Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, đã đem lại ý nghĩa quan trọng cho cuộc sống, đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với thông lệ và hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Sau khi Luật Đất đai 2013 ra đời, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có rất nhiều chuyển biến thuận lợi và phát triển. Do đó, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của đời sống kinh tế - xã hội, cũng như thúc đẩy đầu tư, phát triển trong tiến trình mở cửa hội nhập thì việc hoàn thiện, bổ sung pháp luật là không thể tránh khỏi đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Để làm tốt việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, Nhà nước cần tiến hành lấy ý kiến của nhân dân đối với các nội dung quản lý hiện đang được xem là bức xúc như: Lập và quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục giao đất và cho thuê đất, thu hồi đất giải phóng mặt bằng, tài chính về đất đai... Cũng như ý kiến các Bộ ngành và địa phương trong cả nước nhằm rà soát đánh giá những điểm chưa phù hợp, hoặc phát sinh trong thực tiễn quản lý và hội nhập. Giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện, bổ sung theo hướng: đơn giản, rõ ràng, ngắn gọn và minh bạch, nhằm hoàn chỉnh hệ thống pháp luật đất đai và bất động sản bao gồm đất đai và đầu tư phát triển tài sản gắn liền với đất. Xây dựng một hệ thống luật đất đai không còn chồng chéo, hạn chế kẽ hở, không tạo xung đột giữa các luật có liên quan và có cơ chế kiểm tra, xử lý thích đáng những trường hợp vi phạm pháp luật, xâm phạm tài sản, đất đai của Nhà nước. Đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa các Luật có liên quan đến đất đai như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật thuế sử dụng đất, Bộ luật Dân sự, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo...
Nhà nước cần có chính sách phát triển cân đối giữa các vùng, giữa nông thôn và thành thị, tạo việc làm tại nông thôn, giảm mức chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, tạo công ăn việc làm cho các vùng, nhất là việc làm cho thanh niên nông thôn là lực lượng di dân nhiều nhất vào thành thị. Hạn chế di dân tự phát tạo sự tập trung lớn gây quá tải tại đô thị, mà hệ quả làm nông thôn hóa thành thị cũng như làm hoang vắng và suy yếu nông thôn. Xây dựng những chính sách ưu đãi về giá đất, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, quản lý chặt chẽ về định mức, chất lượng công trình nhằm giảm giá thành xây dựng.
Nhà nước cần nghiên cứu và có kế hoạch đào tạo, đặc biệt là đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực địa chính, quy hoạch. Nhà nước cần có những chính sách cụ thể, sự cam kết chắc chắn, tạo ra một môi trường thuận lợi để con người có thể phát huy hết những khả năng của mình và hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xẩy ra. Nhà nước cần có những chính sách ưu tiên đối với người lao động bị mất đất, đặc biệt là những lao động có độ tuổi cao thường khả năng đào tạo và chuyển đổi ngành nghề, tính thích nghi thay đổi kém, cần có chính sách riêng để giúp họ trong việc tìm việc làm. Đối với lao động nữ cần, tạo cho họ đầy đủ các cơ hội việc làm chứ không chỉ hạn chế trong phạm vi những việc làm truyền thống, làm giúp việc nhà với mức lương kém cỏi.. Nhà nước cần có các chính sách kết hợp khuôn khổ vĩ mô ổn định, với phát triển xã hội, nhằm tạo việc làm với mức lương thoả đáng cho người lao động. Cần coi chính sách tạo việc làm cho người lao động mất đất, do giải phóng mặt bằng là một phần trong chiến lược kinh tế vĩ mô tổng thể được thiết kế nhằm kích thích tăng trưởng, việc làm và sự công bằng.
Chỉ đạo các Bộ, các ngành, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức của người dân, ý thức trách nhiệm của người dân trong quản lý và sử dụng đất,
nhằm đảm bảo sự hài hoà giữa các lợi ích của cá nhân, tập thể và lợi ích xã hội. Nhà nước cần quy định chế độ phối hợp giữa các cơ quan QLNN và thông tin báo cáo theo hướng nhanh gọn và rõ ràng. Tiếp tục phân công, phân cấp, phân quyền hạn trong QLĐĐ có gắn với trách nhiệm của các cấp rõ ràng, quy chế bàn giao, quy định chế độ trách nhiệm đối các chức vụ QLĐĐ khi hết nhiệm kỳ công tác về hưu hoặc luân chuyển cán bộ. Tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho cấp xã, tăng số lượng cán bộ làm công tác địa chính tại cấp xã, thanh tra địa chính cho cấp huyện và tỉnh. Hoàn thiện các quy chế, tiêu chuẩn bổ nhiệm đề bạt cán bộ, quy chế xử lý đối với người đề bạt cán bộ, nếu lựa chọn những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, đạo đức vào các vị trí quản lý cũng sẽ phải chịu trách nhiệm. Xây dựng quy chế xử lý kỷ luật, bãi miễn, cách chức đối cán bộ vi phạm cũng như tiêu chuẩn cán bộ địa chính ở các cấp. Quy định chế độ thưởng phạt rõ ràng, tiếp tục nghiên cứu cải cách chế độ tiền lương, trước mắt lương của cán bộ công chức phải đủ sống và chi trả các nhu cầu cần thiết. Đẩy mạnh chương trình chống tham nhũng mà Chính phủ đã ban hành, có các quy chế kiểm tra, biện pháp xử lý cụ thể đối các tổ chức, cá nhân không chấp hành luật pháp như: không lập và thực hiện quy hoạch, lập quy hoạch nhưng chất lượng kém nhằm hạn chế tình trạng quy hoạch "treo", cũng như việc ra những quyết định hành chính kém hiệu quả, thiếu tính khả thi dẫn đến các vi phạm và tham nhũng về đất đai.