Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tả Gia Khâu nằm chênh vênh trên một ngọn đồi, bên cạnh là thung lũng toàn cỏ và đá, cây cối thưa thớt, lá cây cũng ngả màu vàng úa. Buổi sáng, sương mù bao trùm cả không gian, đem đến cái lạnh thấm thía dù mới chỉ đầu đông. Khi chúng tôi đến, may mắn thay con đường nhỏ men theo một bên vách núi, một bên vực sâu dẫn vào Trường vừa được đổ bê tông theo chương trình nông thôn mới (thành ra cái vất vả cực nhọc khi trời mưa hoặc mù sương đường trơn trượt, hanh khô thì bụi và sóc nảy người chỉ còn nghe lại qua lời kể của các thầy cô giáo và các em học sinh). Khung cảnh hoang sơ ấy phần nào cho chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt của vùng đất Tả Gia Khâu đầy nắng gió, quanh năm khô hạn.
Trường có 8 lớp học, tổng số 199 học sinh thuộc các dân tộc Phù Lá, Thu Lao, Tu Dí, trong đó có 177 học sinh ở nội trú, đến từ 12 điểm thôn trong xã. Khu lớp học hiện tại mới chỉ đủ cho 6 lớp, còn hai lớp vừa được dựng tạm, mái lợp Fibro xi măng, tường
lớp được quây bằng bạt. Nhìn cảnh thầy trò trong lớp học đơn sơ ấy mà thương biết bao cho những người thầy, người cô vượt khó để “trồng người” nơi biên giới; cũng thương biết bao những đứa trẻ vùng cao nghèo khó, để đến được với tri thức phải trải qua bao nhọc nhằn. Lại nghĩ về những đứa trẻ ở thành phố, trường lớp to đẹp khang trang mà nhiều khi vẫn than thở kêu khổ.
Thầy giáo Sền Quang Hợp, Hiệu trưởng Nhà trường đã có 11 năm gắn bó với ngôi trường vùng biên cương này chia sẻ: đây là địa bàn vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, phần lớn gia đình học sinh kinh tế thuộc hộ nghèo, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo dụ dỗ không muốn cho con em họ đi học; học sinh là nữ thường bị ép lấy chồng sớm; thêm vào đó là điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đi lại không thuận tiện... Đấy là muôn vàn khó khăn mà các thầy cô giáo của Trường phải đối mặt để học sinh của mình được đến lớp.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Tả Gia Khâu Lù Phủ Hương: Những năm trước xã chỉ vận động được khoảng 50% học sinh đến trường học; sau dịp nghỉ lễ tết, nhiều học sinh thường nghỉ luôn không đến trường nữa. 2, 3 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của huyện, sự hảo tâm giúp đỡ của các nhà tài trợ giúp đỡ cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện đáng kể, ý thức đến trường của học sinh tốt hẳn lên. Hiện tại đã có tới hơn 95% học sinh đến trường học tập.
Trường có 21 cán bộ, giáo viên, nhân viên, đa số còn trẻ, tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người. Tất cả các thầy cô đều ở tại trường, cuối tuần