6. Bố cục luận văn và vấn đề cần giải quyết
2.2.4 Nón Ba Giang
2.2.4.1 Quy trình sản xuất a. Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu làm nón gồm có nhiều loại khác nhau tùy vào chất lượng và mục đích sử dụng của chiếc nón. Thông thường, để làm một chiếc nón chóp nhọn, nguyên liệu gồm có những vật dụng cơ bản sau đây:
Thứ nhất là khung để làm nón [xem hình 1, phụ lục 2.1]. Khung nón có thể được làm bằng gỗ hoặc bằng tre nhưng thường là bằng gỗ. Khung có hình chóp theo hình dáng chiếc nón. Từ chóp khung có 8 thanh to kéo xuống tới tận vành khung. Trên các thanh có các khấc nhỏ để giữ các vành nón. Khung được nhập ở những tỉnh thành khác nhau tùy thuộc vào vị trí tỉnh thành mà người làm nón sinh sống để nhập khung ở những vùng gần đấy nhất. Khung ở làng nón Ba Giang thường được lái buôn nhập ở Quảng Bình, sau đó được bán lẻ tại các chợ đầu mối và chợ của các tỉnh, huyện, xã,…
Thứ hai là những cây tre và nứa để làm vành nón. Những cây tre, cây nứa phải được chọn lựa kỹ càng, không sâu, lóng dài, da bóng mượt. Tre nứa được chẻ nhỏ, bỏ mắt, vót nhẵn, đúng chuẩn, nghĩa là vừa đủ độ dẻo để có thể uốn tròn làm vành nón nhưng vẫn giữ được sự chắc chắn cho chiếc nón. Mối nối phải đảm bảo không bị gồ lên, nối như không nối. Càng lên trên chóp nón các vòng nón càng nhỏ dần. Đặc biệt, chỉ với 16 chiếc vành nón nhưng có tới 16 đường kính và 16 kích cỡ thân vành khác nhau. Mỗi chiếc nón sẽ có một vành tre lớn, đường kính khoảng 3mm và một vành nứa dẹt để nức nón.
Thứ ba là lá nón [xem hình 2 và hình 3, phụ lục 2.1]. Lá nón thường gồm 2 loại chính là lá non và lá già, là lá của cây hồ quy diệp được khai thác và vận chuyển từ rừng xuống. Ngoài ra, người ta còn dùng các nguyên liệu khác để làm lớp lót thứ hai của nón thay cho lá già là mo cau hay bìa cứng. Lớp lót ngoài cùng cũng có thể được thay thế lá non bằng lá cọ hay lá dừa, lá tơi,… Đặc biệt, công đoạn chuẩn bị lá nón là công đoạn rất phức tạp, tỉ mỉ, kỳ công và có thể coi là công đoạn quan trọng nhất để quyết định chất lượng của một chiếc nón. Sau khi lá nón được lấy từ trong rừng về và còn xanh, người thợ phải vò lá, đạp lá với cát rồi đem phơi khô. Nếu mùa hè thì chỉ cần phơi lá từ 1 đến 2 nắng, còn mùa đông thì phải phơi từ 3 đến 4 nắng, có khi trời không có nắng thì phải sấy lá bằng bếp củi. Sau đó lại phải phơi sương cho lá có độ ẩm để khỏi bị rách khi dỡ lá, tải lá. Tiếp theo, người thợ tách những lớp lá được phơi dưới nắng đến quăn lại. Sau đó họ chuẩn bị một lưỡi cày sạch đã được hơ nóng trên bếp lửa. Lá nón đã tách sẽ được trải trên lưỡi cày và là phẳng phiu bằng giẻ vải mềm cũng đã được hơ nóng trước. Lá nón sau khi qua rất nhiều công đoạn như trên nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được màu trắng xanh. Khi các lớp lá được là phẳng hết, người thợ sẽ phân thành các loại lá non, lá già; lá đẹp, lá xấu phù hợp với các lớp nón, loại nón.
