GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VỐN ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỢI TRONG CÁC CÔNG TY KINH DOANH CAO SU NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM (Trang 26 - 31)

1.1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Cấu trúc vốn (CTV) có vai trò quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Quyết định về CTV có tác động mạnh mẽ đến việc thương thảo, tính cạnh tranh của doanh nghiệp, thỏa mãn các yêu cầu của nhà đầu tư cũng như việc tối đa hóa giá trị và khả năng sinh lợi (KNSL) của doanh nghiệp. Cơ cấu vốn và sử dụng vốn hiệu quả luôn là mục tiêu then chốt trong kế hoạch tài chính của mỗi doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn khác nhau thì cấu trúc về vốn sẽ khác nhau. Cơ cấu vốn và sử dụng vốn hiệu quả luôn là mục tiêu then chốt trong kế hoạch tài chính của mỗi doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sử dụng các nguồn vốn khác nhau thì cấu trúc về vốn sẽ khác nhau. Tuy nhiên, để đạt được mức lợi nhuận đặt ra thì doanh nghiệp cũng phải đầu tư một lượng vốn nhất định. Có thể nói CTV tác động lớn đến KNSL của các doanh nghiệp. Từ trước đến nay đã có các công trình nghiên cứu cả về lý thuyết lẫn thực nghiệm về tác động của CTV đến KNSL của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù của nền kinh tế, các lĩnh vực kinh doanh khác nhau mà tác động từ CTV đến KNSL của các doanh nghiệp sẽ khác nhau.

Các nghiên cứu thực nghiệm về KNSL chủ yếu tập trung vào phân tích ảnh hưởng của CTV đến hiệu quả, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, các chỉ tiêu ảnh hưởng đến KNSL…. Nghiên cứu tác động của CTV đến KNSL của các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam có ý nghĩa về học thuật lẫn thực tiễn. Thứ nhất, về học thuật, nghiên cứu đã làm rõ được mối quan hệ giữa CTV và KNSL của các công ty và cụ thể tại các công ty kinh doanh cao su. Thứ hai, về thực tiễn, nghiên cứu đã nêu được các hàm ý quan trọng về quản trị công ty cho các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý về kinh doanh cao su nhằm tăng hiệu quả của thị trường, đồng thời giúp các nhà đầu tư nghiên cứu, đánh giá và phân tích trước khi có kế hoạch đầu tư.

Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao su hiện đang là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của nước ta, cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với nhiều biến động từ tình hình thế giới, ngành cao su đang gặp nhiều khó khăn và thách thức. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Đề án 899). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 419/QĐ-TTg ngày 05/4/2017 về Chương trình quốc gia để giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất và suy thoái rừng, theo đó, cao su là 1 trong 4 nông sản đưa vào để thí điểm mô hình phát triển bền vững này. Hiện nay, ngành Cao su nước ta đang đứng vị trí thứ 3 trên thế giới về sản lượng cũng như xuất khẩu cao su thiên nhiên, gần 1,1 triệu tấn trên diện tích gần 1 triệu ha. Nhiều doanh nghiệp cao su đã và đang phấn đấu vươn lên với nhiều cải tiến về kỹ thuật được áp dụng rộng rãi của các nhà nghiên cứu trong nước, ngành cao su của ta gần như đang dẫn đầu thế giới về năng suất mủ cao su với bình quân 1,6 đến 1,7 tấn/ha trên một năm. Ngành cao su đứng thứ 7 trong 10 ngành có giá trị xuất khẩu cao nhất nước ta và đứng thứ 4 thế giới về số lượng xuất khẩu. Giá cao su được dự báo tăng khoảng 18% trong năm 2016. Đây chính là yếu tố thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành cao su Việt Nam trong việc khai thác và mở rộng thị trường.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp kinh doanh cao su vẫn phải đối diện với những khó khăn đặc thù của mình. Thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến năng suất khai thác mủ của cây cao su nhưng mấy năm gần đây thời tiết diễn biến thất thường làm cho ngành cao su gặp nhiều khó khăn. Sản lượng khai thác cao su thiên nhiên của nước ta so với các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia... còn chênh lệch khá xa do đó các doanh nghiệp hiện không thể chủ động về giá. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu lại phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc với trên 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Do đó, doanh thu của ngành cao su trong nước sẽ chịu ảnh hưởng về các chính sách vĩ mô và vi mô từ các biến động của thị trường.

Nghiên cứu về tác động của CTV sẽ giúp các doanh nghiệp tìm được một hướng đi hợp lý trong việc tái CTV. Trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về tác động của CTV tới KNSL của các doanh nghiệp, song nghiên cứu riêng về tác động của CTV tới KNSL ở các công ty kinh doanh cao su niêm yết tại Việt Nam trong thời gian gần đây thì chưa có.

