Tình hình sản xuất và tiêu thụ mai ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của một số giống mai và biện pháp kỹ thuật tác động đến sinh trưởng, ra hoa mai vàng Yên Tử tại Hà Nội (Trang 28 - 31)

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án

1.4.2. Tình hình sản xuất và tiêu thụ mai ở Việt Nam

Trong cơ cấu về hoa cây cảnh, mai là loại cây được sử dụng rất phổ biến từ miền Trung trở vào phía Nam, do điều kiện khí hậu phù hợp nên mai được trồng rộng rãi trong vườn nhà, làm cảnh trồng chậu, bonsai. Cây mai được sử dụng nhiều nhất vào dịp tết Nguyên đán. Cây mai ngày tết được xem như là vật mang lại may mắn cho năm mới, nhiều tài lộc và thịnh vượng, nên rất được ưa chuộng. Ngoài phục vụ nhu cầu giải trí, thưởng thức… mai còn mang lại nguồn lợi kinh tế cao, với giá từ 300 - 800 nghìn/chậu, có những cây lên đến hàng chục triệu đồng, hàng năm thị trường tiêu thụ hàng triệu cây mai các loại (Đặng Văn Đông, 2016).

Bảng 1.2. Diện tích hoa, cây cảnh 2010-2015

STT Chủng loại Năm 2010 (ha) Năm 2011 (ha) Năm 2012 (ha) Năm 2013 (ha) Năm 2014 (ha) Năm 2015 (ha) Tỷ lệ tăng năm 2015 so với năm 2010 (%)

1 Mai, bon sai 900 950 1110 1200 1250 1300 45,3

2 Hoa lan 190 200 210 220 250 300 38,9

Tổng cộng 1.090 1.150 1.320 1.420 1.500 1.600 35,8

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn thành phố năm năm 2010 là 1.090 ha đến năm 2015 đạt 1.600 ha, tăng 35,8 %; Trong đó, hoa mai, bon sai 45,3 % và hoa lan 38,9 %.

Cùng với diện tích và lượng hoa cây cảnh tăng hàng năm thì giá trị sản xuất cũng tăng theo.

Bảng 1.3. Giá trị sản xuất hoa, cây cảnh 2010 - 2015

STT Chủng loại Năm 2010 (tỷ đồng) Năm 2011 (tỷ đồng) Năm 2012 (tỷ đồng) Năm 2013 (tỷ đồng) Năm 2014 (tỷ đồng) Năm 2015 (tỷ đồng)

1 Mai, bon sai 867,5 883,0 914,2 1.008,8 1.040,3 1.219,9 2 Hoa lan 389,9 433,4 430,9 451,4 512,3 613,9

Tổng 1.257,4 1.316,4 1.345,1 1.460,2 1.552,6 1.833,8

Nguồn: Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh (2016)

Tổng giá trị sản xuất hoa cây cảnh tăng dần từ 1.257,4 tỷ đồng (năm 2010) lên 1.833,8 tỷ đồng (năm 2015). Mai, bon sai tăng từ 867,5 tỷ đồng (năm 2010) lên 1.219,9 tỷ đồng (năm 2015). Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha hoa, cây cảnh đạt 800 - 900 triệu đồng/năm/ha.

Thành phố phối hợp với các huyện hỗ trợ xây dựng cánh đồng mai (350 ha) tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Đánh giá khả năng phát triển của cây mai tại TP Hồ Chí Minh cho thấy mai là cây chủ lực tiêu thụ trong dịp tết Nguyên đán, diện tích hàng năm đều tăng so với năm trước (Sở Nông nghiệp và PTNT TP Hồ Chí Minh, 2016).

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố Hồ Chí Minh về kết quả triển khai các chương trình phát triển hoa cây cảnh đến năm 2018 cho thấy tổng diện tích hoa cây cảnh đạt 2.050 ha, trong đó mai đạt 700 ha. Lượng mai sản xuất phục vụ dịp tết Nguyên đán là 3,5 triệu chậu.

Đến năm 2020, diện tích sản xuất hoa, cây cảnh của thành phố lên đến 2.200 ha, trong đó hoa mai 750 ha. Sản phẩm hoa mai không những nâng cao được chất lượng, khả năng cạnh tranh sản phẩm mà còn làm tăng giá trị sản xuất hoa, cây cảnh của thành phố đạt bình quân 1 tỷ đồng/ha/năm.

