quyền quyền thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn
3.2.1. Giải pháp về tuyên truyền và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý đất đai
Quần chúng nhân dân là đối tượng trực tiếp chịu sự quản lý của Nhà nước về đất đai. Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân có ý nghĩa chính trị - kinh tế rất lớn trong việc đảm bảo ổn định xã hội, phát triển kinh tế. Hiện nay, sự hiểu biết của nhân dân thị trấn đối với chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế đã gây khó khăn cho công tác QLNN về đất đai. Do đó, chính quyền xã phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến và cung cấp thông tin đất đai vừa đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất, vừa tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện quản lý. Hệ thống pháp luật đất đai phức tạp, trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều văn bản hướng dẫn, trong khi đó nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Vì
vậy, để làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, chính quyền thị trấn cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của chính quyền đối với công tác giáo dục pháp luật đất đai. Hàng năm, UBND thị trấn cần chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật cho các khu thôn theo chương trình, kế hoạch của cấp trên và phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương. Thực hiện tốt việc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm và khen thưởng kịp thời những người có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục pháp luật về đất đai. Chính quyền thị trấn cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật đất đai, thông báo rộng rãi kết quả để mọi người biết, tạo hiệu ứng dăn đe, ngăn chặn vi phạm. Đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên hệ thống phát thanh của thị trấn và các thôn bản, bởi đây là cách nhanh nhất, ít tốn kém nhưng hiệu quả lại rất cao. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của thị trấn (Bí thư chi bộ, trưởng các khu thôn, người hoạt động không chuyên trách ở thôn) những kiến thức về luật pháp, quản lý để họ trở thành những hạt nhân nòng cốt trong công tác tuyên truyền; những người này sẽ tổ chức gặp gỡ người dân tạo thành những nhóm ít người và tiến hành tổ chức tranh luận, giải thích, hướng dẫn những vướng mắc, cho người dân về luật đất đai.
Chính quyền thị trấn cần tập trung chỉ đạo tổ chức thực thi các văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, cụ thể là Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các Nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ, ngành liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất đất. Thường xuyên cập nhật các văn bản, chính sách, hướng dẫn mới từ Trung ương, tỉnh liên quan đến chính sách đất đai; rà soát các văn bản quy định, quy chế, hướng dẫn của tỉnh để tìm ra những điểm bất cập, không phù hợp, từ đó đề xuất với cơ quan cấp trên để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các nội dung không
phù hợp với yêu cầu quản lý đất đai trên địa bàn thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật về đất đai đến mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời tăng cường tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hiện các văn bản liên quan đến đất đai cho công chức làm công tác QLNN về đất đai. Bảo đảm quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng hợp lý, tiết kiệm; đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý đất đai. Sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên đất đai một cách hợp lý, hiệu quả, hạn chế vi phạm pháp luật về đất đai, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các công chức Địa chính, tổ chức liên quan trong việc triển khai thi hành Luật Đất đai và các văn bản khác tại thị trấn để thực hiện đầy đủ nội dung kế hoạch theo đúng thời gian đã đề ra, đảm bảo chất lượng, trọng tâm, thiết thực và hiệu quả.
3.2.2. Giải pháp trong quản lý hồ sơ địa giới hành chính, bản đồ hành chính, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất
Tiếp tục quản lý hồ sơ địa chính, bản đồ hành chính một cách cẩn thận, lên các phương án dự trù các rủi ro có thể xảy ra gây thiệt hại đối với công tác bảo quản để có biện pháp bảo quản tốt nhất. Việc bảo quản các loại hồ sơ này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác QLĐĐ. Khi xảy ra các tranh chấp giữa các chủ thể sử dụng hoặc giữa các đơn vị hành chính thì đây sẽ là nguồn tài liệu vô cùng quan trọng để giải quyết các mâu thuẫn. Mốc giới và các sơ đồ cần được thực hiện cẩn thận, kết cấu vững chắc và mỹ quan để tạo sự tin tưởng trong người dân, tránh làm cẩu thả lấy lệ, sẽ gây phản tác dụng và bị mất hỏng; có thể giao cho hộ gia đình, thôn, xóm quản lý.