Với các lý do nêu trên, tác giả chọn đề tài “Phân tích tác động của cấu trúc vốn đến khả năng sinh lợi trong các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam”.

1.2. Mục tiêu nghiên cứu

1.2.1. Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu nghiên cứu hướng tới việc đánh giá mức độ cũng như chiều hướng tác động của CTV đến KNSL của các công ty kinh doanh cao su niêm yết trên các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, luận văn đề xuất các kiến nghị hữu ích cho các nhà quản trị công ty trong việc xây dựng cơ cấu vốn tối ưu nhằm nâng cao KNSL cho các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam.

1.2.2. Mục tiêu cụ thể

Với vấn đề nghiên cứu đã đặt ra, các mục tiêu nghiên cứu cụ thể được xác định như sau:

- Nhận diện về CTV, KNSL và tác động của CTV đến KNSL;

- Phân tích mức độ tác động của CTV đến KNSL tại các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam.

- Phân tích các cơ sở để đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng một CTV hợp lý để nâng cao KNSL trong các công ty kinh doanh cao su niêm yết Việt Nam.

1.3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

1.3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là tác động của CTV đến KNSL tại các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam.

1.3.2. Phạm vi nghiên cứu

- Phạm vi nghiên cứu về nội dung: Nghiên cứu tập trung 02 nội dung:

+ Các lý thuyết liên quan đến CTV, KNSL của doanh nghiệp;

+ Xác định tác động của CTV đến KNSL trong các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam.

- Về mặt không gian: Nghiên cứu 18 công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam;

- Về mặt thời thời gian: Giới hạn nghiên cứu trong thời gian 5 năm, từ năm 2015 đến năm 2019.

1.4. Câu hỏi nghiên cứu

Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đầu ra, luận văn hướng tới trả lời các câu hỏi sau:

Câu hỏi tổng quát:

CTV tác động như thế nào đến KNSL của các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam?

Câu hỏi cụ thể:

- Hiểu thế nào về bản chất của CTV đến KNSL?

- CTV có tác động như thế nào đến KNSL trong các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam? (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- Ngoài CTV còn có những nhân tố nào ảnh hưởng đến KNSL của các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam?

- Hàm ý kết quả của nghiên cứu là gì? Các công ty kinh doanh cao su và các chủ thể có liên quan cần lưu ý những vấn đề gì khi đưa ra chính sách có liên quan tới KNSL cho công ty?

1.5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài nghiên cứu

- Ý nghĩa khoa học: Luận văn đã hệ thống hóa và phân tích cụ thể hóa lý luận về CTV, KNSL và tác động của CTV đến KNSL trong các doanh nghiệp. Do đó, kết quả của đề tài sẽ có đóng góp vào việc hoàn thiện lý thuyết về CTV, kiểm định mô hình CTV ảnh hưởng đến KNSL. Nghiên cứu bổ sung phương pháp luận để đánh

giá về CTV và KNSL.

- Ý nghĩa thực tiễn: Luận văn tiến hành phân tích tác động của CTV đến KNSL của các công ty kinh doanh cao su niêm yết. Từ đó có thể giúp các nhà quản trị trong các công ty kinh doanh cao su, các nhà khoa học, lãnh đạo các công ty hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan về lĩnh vực tài chính tìm hiểu về tác động CTV ảnh hưởng đến KNSL. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị đối với các công ty cao su đang niêm yết tại Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng như phân tích kiểm định hồi quy gộp, FEM, REM, kiểm định Hausman... Đồng thời luận văn này có thể làm tài liệu tham khảo cho các em sinh viên trong lĩnh vực kế toán, tài chính và cho những ai muốn tìm hiểu về tác động của CTV ảnh hưởng đến KNSL của doanh nghiệp.

1.6. Kết cấu của đề tài

Với tên gọi “Phân tích tác động của cấu trúc vốn đến khả năng sinh lợi trong các công ty kinh doanh cao su niêm yết ở Việt Nam”, ngoài phần mục lục; danh mục từ ngữ viết tắt; danh mục bảng biểu, hình vẽ; kết luận; danh mục tài liệu tham khảo, luận văn bao gồm 5 chương:

Chương 1: Giới thiệu đề tài nghiên cứu. Chương 2: Tổng quan nghiên cứu. Chương 3: Phương pháp nghiên cứu.

Chương 4: Kết quả và thảo luận kết quả nghiên cứu. Chương 5: Kết luận và khuyến nghị.

Chương 2

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: PHÂN TÍCH TÁC ĐỘNG CỦA CẤU TRÚC VỐN ĐẾN KHẢ NĂNG SINH LỢI TRONG CÁC CÔNG TY KINH DOANH CAO SU NIÊM YẾT Ở VIỆT NAM (Trang 26 - 31)