Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ THÀNH - LUẬN VĂN (Trang 81 - 83)

6. Bố cục luận văn và vấn đề cần giải quyết

3.2.3 Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm

Thị trường tiêu thụ sản phẩm là một trong những vấn đề nan giải nhất của làng nghề nón lá Ba Giang hiện nay. Quả vậy, một làng nghề muốn tồn tại, duy trì và phát triển được thì sản phẩm của nó nhất thiết phải có người sử dụng, phải bán được; có như thế mới đảm bảo cho cuộc sống của người dân, mới khiến nền kinh tế địa phương ngày càng phát triển. Chẳng ai muốn đầu tư thời gian, công sức, tiền của vào một sản phẩm mà không có người mua. Vậy phải làm gì khi nón lá nói chung và nón lá Ba Giang nói riêng đang ngày càng ít người sử dụng? Câu trả lời chính là phải đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp

với nhiều dạng thị trường, đối tượng khác nhau và phải tăng cường hơn nữa công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm [xem hình 19, 20, 21, 22, phụ lục 2.4].

Thật vậy, bên cạnh mục đích chính là sử dụng cho người nông dân trên đồng ruộng, cho tất cả mọi người để che nắng che mưa; sản phẩm nón lá Ba Giang muốn được tiêu thụ rộng rãi hơn, có thể thu hút được khách du lịch và phù hợp với nhiều đối tượng và môi trường sử dụng khác nhau thì đội ngũ nghệ nhân cũng như chính quyền các cấp phải thực hiện đa dạng hóa sản phẩm. Các nghệ nhân cần phải sáng tạo ra nhiều hơn nữa các chủng loại, kiểu dáng nón lá; các hoa văn, họa tiết trang trí phải sinh động hơn, ý nghĩa hơn và đặc biệt là phải lưu dấu ấn của quê hương Hà Tĩnh. Cụ thể như sản phẩm dành cho khách du lịch có thể có nhiều kích cỡ lớn bé khác nhau để phù hợp cho cả người lớn lẫn trẻ em, không nhất thiết phải đủ 16 vành như hiện nay; có thể làm những chiếc nón nhỏ xinh bằng nắm đấm tay lồng vào nhau từ 3 đến 5 cái để treo trang trí nhà cửa; hoặc có thể phối kết hợp với làng nghề làm gốm để làm những chiếc nón nhỏ đội đầu cho các cô gái mặc áo dài bằng truyền thống bằng gốm là đồ lưu niệm; nón lá có thể dùng làm “bình” cắm hoa khô để du khách mua làm quà tặng người thân khi đến với mảnh đất Hà Tĩnh; hoặc nón lá cũng có thể làm thật tinh xảo thành một hay nhiều chiếc xoáy vào nhau với hoa văn thể hiện cực kỳ độc đáo nhưng vẫn là biểu tượng của non sông Hà Tĩnh và đựng trong một chiếc hộp thủy tinh hình vuông, hình chữ nhật,… Hoa văn trang trí nên đưa hình ảnh dòng sông La, cầu Bến Thủy, chùa Hương Tích, tháp Chuông ở Ngã Ba Đồng Lộc,… nón bán tại địa điểm du lịch nào sẽ mang những hình ảnh của địa điểm du lịch đó hoặc nhất thiết phải là hình ảnh biểu tượng cho non nước Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, có thể mở thêm dịch vụ thêu tên du khách lên nón ngay tại các địa điểm du lịch trong tỉnh hoặc tại làng nghề gắn với hình thức du lịch làng nghề.

Ngoài ra, nón lá còn có thể được sử dụng làm đạo cụ cho sân khấu kịch, cho những bộ phim điện ảnh hay truyền hình,… tùy vào từng bối cảnh lịch sử,

nghệ nhân sẽ cho ra đời từng loại nón lá phù hợp. Tuy nhiên, thị trường này có chỉ có thể dừng lại ở các sân khấu trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Thị trường tiêu thụ nón lá Ba Giang không chỉ cần được mở rộng theo lát cắt ngang như với ngành du lịch, ngành sân khấu – điện ảnh,… mà còn cần mở rộng ra các tỉnh thành khác, tạo ra được thương hiệu cũng như nét đặc sắc riêng của mình để có thể cạnh tranh với nón lá của các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như nón bài thơ – Huế hay nón Chuông – Hà Nội.

Về công tác quảng bá hình ảnh nón lá Ba Giang, các cấp ban ngành từ tỉnh đến huyện mà đặc biệt là xã Phù Việt cần gắn chặt hình ảnh chiếc nón lá Ba Giang với các hoạt động văn hóa, du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, các nghệ nhân có thể thêu thêm chữ Ba Giang vào nón như là một dấu ấn riêng của làng nghề. Ngoài ra, cần tạo điều kiện để người nghệ nhân tham gia các hội chợ làng nghề, hội chợ hàng tiêu dùng,... để giao lưu với các làng nghề khác nhằm học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và để quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Tóm lại, làng nghề truyền thống nhất quyết phải dựa vào nhu cầu thị trường, vào khả năng thâm nhập, chiếm lĩnh, mở rộng thị trường của ngành nghề đó.

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ THÀNH - LUẬN VĂN (Trang 81 - 83)