Trường Đại học Luật Hà Nội, ‘Giáo trình lý luận nhà nước và pháp luật’, Nxb Công an nhân dân, 2009 trang 72.

Một phần của tài liệu Lý thuyết rút gọn Pháp Luật Đại Cương (Trang 25 - 28)

Trước hết, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, thông qua đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, pháp luật được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, các biện pháp khác như thuyết phục, giáo dục, nêu gương, phê phán, khen thưởng cũng được nhà nước sử dụng để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước để đảm bảo cho pháp luật được thực hiện.

Cưỡng chế nhà nước là một tính chất cơ bản của pháp luật nói chung. Nhờ có tính cưỡng chế nhà nước, pháp luật trở nên có sức mạnh và đây cũng là điểm khác cơ bản giữa pháp luật với đạo đức và phong tục, tập quán. Các quy tắc xử sự thuộc về tập quán hoặc nội quy nhà trường, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội… cũng có tính cưỡng chế nhưng sự cưỡng chế đó không mang tính nhà nước, không được thực hiện bởi sức mạnh quyền lực của bộ máy nhà nước.

Trong xã hội, các dân tộc, giai cấp, tầng lớp, tổ chức và cá nhân khác nhau thường có lợi ích khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Vì vậy, khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, luôn có những người không chấp hành nghiêm chỉnh, thậm chí chống lại quy định của pháp luật. Do đó, cưỡng chế trong nhiều trường hợp là khách quan và cần thiết để buộc mọi người phải thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh.

2.4.4. Pháp luật có tính khách quan

Pháp luật chứa đựng trong nó ý chí và lợi ích của giai cấp cầm quyền, điều này cho thấy pháp luật mang tính chủ quan. Tuy nhiên, tính khách quan cũng là một đòi hỏi tất yếu của pháp luật. Pháp luật ra đời và phát triển là do những nguyên nhân khách quan khi xã hội có giai cấp, khi phong tục, tôn giáo, đạo đức không thể phát huy tiếp tục khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội mới. Tính khách quan của pháp luật thể hiện ở chỗ pháp luật phải phản ánh đúng trình độ phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia cũng như những đòi hỏi thực tế khách quan của xã hội. Pháp luật không thể đi quá xa hoặc quá lạc hậu đối với sự phát triển của xã hội. Ví dụ pháp luật chủ nô và phong kiến không có những quy định về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, an ninh mạng máy tính, mang thay hộ hay chuyển đổi giới tính như nội dung pháp luật hiện nay ở các nước. Trên thực tế đã có nhiều quy định đã được ban hành mà vẫn không thể thực thi, thậm chí không ai biết đến, vì nhu cầu khách quan của xã hội chưa đòi hỏi việc hình thành những quy phạm pháp luật đó. Ngoài ra, pháp luật khách quan còn phải phù hợp với những quy tắc xử sự chung phổ biến khác trong xã hội như đạo đức, phong tục, tôn giáo…

2.4.5. Pháp luật có tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức.

Pháp luật phải được thể hiện dưới hình thức xác định có thể thành văn hoặc không thành văn bao gồm tập quán pháp, tiền lệ pháp, tôn giáo pháp hoặc văn bản quy phạm pháp luật.

Pháp luật có được đặc trưng này vì một trong những yêu cầu quan trọng của pháp luật là phải đảm bảo sự chính xác, thống nhất về nội dung tạo thành một khung pháp lý chuẩn để áp dụng chung cho toàn xã hội.

2.5. Chức năng của pháp luật

Pháp luật có ba chức năng chủ yếu:

Chức năng điều chỉnh

Chức năng điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội thông qua việc điều chỉnh hành vi (cách xử sự, cách cư xử của con người) được thể hiện qua hai hướng chính: một mặt

pháp luật ghi nhận các quan hệ xã hội cơ bản, quan trọng và phổ biến; mặt khác pháp luật hướng cho các quan hệ xã hội đó phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị và của xã hội. Chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội của pháp luật thể hiện ở bộ phận quy đinh của quy phạm pháp luật thông qua các hình thức như cho phép, ngăn cấm, bắt buộc hoặc gợi ý việc thực hiện một hành vi nào đó. Nhờ vào chức năng điều chỉnh của pháp luật mà các quan hệ xã hội được trật tự hoá, đi vào nề nếp.

Chức năng bảo vệ

Pháp luật bảo vệ các quan hệ xã hội đã được pháp luật điều chỉnh. Khi có hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh thì người có hành vi vi phạm đó sẽ bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế được quy định trong bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật, nhằm phục hồi lại quan hệ xã hội đã bị xâm phạm.

2.5.3. Chức năng giáo dục

Chức năng này của pháp luật được thực hiện thông qua sự tác động của pháp luật vào ý thức con người, làm cho con người hình thành ý thức pháp luật, từ đó hành động phù hợp với cách xử sự ghi trong quy phạm pháp luật.

2.6.Các kiểu pháp luật

Kiểu pháp luật là tổng thể những dấu hiệu cơ bản, đặc thù của pháp luật, thể hiện bản chất giai cấp và những điều kiện tồn tại, phát triển của pháp luật trong một hình thái kinh tế - xã hội nhất định.

Pháp luật là một bộ phận quan trọng của kiến trúc thượng tầng. Bản chất, nội dung của pháp luật do cơ sở kinh tế - xã hội quyết định. Vì vậy, để phân loại các kiểu pháp luật trong lịch sử cần dựa vào hai tiêu chuẩn: thứ nhất, pháp luật ấy ra đời, tồn tại trên cơ sở kinh tế nào, do quan hệ sản xuất nào quyết định; thứ hai, pháp luật ấy thể hiện ý chí của giai cấp nào và để bảo vệ, củng cố lợi ích của giai cấp nào.

Vì vậy, tương ứng với các hình thái kinh tế - xã hội có giai cấp và có nhà nước thì có các kiểu pháp luật sau:

- Hình thái kinh tế - xã hội chiếm hữu nô lệ, có kiểu pháp luật chủ nô;

- Hình thái kinh tế - xã hội phong kiến, có kiểu pháp luật phong kiến;

- Hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, có kiểu pháp luật tư sản;

- Hình thái kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa, có kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa. Kiểu pháp luật chủ nô, phong kiến, tư sản tuy có những đặc điểm riêng, song vẫn có những đặc điểm chung là đều nhằm củng cố và bảo vệ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, bảo đảm sự thống trị của thiểu số đối với đa số quần chúng nhân dân lao động. Kiểu pháp luật xã hội chủ nghĩa đang hình thành, phát triển với mục đích từng bước xây dựng một chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu.

Cơ sở của sự thay thế các kiểu pháp luật là do sự vận động, phát triển khách quan của các quy luật kinh tế - xã hội, trong đó quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất có tính quyết định. Sự thay thế hình thái kinh tế - xã hội dẫn đến sự thay thế các kiểu nhà nước và kiểu pháp luật tương ứng.

Câu hỏi 1. Nhà nước là gì? Pháp luật là gì?

Một phần của tài liệu Lý thuyết rút gọn Pháp Luật Đại Cương (Trang 25 - 28)