Cuối cùng, ngoài những dụng cụ cơ bản để làm nón như dao, kéo, lưỡi cày cũ bỏ đi, kim còn có các nguyên liệu là chỉ, sợi cước và các nguyên liệu khác để trang trí nón [xem hình 4, phụ lục 2.1]. Kim để may nón thường có hai loại. Một loại là kim may nón giống như kim thông thường nhưng to và dài hơn, tầm 7cm; loại còn lại là kim lồng nhôi có có kích thước tương tự nhưng có hình cong lưỡi liềm. Nón lá ngày nay thường được may bằng cước. Chỉ trang trí được sử dụng đủ màu nhưng chỉ màu xanh lá và màu đỏ vẫn là thông dụng nhất. Nguyên liệu trang trí nón là những hình hoa hay tranh ảnh đẹp mắt,… Ngoài ra cũng phải kể thêm dầu lái và dây nón làm bằng vải nhung, lụa hoặc các loại vải mềm khác.
b. Kỹ thuật sản xuất
Để làm ra được một chiếc nón đẹp, người nghệ nhân phải thực hiện khá nhiều công đoạn.
Đầu tiên là khoanh vòng. Từng chiếc vòng nón được vót từ những cây nứa và cây tre [xem hình 5, phụ lục 2.2] với kích cỡ khác nhau sẽ được gài cố định vào các khấc nhỏ trên khung nón. Một chiếc nón thông thường có 16 vành.
Công đoạn tiếp theo là rẽ lá lên khung hay còn gọi là quay nón [xem hình 6, phụ lục 2.2]. Đây là công đoạn được cho là khó nhất trong quy trình làm nón, chỉ được thực hiện bởi những người thợ cả hay nghệ nhân của làng nghề. Từng bó lá non với nhiều lớp lá khác nhau được giữ cố định cuống bó trên chóp của khung nón bằng một chiếc kim khâu hoặc vật nhọn. Với bàn tay khéo léo của mình, người nghệ nhân rẽ quạt lớp lá ấy và trải đều khắp mặt khung. Với vài bó lá, mặt khung nón sẽ được che kín. Tiếp đến, lớp lá già sẽ được rải chồng lên. Cuối cùng là lớp lá non mặt ngoài. Tương tự như hai lớp đầu, người thợ chỉ dừng việc rải lá khi lớp lá này phủ kín bề mặt khung. Tuy nhiên, lớp lá cuối này cũng được rải tương tự như hai lớp lá kia nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn, các lớp lá phải đều hơn vì mặt ngoài là mặt gây ấn tượng với người nhìn nhiều nhất. Đối với những chiếc nón làm bằng mo cau và bìa cứng thì sau khi xong lớp thứ nhất, người thợ sẽ thay thế lớp thứ hai bằng cách chèn những tấm bìa cứng hoặc mo cau ấy ở giữa lớp thứ nhất với lớp thứ ba [xem hình 7, phụ lục 2.2]. Việc rải lá nón phải cực kỳ cẩn thận, các lớp lá được rải lớp nọ đè lên lớp kia không được thưa quá, không được dày quá. Nếu dày quá sẽ hao nguyên liệu, giá thành cao, còn nếu thưa quá sẽ bị lộ lớp mo nang, dễ bị bung lá nón và sẽ kém đẹp lại không bền. Sau khi rải lá xong, để giữ cố định, người thợ thủ công dùng một vòng tròn chặn ngoài các lớp lá vừa rải và buộc néo xuống vòng tròn của khuôn.
