Những khó khăn và thách thức

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ THÀNH - LUẬN VĂN (Trang 77 - 80)

6. Bố cục luận văn và vấn đề cần giải quyết

3.1.2 Những khó khăn và thách thức

Nhìn vào thực trạng làng nón Ba Giang hiện nay, với tổng số hộ là 1.058 nhưng chỉ có khoảng 144 hộ còn làm nón, có thể thấy một thực tế đáng báo động về sự mai một và mất dần đi của một làng nghề làm nón truyền thống từ bao đời nay. Dẫn đến tình trạng này có thể kể đến rất nhiều nguyên nhân cũng chính là những bất lợi trong phát triển làng nghề.

Đó là do nhu cầu sử dụng nón lá càng ngày càng ít đi. Thật vậy, các loại mũ nón thời trang với đủ kiểu dáng và chất liệu ra đời đã thu hút được sự tin dùng của đại bộ phận người dân, đặc biệt là giới trẻ. Những mặt hàng này không những tiện dụng, hợp thời trang mà còn giúp họ thể hiện cá tính của chính mình. So với những chiếc nón lá cứng cáp, cồng kềnh; những chiếc mũ lưỡi trai cá tính, những chiếc mũ rộng vành xinh xắn, duyên dáng,… có thể gấp nhỏ để cho vào ba lô, túi xách dường như là một giải pháp thiết thực hơn

cho người sử dụng. Trẻ con có những kiểu dáng cho trẻ con, người lớn có kiểu dáng của người lớn; học sinh, sinh viên hay người đi làm đều có những kiểu dáng mũ phù hợp với riêng mình. Nón lá trở nên lỗi thời.

Thêm vào đó, từ khi có quyết định của Chính phủ về việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy; nhu cầu sử dụng nón lá ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, trong khi nón lá gắn bó mật thiết với người nông dân thì hiện nay, xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho các ngành nông nghiệp giảm xuống, các ngành công nghiệp, thương nghiệp tăng lên khiến cho người nông dân bỏ ruộng bỏ cày để vào các khu công nghiệp hoặc để kinh doanh buôn bán càng tăng. Nón lá vì thế cũng giảm. Hơn nữa, việc xã hội ngày càng hiện đại cũng kéo theo một lượng lớn người dân sử dụng ô tô khiến cho nón lá không được phát huy tác dụng.

Việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm cũng như phát triển du lịch làng nghề còn yếu kém. Đây một phần là nhược điểm, yếu kém của các làng nghề, một phần là khuyết điểm của các công ty du lịch. Việc sản xuất của làng nghề còn khá xa rời với kinh doanh. Quả vậy, nón lá Ba Giang mạnh ai nấy làm, chỉ chú trọng vào sản xuất mà không chú ý nhiều đến kinh doanh nên ít nhiều đã ảnh hưởng tới sự cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường của sản phẩm.

Mặc dù đã có các dự án như Dự án phát triển nông thôn Hà Tĩnh, Dự án hạ tầng cơ sở nông thôn dựa vào cộng đồng Hà Tĩnh, Dự án IMPP (Improving market participation of the poor) Hà Tĩnh – Cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo Hà Tĩnh bao gồm nhiều dự án nhỏ sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam cũng như các nhà tài trợ khác; tuy nhiên, Ban ngành các cấp chưa thực sự có những hành động mạnh mẽ, cụ thể và thiết thực trong công tác khôi phục và phát triển làng nón Ba Giang. Ủy ban nhân dân xã Phù Việt chưa có sự đầu tư công sức, tiền của

cũng như trí tuệ của mình vào việc khôi phục và vực dậy ngôi làng làm nón truyền thống này. Bên cạnh đó, nguồn vốn chưa được sử dụng triệt để và chưa phát huy được tác dụng cần thiết.

Thêm vào đó, nguyên liệu làm nón cũng càng ngày càng ít đi. Trước đây người ta có thể vào rừng để hái lá, tìm tre, nứa,… nhưng bây giờ lá trong rừng đã hết, người dân phải mua lá từ nơi khác về. Tre nứa tuy có thể dùng của nhà hoặc mua của các nhà hàng xóm nhưng số lượng hiện nay cũng không còn nhiều.

Một trong số những nguyên nhân khác, đó là thời gian để hoàn thành một chiếc nón khá lâu – một ngày trung bình người thợ làm được một chiếc nón, trong khi sản phẩm làm ra có giá thành quá rẻ so với sản phẩm của các ngành nghề khác. Mặc dù vốn ban đầu ít nhưng một chiếc nón làm ra chỉ thu về được từ khoảng 10.000 đến 60.000 đồng tiền lãi. Trong khi đó, đối với những người làm các nghề như đi giúp việc, thợ xây, phụ hồ, bốc vác, công nhân các nhà máy trong huyện như Viết Hải, Thương Phú, Bình Nguyên,… trung bình một ngày họ thu được từ 100.000 đến 200.000 đồng. Nghề không còn đủ nuôi thợ nên càng có nhiều người chuyển từ nghề làm nón sang nghề sản xuất khác hoặc đi làm công nhân. Còn lớp trẻ lớn lên cũng đi học nghề hay theo học ở các trường Cao đẳng, Đại học và gây dựng sự nghiệp ở thành phố hoặc nếu quay trở lại quê hương thì cũng không muốn gắn bó với nghề nón. Điều đó khiến cho số nghệ nhân trong làng ngày một ít đi và nón lá vì thế cũng giảm.

Nguyên nhân khiến cho nón lá Ba Giang hiện vẫn chưa thể cạnh tranh với nón lá của những làng làm nón khác ở các điểm tham quan du lịch, đó là vì nón Ba Giang còn khá nặng so với nón bài thơ ở Huế. Hơn nữa, hình thức của nón lá Ba Giang chưa được trau chuốt bởi các hoa văn, họa tiết trang trí mang những nét riêng của làng quê mình. Có thể thấy, chủng loại, kiểu dáng

sản phẩm còn kém phong phú. Chất lượng chưa đồng đều. Sản phẩm làm ra còn thiếu sự sáng tạo và chưa mang tính thị trường, phục vụ cho khách du lịch để làm quà lưu niệm.

Một phần của tài liệu NGUYỄN THỊ THÀNH - LUẬN VĂN (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(125 trang)
w