7. Cấu trúc của luận văn
3.2.4. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế đòi hỏi có sự giao tiếp rộng và trực tiếp hơn đối với khách hàng. Hiệu quả kinh doanh du lịch phụ thuộc rất lớn vào phong cách, thái độ giao tiếp và trình độ nghiệp vụ của nhân viên. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Tiền Giang cho thấy chất lượng phát triển nguồn nhân lực của ngành trong thời gian qua còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là một đòi hỏi khách quan và cấp thiết, là một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch tỉnh Tiền Giang. Để đáp ứng được yêu cầu này, các biện pháp cần thực hiện chủ yếu là:
- Tiến hành điều tra đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, nhân viên trong toàn ngành du lịch về cả số lượng lẫn chất lượng. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm đáp ứng cho yêu cầu phát triển.
- Phối hợp với các trường đại học, trường nghiệp vụ du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo bồi dưỡng lực lượng lao động du lịch. Ngoài việc đào tạo trung, dài hạn và đào tạo lại đối với các cán bộ trong ngành thì cần có giải pháp lâu dài đó là chính sách ưu đãi thu hút lao động để có một lực lượng lao động giỏi, có trình độ năng lực chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ mới và thích ứng với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt trong hoạt động du lịch.
- Khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện việc đào tạo, đào tạo lại cho đội ngũ nhân viên và khuyến khích các doanh nghiệp đưa vào áp dụng hệ thống “tiêu chuẩn nghiệp vụ”.
- Tranh thủ từ các dự án hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục du lịch cũng như các tổ chức, các dự án quốc tế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức về du lịch.
- Tiến hành liên kết hợp tác và trao đổi kinh nghiệm, nghiệp vụ với các tỉnh thành khác bằng cách tham quan khảo sát, trao đổi công tác, liên kết thực hiện các chương trình du lịch.
- Tạo điều kiện cho các cán bộ quản lý ngành và lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia các hội nghị, hội thảo về du lịch trong nước cũng như nước ngoài. Việc làm này nhằm tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển du lịch, cũng như quan điểm, chiến lược phát triển du lịch hiện đại của thế giới.
- Triển khai chương trình giáo dục du lịch toàn dân: thông tin, giáo dục trong nhân dân, cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức về hoạt động du lịch và làm du lịch, tinh thần tự hào dân tộc, lòng hiếu khách, sự tôn trọng, cởi mở và thân thiện đối với du khách.
- Hiệp hội du lịch tỉnh Tiền Giang cần phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp tổ chức các khóa tập huấn về kỹ năng kinh doanh du lịch cho người dân tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch.
- Ngoài nhiệm vụ đào tạo nghiệp vụ, các chương trình nhận thức du lịch cũng cần được lồng ghép vào chương trình ngoại khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông tại địa phương nhằm tạo sự chuẩn bị bước đầu cho sự tham gia của các thế hệ tương lai trong hoạt động du lịch.