có tác động ngược chiều và rõ ràng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp; cơ hội tăng trưởng tác động thuận chiều đến ROE, ROA nhưng nghịch chiều đến chỉ số Tobin's Q và quy mô doanh nghiệp cũng có tác động nghịch chiều đến chỉ tiêu hiệu quả hoạt động theo giá trị thị trường.

Phan Thanh Hiệp (2016) nghiên cứu “Ảnh hưởng của CTV đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp ở Việt Nam” cho rằng sự tác động ngược chiều của CTV lên kết quả kinh doanh hay KNSL của doanh nghiệp là rất chắc chắn và có ý nghĩa thống kê cao. Tác giả đã sử dụng cặp biến ROA, ROE đại diện đo lường cho KNSL của doanh nghiệp.

Nguyễn Hữu Huân và Lê Nguyễn Quỳnh Hương (2014) nghiên cứu tác động của CTV và giá trị doanh nghiệp (GTDN) ở 517 doanh nghiệp phi tài chính

niêm yết trên HOSE và HNX vào giai đoạn 2010-2012. Nhóm tác giả nghiên cứu ảnh hưởng của CTV đến GTDN dưới góc độ tiếp cận là ROE, giá trị sổ sách và giá trị của doanh nghiệp. Kết quả có sự tác động âm, tức là ảnh hưởng trái chiều của CTV với GTDN.

Ths. Đoàn Ngọc Phúc (2013) nghiên cứu “Tác động của CTV đến hiệu quả hoạt động của 217 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE và HNX trong giai đoạn 2007-2012”. Kết quả thu được LDA có tác động tích cực đến ROA và ROE, SDA và tổng nợ có tác động tiêu cực đồng thời có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp khi đo bằng ROA và ROE. LDA có tác động tích cực, còn DA và SDA tác động tiêu cực, biến GROWTH và SIZE tác động tích cực và có ý nghĩa thống kê đến ROA và ROE.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VỐN ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỢI TRONG CÁC CÔNG TY KINH DOANH CAO SU NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM (Trang 40 - 45)