Làng mai Phước Định được UBND tỉnh Vĩnh Long công nhận làng nghề từ năm 2009, hiện có 157 nhà vườn với 552 gốc mai cổ 90 năm tuổi, 11.000 gốc mai trung 50 năm tuổi và hàng triệu cây mai từ 5 - 15 năm tuổi xuất bán ra thị trường. Ở đây cũng đa dạng sản phẩm với các cây mai mini, tạo dáng bonsai, để cung cấp cho người dân trong dịp tết (Lê Thị Kim Đào, 2012).

Xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” mai miền Trung, hiện có khoảng 1.500 hộ trồng mai tại các làng mai trên địa bàn xã hàng năm xuất bán ra thị trường trên 2 triệu chậu, doanh thu hàng năm từ 45 - 50 tỉ đồng (Lê Thị Kim Đào, 2012).

Ở khu vực phía Bắc, theo số liệu 5 năm (2013-2017) của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả tại 15 điểm bán hoa tết truyền thống ở các chợ như Quảng Bá, Mê Linh, Mỹ Đình, Trâu Quỳ, Nghĩa Tân, Hoàng Mai, Hà Đông… số lượng mai bán được thống kê ở bảng 1.4.

Bảng 1.4. Số lượng mai bán tết tại một số chợ hoa truyền thống Hà Nội

STT Chủng loại Năm 2013 (chậu) Năm 2014 (chậu) Năm 2015 (chậu) Năm 2016 (chậu) Năm 2017 (chậu) 1 Mai 800.000 920.000 1.120.000 1.200.000 1.280.000 2 Mai vàng Yên Tử 11.000 15.000 22.000 25.000 30.000 3 Tổng 811.000 935.000 1.142.000 1.225.000 1.310.000

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Hoa cây cảnh, 2018

Mai vàng Yên Tử đã được thị trường Hà Nội quan tâm đón nhận, năm 2013 là 11.000 chậu, đến năm 2017 đã tăng 30.000 chậu, Hà Nội nhập mai từ các tỉnh phía Nam ra tiêu thụ vẫn nhiều và tăng hàng năm, từ 800.000 chậu năm 2013 lên 1.280.000 chậu năm 2017. Giá bán trung bình từ 300 - 500 nghìn đồng, có nhiều cây giá từ 5 - 7 triệu đồng, người chơi hoa tết cũng đã mạnh dạn bỏ tiền ra chơi hoa và khách hàng cũng đã đa dạng hóa các loại hoa đón xuân bên cạnh những loại hoa truyền thống của miền Bắc như đào, lay ơn, lily, cúc, hồng, đồng tiền...

Hàng năm, tỉnh Quảng Ninh kết hợp với Nhật Bản tổ chức lễ hội hoa mai và anh đào tại Yên Tử, với hàng trăm gốc mai vàng Yên Tử cổ thụ đã được trưng bày khoe sắc vàng tươi thắm đã thu hút rất nhiều du khách đến thăm quan, thưởng ngoạn. Trong những năm qua, người dân ở đây cũng đã sản xuất cây giống mai vàng Yên Tử, vừa trồng tại vườn vừa bán cho du khách tham quan, đây là nguồn thu nhập mới cho các hộ trồng, sản xuất giống mai và lâu dài sẽ là một nghề được các hộ dân lựa chọn (Đặng Văn Đông, 2016).

Năm 2008, Viện nghiên cứu Rau quả cũng đã di thực cây mai vàng Yên Tử về Hà Nội và trồng tại Gia Lâm, đánh giá bước đầu cho thấy cây sinh trưởng phát triển tương đương với cây trồng tại vùng nguyên sản. Năm 2013, cây mai vàng Yên Tử đã được trồng thử nghiệm ở nhiều vùng của Hà Nội như Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn,…hàng năm lượng cây giống xuất cho các vùng trồng lên đến hàng chục vạn cây. Tuy nhiên, sinh trưởng phát triển của cây ở các vùng khảo nghiệm còn kém, cần có các biện pháp kỹ thuật phù hợp để tăng năng suất, chất lượng hoa (Đặng Văn Đông, 2016).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đặc điểm nông sinh học của một số giống mai và biện pháp kỹ thuật tác động đến sinh trưởng, ra hoa mai vàng Yên Tử tại Hà Nội (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)