Đối với công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần khắc phục những tồn tại về chất lượng ở một số khu thôn còn hạn chế, nâng cao chất lượng dự báo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đẩy mạnh công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ,
chặt chẽ từ thống nhất với cơ quan cấp trên, nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo thời gian, tính liên tục, đồng bộ trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Thường xuyên rà soát, đề nghị điều chỉnh những điểm không hợp lý trong QHSDĐ của thị trấn sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo tính thống nhất giữa QHSDĐ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng. Phân chia các giai đoạn thực hiện cụ thể, từ đó có các chính sách để quản lý và sử dụng đất thích hợp.
QHSDĐ phải đánh giá đúng, đầy đủ về điều kiện địa lý, nguồn tài nguyên, đánh giá đúng chức năng vai trò đất đai, có tính tới sự cân bằng giữa phát triển cũ và mới, có tính đến các quỹ đất dự phòng. Lên kế hoạch, xác định vị trí cụ thể các khu vực đất chưa sử dụng, đất dễ bị lấn chiếm, đất giáp ranh giữa dân cư và ao hồ, công trình công cộng của từng khu thôn và giao cho từng đơn vị, từng cá nhân chịu trách nhiệm quản lý; tăng cường kiểm tra, khắc phục triệt để tinh thần "làng xã" trong quản lý, hạn chế các ngành công nghiệp, ngành nghề gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn. Đồng thời cân đối đất đai, cơ sở vật chất và tạo lập môi trường thích hợp cho người dân được sống, làm việc và nghỉ ngơi tốt nhất trong điều kiện có thể. UBND thị trấn cần căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được duyệt, ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các công trình dự án, khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, đồng thời tăng cường kêu gọi vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Công khai của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tạo cơ sở để khắc phục được tình trạng lãng phí trong quản lý và sử dụng đất, tránh tình trạng dựa vào quy hoạch để tham nhũng, tạo môi trường xấu trong đầu tư; khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo
giữa quy hoạch xây dựng với các loại quy hoạch khác. Thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch đồng bộ với cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội để khai thác tiềm năng đất đai tại địa phương, hạn chế tối đa việc lấy vào đất chuyên trồng lúa. Trước nhu cầu ngày càng tăng đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất ở và đất sản xuất kinh doanh, chính quyền thị trấn cần kiên quyết giữ ổn định diện tích đất rừng và đất trồng lúa năng suất cao nhằm đảm bảo sự hài hòa về kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với quy hoạch sản xuất kinh doanh cần đảm bảo nguyên tắc: Không điều chỉnh quy hoạch theo hướng mở rộng diện tích nếu diện tích cũ vẫn chưa lấp đầy các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất. Tiếp tục thực hiện tốt các công tác quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quỹ đất phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nói chung và của địa phương nói riêng vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, công bằng xã hội, bảo đảm quỹ đất sử dụng phù hợp cho từng giai đoạn và lâu dài.
3.2.3. Giải pháp thực hiện tốt công tác thống kê, kiểm kê đất đai hằng năm
Tiếp tục thực hiện tốt các nội dung của công tác thống kê, kiểm kê đất đai theo kế hoạch đã đề ra, sửa đổi, bổ sung kịp thời những nội dung có sự thay đổi một cách linh hoạt. Chủ động nắm bắt tình hình địa phương để có thể dự đoán và điều chỉnh các biến động một cách chủ động. Đầu tư cho việc xây dựng các tư liệu phục vụ quản lý đất đai như đo đạc bản đồ địa chính, quy hoạch, kế hoạch, cấp GCN QSDĐ. Đồng bộ hóa số liệu công tác thống kê, kiểm kê đất đai, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực hiện thống kê, kiểm kê đất đai phục vụ công tác quản lý đất đai
Từng bước tin học hóa thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai theo đề án đã được phê duyệt. Đồng thời dữ liệu, thông tin về các thửa đất trên địa bàn thị trấn sẽ được đưa vào hồ sơ gốc và được lưu trữ trên máy tính. Đây là nguồn
tài liệu quan trọng trong quản lý đất đai, là căn cứ để cấp GCN QSDĐ, thu hồi đất, giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thống kê ... là tài liệu gốc để xây dựng các loại hồ sơ tài liệu khác. Công chức địa chính cần tiếp tục trau dồi kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kỹ năng sử dụng máy tính để có thể đạt hiệu quả cao trong hoạt động thống kê, kiểm kê.