Đạo Cao Đài đã được Thiêng Liêng chỉ dạy thờ phụng bằng Thiên Nhãn làm tâm điểm. Nhìn thấy Thiên Bàn có Thiên Nhãn, người ta đã nghĩ ngay đó là đạo Cao Đài. Thiên Nhãn nguyên ban sơ Ngài Ngô Minh Chiêu được khải thị thấy Thiên Nhãn hiện trước mặt 03 lần và Ngài đã thọ nhận làm môn đệ đầu tiên và vẽ Thiên Nhãn thờ.
Đến khi Đạo phát dương rộng rãi theo thánh truyền, Thiên Nhãn đã phát vẽ trên quả Càn Khôn tại Tòa Thánh Tây Ninh. Thờ Thiên Nhãn tức là thờ Đấng tối cao, toàn giác đang bàn bạc khắp nơi, đang dõi về sự tiến hóa của vạn linh trong càn khôn.
“... Chưa phải hồi các con biết tại sao vẽ Thánh-Tượng "Con Mắt" mà thờ Thầy, song Thầy nói sơ lược cho hiểu chút đỉnh.
Nhãn thị chủ tâm Lưỡng quang Chủ Tể. Quang thị Thần, Thần thị Thiên, Thiên giả, Ngã giả.
Thần là khiếm khuyết của cơ mầu-nhiệm từ ngày Ðạo bị bế. Lập "Tam-kỳ Phổ-độ" nầy duy Thầy cho Thần hiệp Tinh-khí đặng đủ "Tam Bửu" là cơ mầu- nhiệm siêu phàm nhập Thánh” [TNHT, Q.1].
Con mắt có hào quang chiếu diệu là Thiên Nhãn, là mắt của Đấng Thượng Đế. Hai nguồn “lưỡng quang” đã ngự trị, chủ tể lập nghi hóa dục, định vị cả pháp giới biến tướng trong bầu càn khôn vũ trụ này. Ánh sáng từ đôi mắt, mắt lại biểu thị cho Tâm, “Quang” là Thần chúa tể, tức là “Thiên”, tức là Đấng Thượng Đế hằng ngự trị muôn loài và đó chính là Đức Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát trong cửa Đại Đạo này.
Đối với sự thờ phụng Thiên Nhãn, ngoài tôn kính nguồn cội vạn linh, chúng ta còn thấy thêm nguyên lý, “tiểu Quang” là “tiểu Thần” hiện hữu trong mỗi sanh linh. Cho nên thờ Đấng tối cao, bản lai của vạn hữu mà còn lại thờ cái linh tánh
của mỗi con người. Mỗi tiểu linh quang là một phần, đóng góp vào sự hiện hữu trong toàn thể vũ trụ càn khôn. Vì:
“Thầy là các con, các con là Thầy”
Cho trọn vẹn, thì con người phải dụng phép khép mình nơi cửa của Đức Chí Tôn, sùng ngưỡng chánh pháp, thực hiện con đường “tam quy thường bộ pháp giới” để trở về con đường giải thoát.
Thánh Giáo Đức Chí Tôn giảng trên đã cho chúng ta thấy sự khiếm của “thần” từ ngày đạo bị bế, tu nhiều nhưng thành ít, “thần” bị đánh tản mỗi khi hiệp
cùng Chơn Thần, nên ngày nay Đạo Cao Đài được Đức Chí Tôn ân xá, lập thờ Thiên Nhãn mỗi nhà để hưởng hồng ân, thánh uy ấy, cũng là biểu thị cái lý thiên thơ cho hiệp Tinh-Khí-Thần trong thời kỳ này.
Từ một Nhất Nguyên, Đức Chí Tôn phân tánh ra vạn loại. Để trở về hiệp cùng Đức Thượng Đế, con người phải đốt cháy “ánh sáng trí huệ” trong tâm mãi mãi, để ngưng thần, tụ khí, hiệp với nguyên lý thăng hoa để tự tánh bừng sáng. Cho nên Thiên Nhãn vừa là thờ Bản Nguyên của Đạo, vừa biểu thị tính lý pháp chơn thần của mỗi cá thể phải làm sao hiệp hòa cùng Chơn Thần của Đấng Chí Linh.
