Chuẩn bị về ngôn ngữ cho trẻ:

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU, HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN ĐỂ HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM MẦM NON TẠI GIA ĐÌNH (Trang 40 - 42)

III. Nội dung hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp một: 1 Rèn cho trẻ thói quen và một số kĩ năng cần thiết

4. Chuẩn bị về ngôn ngữ cho trẻ:

Đây là tiền đề quan trọng chuẩn bị tốt cho trẻ vào lớp Một, không gây trở ngại việc hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ. Chuẩn bị ngôn ngữ cho trẻ khi đi học lớp Một vô cùng quan trọng và đảm bảo hai yêu cầu: Thứ nhất, trẻ phải diễn đạt cho người khác hiểu; Thứ hai, phải hiểu được người khác nói về những chủ đề gần gũi với cuộc sống của trẻ.

Phụ huynh nên rèn luyện trẻ kỹ năng giao tiếp cho trẻ. Trong giao tiếp, việc giúp trẻ sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ rất quan trọng cho việc trẻ học đọc, học viết khi vào lớp Một. Thực tế cho thấy, trẻ muốn học tốt các môn học khi vào lớp Một, thì trước tiên phải giỏi môn tiếng Việt. Vì vậy, phụ huynh thường xuyên tập cho trẻ nói đủ câu thông qua giao tiếp với các thành viên trong gia đình và những người xung quanh trẻ; phụ huynh nên nói chuyện nhiều với con để con có môi trường phát triển ngôn ngữ; đọc thơ, ca dao, đồng dao, kể chuyện cho con nghe; cho trẻ xem truyện tranh, đặc biệt là các truyện tranh có hình vẽ to và đẹp về đất nước Việt Nam, đọc cho trẻ nghe các câu chuyện ngắn. Sau đó, phụ huynh yêu cầu trẻ kể lại chuyện bằng ngôn ngữ riêng của trẻ, trẻ có thể giở lại từng trang và đọc đúng hàng chữ ở dưới tranh giống như trẻ biết chữ thật. Điều này rất cần thiết cho trẻ khi tri giác tranh ảnh để có vốn biểu tượng phong phú về cuộc sống, phát triển ngôn ngữ, cho trẻ làm quen nhớ dần các chữ cái, chữ số... điều đó sẽ giúp trẻ có khả năng ngôn ngữ tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ học lớp Một .

Phụ huynh cho trẻ nhận biết và phát âm chữ cái qua tranh, ảnh, bảng chỉ dẫn đồ dùng, dụng cụ trong gia đình…; dạy cho trẻ biết nói cả câu, phát âm đúng các âm, các tiếng, các từ, câu ngắn.

Bước đầu hình thành ở trẻ kĩ năng đọc. Trẻ biết đọc 29 chữ cái Tiếng Việt. Cho trẻ làm quen cách đọc các từ, câu đơn giản như hướng dẫn trẻ đọc tên trẻ, gọi tên một số đồ vật được ghi trên những đồ dùng cá nhân, bảng chữ ghi tên đồ vật thường dùng như bút chì, thước kẻ, sách, vở...

Dạy trẻ cách mở sách, đọc sách: Đọc từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, cách lật mở từng trang sách. Đọc từ trang đầu đến trang cuối của quyển sách. Nhận biết số trang trong quyển sách.

Phụ huynh nên đọc sách cho trẻ nghe thường xuyên, có thể sử dụng các giờ như dạo chơi ngoài trời, trước giờ ăn…. Khi trẻ nghe và nhìn cách mẹ đọc sách trẻ có thể học được những kiến thức từ nội dung sách, hướng dẫn trẻ ý thức giữ gìn và bảo vệ sách.

Ngoài việc đọc sách cho trẻ nghe phụ huynh cần tạo được một góc sách truyện nhỏ trong gia đình để khơi gợi cho trẻ lòng ham muốn “đọc” sách. Trẻ có thể nhìn sách, tự “đọc” - kể câu chuyện sáng tạo theo tranh vẽ theo trí tưởng tượng của bản thân. Phụ huynh cần cho trẻ được tiếp cận với nhiều loại sách có hình ảnh sinh động, cuốn hút ngay từ trang bìa để tạo sự hứng thú cho trẻ. Thông qua việc “đọc” sách trẻ khám phá các kí hiệu và mẫu chữ khác nhau, kích thích sự tò mò tìm hiểu các từ và chữ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho trẻ nhận biết, đọc chữ cái ở mọi lúc, mọi nơi kể cả lúc đi dạo chơi, đi tham quan. Cho trẻ tập cách ghép vần, ghép từ đơn giản như tên các con vật, tên của bản thân…

4.2. Chuẩn bị cho việc học “viết”:

Phụ huynh cần tạo điều kiện cho trẻ tập tô, đồ các chữ cái, sao chép một số kí hiệu, chữ cái, tên của mình, tô, đồ, nặn, vẽ, xếp chữ cái ở bất cứ thời điểm, điều kiện thích hợp; dạy trẻ tư thế ngồi, cầm bút đúng cách, làm quen với cách tô, cách viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Phụ huynh giúp trẻ tự nhận ra tên của trẻ được viết trên giấy hay bảng. Nên cho trẻ làm quen chữ qua hình ảnh hoặc trò chơi để giúp trẻ dễ nhớ và nhớ lâu hơn. Phụ huynh có thể sử dụng nhiều trò chơi để giúp trẻ làm quen chữ cái như:

- Tìm chữ cái đã học qua trò chơi tìm đúng nhà; - Chữ cái gì biến mất;

- Bù chữ còn thiếu; - Gạch chân chữ cái; - Đồ chữ;

- Sao chép chữ; - Ô chữ bí mật;

- Uốn hình chữ cái bằng dây thép mỏng bọc giấy bạc; - Tạo chữ cái bằng tay;

- Luyện phát âm thông qua thơ, đồng dao, ca dao, câu chuyện.

*Ví dụ: Cho trẻ dùng cây, que, gạch, phấn tô “vẽ” chữ cái trên nền nhà, sân nhà, dùng sỏi, hột hạt, …xếp chữ, dùng đất, bột mì nặn chữ…

Trẻ xếp và học chữ bằng bìa giấy Trẻ xếp chữ bằng hạt ngô

Trẻ viết chữ trên cát bằng que củi Trẻ tạo chữ bằng đất nặn

Ở nhà phụ huynh có thể ôn lại những bài học đó cho con hoặc bằng những thực tiễn cuộc sống hằng ngày phụ huynh giúp trẻ học bảng chữ cái Tiếng Việt.

*Lưu ý: Khi hướng dẫn phụ huynh dạy cho trẻ cách đọc, cách viết tại gia đình, tránh trường hợp giáo viên dạy chữ đúng phụ huynh lại dạy chữ chưa đúng như: Chữ x đọc là “xờ”, chữ s đọc là “sờ”, nhưng có phụ huynh lại đọc là “ích xì” hay “ét xì”; Hay chữ l, n, lại đọc là “e lờ” hay “en nờ”…

Một phần của tài liệu TÀI LIỆU, HỌC LIỆU TRỰC TUYẾN ĐỂ HƯỚNG DẪN PHỤ HUYNH NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC VÀ GIÁO DỤC TRẺ EM MẦM NON TẠI GIA ĐÌNH (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)