Công đoạn thứ ba trong quy trình làm nón lá là may nón [xem hình 8, phụ lục 2.2]. Người thợ sẽ giữ cố định lá nón bằng các đường may theo các
vành nón. Đôi bàn tay khéo léo, thoăn thoắt luồn mũi kim lên xuống đều đặn sao cho lỗ khâu thật nhỏ và khít đều đi từ đỉnh nón qua các vòng xuống vành ngoài cùng. Người thợ khéo tay khi khâu nón thường là người có tài khâu lấn chỉ và khéo léo giấu những nốt nối vào trong lòng chiếc nón lá. 16 vành nón sẽ có 16 đường may khác nhau với những mũi kim đều đặn. Đặc biệt, trước khi thực hiện 16 đường may nói trên, người thợ sẽ may một đường phía trên của chóp nón để giữ cố định lá nón thay cho chiếc kim ban đầu. Đường may này cũng được may khác với những đường may còn lại. Vậy, để may một chiếc nón, kể cả 17 đường may kể trên và đường nức vành cuối cùng, người nghệ nhân phải thực hiện tất cả 18 đường may.
Công đoạn thứ tư để làm một chiếc nón lá là nức vành. Sau khi may xong 17 đường may, người thợ sẽ lấy nón ra khỏi khung và cắt lớp lá nón thừa, thực hiện nẹp cố định phần cuối của chiếc nón bằng một vành tre và một thanh nứa nhỏ.
Công đoạn thứ năm là luồn nhôi hay lồng nhôi [xem hình 9, phụ lục 2.2]. Sau khi chiếc nón hoàn thiện về cơ bản, nhôi nón sẽ được lồng đối xứng hai bên vành nón để luồn quai nón. Nhôi được lồng bằng các sợi chỉ màu khác nhau như xanh, đỏ, trắng.
Khi được mua, nón sẽ được phủ dầu lái bên ngoài và phơi vài giờ đồng hồ để đảm bảo độ bền và làm chiếc nón bóng đẹp hơn [xem hình 11, phụ lục 2.2]. Bước cuối cùng là luồn quai nón để đội.
c. Trang trí
Khâu trang trí sẽ được thực hiện song song trong quá trình may nón hoặc khi kết thúc tất cả các công đoạn trong mục Kỹ thuật sản xuất.
Hoa văn, hình ảnh trang trí sẽ được luồn trong quá trình may nón. Người thợ muốn trang trí hoa văn ở đâu sẽ luồn hình ảnh ngay khi may nón tới vị trí đó. Chóp trong chiếc nón và những vành nón trên cùng cũng thường được trang trí bằng những hình hoa và chỉ màu đẹp mắt.
Ngược lại, những hình ảnh cô gái, dòng sông, ngọn núi hay chùa chiền, … lại được thêu cuối cùng ở mặt ngoài của nón khi chiếc nón đã hoàn thiện.
2.2.4.2 Đặc điểm, cấu tạo
Sở dĩ gọi loại nón này là nón chóp nhọn bởi vì nón có hình chóp và nhọn ở đỉnh nón. Nón thường được làm bằng các loại lá khác nhau như lá cọ, lá tơi, lá dừa, lá hồ, lá du quy diệp chuyên làm nón… Một chiếc nón thông thường gồm 3 lớp lá. Lớp trong và ngoài cùng làm bằng lá non, lớp giữa làm bằng lá già, một số hộ còn làm bằng mo cau hay giấy bìa cứng.
Lá nón được bọc ngoài một bộ khung gồm các nan tre nhỏ uốn thành vòng tròn. Thường có 16 vòng xếp thành 16 tầng, mỗi tầng có đường kính to nhỏ khác nhau, to dần theo chiều đi xuống. Cái to có thể lên đến 50cm, cái nhỏ nhất tròn bằng đồng xu. Các vòng nhỏ được làm bằng nứa, riêng vòng cuối cùng to nhất lại làm bằng tre.
