Quá trình phát triển

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ THÀNH - LUẬN VĂN (Trang 48 - 51)

6. Bố cục luận văn và vấn đề cần giải quyết

2.2.3 Quá trình phát triển

2.2.3.1 Giai đoạn trước năm 1946

Vào thời gian này, nghề làm nón được người dân học hỏi từ xứ Kinh kỳ và mang về truyền cho nhau, cùng nhau tạo ra những sản phẩm đẹp và hữu dụng để dùng hoặc bán cho tầng lớp thượng lưu và người dân các vùng lân cận nhằm kiếm thêm thu nhập, phục vụ các nhu cầu cuộc sống hàng ngày. Lúc này, hầu hết người dân trong vùng đều làm nón. Chiếc nón Ba Giang thuở sơ khai được bịt bằng lá cọ gọi là nón Bịt hay nón Quai thao ở Bắc Bộ. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng loại nón này, người dân thấy nó quá nặng nên đã chuyển sang làm nón Kinh hay còn gọi là nón chóp nhọn. Lúc này, nghề làm nón ngoài nhiệm vụ là nghề phụ để kiếm thêm thu nhập cho

người dân còn đóng vai trò rất lớn trong cuộc kháng chiến dành độc lập thống nhất đất nước của nhân dân ta thời bấy giờ. Thật vậy, vì có thể tập trung lại cùng ngồi làm nón với nhau nên các chiến sĩ bộ đội có thể hoạt động cách mạng ngầm như trao đổi thông tin, bàn bạc kế hoạch kháng chiến,… một cách khá thuận lợi. Ngoài ra, việc vận chuyển nón từ vùng này sang vùng khác để bán buôn cũng là một trong những cách hợp thức hóa việc liên lạc của các chiến sĩ với nhau.

2.2.3.2 Giai đoạn kháng chiến chống Pháp (1946 – 1954) và kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975)

Trong suốt hai giai đoạn này, nghề nón vẫn tiếp tục phát triển ở xã Phù Việt. Ngoài chiến trường, thanh niên trai tráng tích cực tham gia chiến đấu còn ở chốn hậu phương, người già, trẻ nhỏ và chị em phụ nữ chân yếu tay mềm vẫn tiếp tục làm nón.

Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, miền Nam vẫn tiếp tục sống với mưa bom bão đạn, miền Bắc đã đi vào xây dựng kinh tế mới, tất cả người dân xã Phù Việt, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đều làm nón, tất cả các nhà đều làm nón, không bỏ sót một nhà nào. Nghề làm nón lá phát triển rất mạnh vào thời gian này. Nhà nhà làm nón, người người làm nón; chiếc nón có độ bao phủ rộng khắp; từ đầu làng đến cuối xóm; từ trong nhà ra ngoài ngõ. Nón theo chân người dân Hà Tĩnh trên khắp mọi nẻo đường, từ ra ruộng cấy cày, đến họp hành, biểu diễn văn nghệ,… Nam nữ yêu nhau, hẹn hò nhau, tặng quà cho nhau cũng qua chiếc nón. Người dân Phù Việt làm nón mọi lúc, mọi nơi. Quả vậy, sáng, trưa, chiều, tối, thậm chí cả đêm hôm khuya khoắt họ cũng cố thức làm nón cho kịp phiên chợ sáng sớm ngày mai. Ở đâu họ cũng có thể làm nón, người dân làm nón ở nhà mình hoặc tập trung lại cùng làm với nhau ở nhà một người trong nhóm, ở bên giếng làng hay thậm chí là trên những con đường thôn quê tỏa rợp bóng mát dẫn vào các thôn xóm,... Thậm chí, ngay lúc đi họp, chủ tọa đang nói phía trên nhưng người dân vẫn miệt

mài làm nón phía dưới. Đây được nhận định là thời kỳ huy hoàng của nón lá Ba Giang.

2.2.3.3 Giai đoạn 1975 – 1986

Đây là giai đoạn chiến tranh vừa kết thúc, Việt Nam thống nhất hai miền đồng thời cũng là giai đoạn bao cấp, trước thềm Đổi mới. Trong giai đoạn này, nghề làm nón lá ở làng nón Ba Giang vẫn tiếp tục phát triển nhưng không còn mang tính chất tự phát nữa mà các hợp tác xã với lối làm việc tập thể đã được hình thành, người thợ thủ công cùng nhau lao động, cùng nhau sản xuất và hưởng thành quả như các ngành nghề khác. Nguyên liệu làm nón được hợp tác xã cấp phát cho các hộ. Sau khi làm xong, sản phẩm làm ra cũng được hợp tác xã nhận nhiệm vụ bao tiêu.

2.2.3.4 Giai đoạn 1986 – nay

Ở thời kỳ Đổi mới này, nghề làm nón đã có sự thay đổi, chuyển từ hình thức hợp tác xã sang các tổ sản xuất, song song với nó là hình thức hoạt động cá nhân, theo hộ gia đình. Chiếc nón lúc này được chăm chút kỹ lưỡng hơn về nguyên liệu, kỹ thuật cũng như hình thức. Cụ thể là việc thay thế lá cọ bằng lá tơi, lá dừa để nón có độ bóng đẹp hơn. Ngoài ra, lớp giữa của chiếc nón trước đây được lót bằng mo cau thì nay được thay bằng một lớp lá nón già hơn để tránh sự cồng kềnh và giảm thiểu độ nặng của chiếc nón. Rồi từ việc may nón bằng dây móc – được làm từ một loại cây lấy từ rừng giống như cây đùng đình – chuyển sang tơ sợi khá tốn kém thì hiện nay người dân đã chuyển hẳn sang dùng sợi chỉ trắng giống như sợi cước để may nón. Sở dĩ họ chọn loại chỉ này không chỉ vì độ bền mà còn vì giá thành của nó rẻ hơn các loại trước khá nhiều. Ngoài ra, bên trong và ngoài chiếc nón còn được trang trí bằng nhiều họa tiết, hoa văn sống động thể hiện qua kỹ thuật thêu, trổ, dán,… tài tình của bàn tay người nghệ nhân. Qua đó, những bông hoa, hình ảnh những cô gái trong tà áo dài tha thướt hay các bài thơ tình hiện lên thật sống động.

Tuy nhiên, điều đáng nói trong thời kỳ này là nếu như lúc trước, cả làng cùng đồng lòng đoàn kết làm nón, coi nghề nón như một phần máu thịt của mình thì hiện nay số hộ trong làng còn làm nón đã giảm đi đáng kể, hầu như chỉ có phụ nữ và người già là còn gắn bó với nghề. Chi tiết sẽ được trình bày ở mục 2.3 Tình hình hoạt động của làng nón Ba Giang

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ THÀNH - LUẬN VĂN (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w