Theo luận giảng trên, thời Thiên Nhãn là Trời, là Thờ nguyên lý dịch chuyển Pháp Giới và thờ chính cái thiên lương của con người, như thế ấy, Thờ Thiên Nhãn tức là kỉnh cả Phật-Pháp-Tăng cùng một lúc. Con người cần quy y Tam Bảo Phật- Pháp-Tăng. Vừa phải kỉnh Phật, tùng Pháp, phụng sự Tăng trên con đường trở về với Đức Chí Tôn. Thờ Thiên Nhãn bao hàm cả pháp và lý đủ để con người tỏ ngộ trong minh triết Cao Đài, tùng luật pháp Đại Đạo ngỏ hầu tìm ánh sáng chiếu soi tự tâm, ngọn linh đăng bừng sáng giữa một bình minh đẹp đẽ.
10. Thánh Thể thường tại của Đức Thượng Đế.
Thánh Ngôn Hiệp Tuyển quyển 2 có đoạn:
“Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi chơn linh Thầy mà ra, hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống”.
Ngự trị ngôi Thái Cực, Đức Chí Tôn hóa sanh vạn hữu, Ngài là Cha của Thần, Thánh, Tiên, Phật. Từ một “Thần” Chí Linh mà biến sanh ra Bát Hồn, kim thạch, thú cầm, con người, Thần, Thánh, Tiên, Phật. Nên Đức Ngài “Thượng chưởng Tam thập lục thiên, Tam thiên thế giới. Hạ ốc Thất thập nhị địa, Tứ Đại Bộ châu”. Do vậy theo triết lý Đạo Cao Đài, dầu chưa quyện đồng cùng Đại Ngã Chí Linh, tất cả dầu sống hay chết vẫn nằm trong “thánh thể thường tại” của Đức Chí Tôn.
“Dưới thế gian nầy loài người phân chia nòi giống, họ hàng, tông tổ, chia vật hình, chia sắc da chơn linh của chúng ta không phân biệt tộc phái nam nữ nòi
giống gì cả, thoát khỏi hình thể nầy rồi ta vào Thánh Thể thường tại của Chí Tôn”
[Thuyết Đạo của ĐHP Q.1].
Con người vì vô minh, chưa kềm thút được thất tình, lục dục, chưa tu lòng, luyện tánh nên chưa thể vào “thánh thể thường tại” vô vi mà vẫn còn lạc trôi giữa dòng đời vạn biến, chịu tác động của sinh-lão-bệnh-tử đáo đầu. Đạo Cao Đài là trường thi thố do Đức Chí Tôn lập ra để đưa con cái Người nhập vào “thánh thể thường tại” bất biến ấy. Đó là một hồng ân, điển thiêng liêng rưới cho quả địa cầu 68 này.
Còn Hội Thành Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một tổ chức hữu hình nhưng được Thánh hóa do quyền năng Thiêng Liêng điều khiển và Thiên Phong để làm Thánh Thể của Đức Chí Tôn tại thế, thi hành những phận sự đặc biệt của Đại Đạo. Cho nên, Thánh Thể Đức Chí Tôn thị hiện phàm gian bằng sự quy lương sanh, thành một tổ chức giáo hội chặt chẽ, có giáo quyền và hoạt động theo Tân Luật- Pháp Chánh Truyền lập ra do Bát Quái Đài phê chuẩn.
Nhận biết mọi giá trị của Thánh Thể của Đức Chí Tôn, dầu nam hay nữ cũng phải lấy làm vinh dự vô biên khi đứng vào cơ thể Tạo Đoan để truyền những thông điệp yêu thương và triết lý tu hành giải thoát cho nhơn loại. Bất kể những ý niệm và hành động của cá nhân hay tổ chức đi ngược lại dòng Đại Đạo, tác động đến Thánh Thể, làm manh mún, đó là việc làm đưa đến sự tiêu diệt không chi chối cãi.