Mặt trong và ngoài chiếc nón là các hoa văn, họa tiết trang trí như hình bông hoa, hình thiếu nữ áo dài, bài thơ,… được thêu, dán hoặc vẽ – viết bằng bút lông. Chóp nón phía trong thường được cài một bông hoa màu đỏ hoặc đỏ trắng,… hoặc những hình dán nhỏ xinh kích cỡ bằng đồng xu tùy theo sở thích nghệ nhân hoặc đơn đặt hàng của khách. Từ vành thứ nhất tính từ chóp nón và cũng là vành nhỏ nhất đến vành thứ 3, nghệ nhân làm nón thường viền trang trí bằng các loại chỉ màu khác nhau. Giữa vành thứ 2 và vành thứ 3 cũng được trang trí bằng các đường dích dắc đẹp mắt. Nón thường được nức bằng các sợi chỉ xanh đỏ đủ màu hình chiếc nơ từ vành thứ 11 đến vành thứ 13 dài khoảng 15cm để luồn dây nón. Thông thường, một chiếc nón được nức bằng 8 lần chỉ, với hai màu khác nhau, đồng đều, đối xứng hai bên để tạo được cảm giác cân bằng, chắc chắn khi đội. Quai nón làm bằng vải mềm hoặc vải nhung, lụa để giữ cố định chiếc nón dưới cằm nhưng vẫn tạo cảm giác dễ chịu cho người đội nón.
Mặt ngoài của chiếc nón được phủ một lớp dầu nón thường gọi là dầu lái được mua từ Huế hoặc Trung Quốc để chiếc nón có được độ bóng đẹp và bền. Loại dầu lái này thường được làm từ nhựa thông ngâm lẫn với xăng mà thành.
Nét đặc thù chung của nón là rộng vành (để chống nóng) và có mái dốc (để thoát nước nhanh, che mưa).
2.2.4.3 Chức năng
Từ trong lịch sử đến nay, nón lá được dùng ở khắp các miền trên đất nước Việt Nam, tất cả các giai cấp, tầng lớp, địa vị; người giàu và người nghèo. Ai ai cũng có thể sử dụng nón.
Công dụng của chiếc nón lá Việt Nam nói chung và nón lá Ba Giang nói riêng có khá nhiều. Trong quần chúng nhân dân, nón lá gắn liền với hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng, nó dùng để che nắng, che mưa không chỉ khi người dân đi cày đi cấy, mà còn khi họ đi chợ, đi chơi, đi họp hành,.... Ngoài ra, nón còn được dùng làm quạt để xua tan đi cái nóng nực của mùa hè; làm gáo để múc nước rửa mặt; làm rổ, làm rá để người nông dân đựng cơm, đựng bánh,…đưa ra đồng hay để các cô nữ sinh đựng me, đựng mận khi đi chơi. Nón lá cũng được các cô gái dùng để che ngực, che thân khi thẹn thùng bởi ánh mắt của các chàng trai. Bên cạnh đó, nón lá còn được dùng trong biểu diễn văn nghệ, là một món trang sức hết sức mộc mạc, giản dị, mang đậm bản sắc Việt Nam.
Ngoài chức năng ứng phó với môi trường tự nhiên, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt: đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, lúm đồng tiền, những sợi tóc mai, cái gáy trắng ngần của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ.
Đặc biệt, chiếc nón Ba Giang – chiếc nón Việt Nam còn mang trong mình những giá trị văn hóa, tinh thần nhất định. Tiễn cô gái về nhà chồng, bà
mẹ đặt vào tay con chiếc nón thay cho bao nhiêu lời nhắn gửi yêu thương. Nón gợi nguồn cảm hứng cho thơ, cho nhạc. Đã có rất nhiều bài hát về nón lá như bài “Gửi em chiếc nón bài thơ” của tác giả Lê Việt Hòa:
Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ Mang hình bóng quê hương, Lợp vào đây trăm mến ngàn thương
Trong những năm chiến tranh, tiễn người yêu ra chiến trường, các cô gái thường đội nón với cái quai mầu tím thủy chung. Chỉ như vậy thôi đã hơn mọi lời thề non, hẹn biển, làm yên lòng người ra trận.
Không chỉ dùng cho người sống, nón còn được làm để dâng cho thần linh trong đình chùa đền miếu miễu... phục vụ cho tín ngưỡng con người.
Ngày nay, nón lá còn là vật trang trí, lưu niệm khi khách tham quan đến các địa điểm du lịch có làng nghề làm nón nổi tiếng hay khách nước ngoài khi đến Việt Nam. Nón lá cùng với áo dài đã góp phần rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới.