Đạo Đức là một trong những nhân tố hình thành một nếp sống Cao Đài theo Tân Luật của Đức Chí Tôn. Vì đạo đức là tiêu chuẩn đo lường trạng thái sống của người môn đồ, nó là thuộc tính vốn đi đôi với người theo nếp sống tâm linh đạo giáo.
Đạo đức nói lên yếu tố thị hiện trong tính cách và giá trị của con người. Có đạo đức, con người sống trong thiện lương, quy tùng chánh lý, tu sửa bản tâm làm cho cá nhân hoàn thiện, giúp gia đình an vui, xã hội công bằng, cộng đồng vì thế mà trở nên tốt đẹp, kiến tạo một trật tự bình ổn. Muốn có đạo đức và thi hành đạo đức càng phát triển, con người cần có ý chí rèn luyện, sự tinh tấn cũng như nhận thức được giá trị của chính nó đem lại cho đời sống mình.
Dẫu đạo đức là thuộc tính của tôn giáo, không thể tách rời trong hoạt động phổ độ, truyền giáo và nếp sống sinh hoạt đạo, nhưng đạo đức cần có một sự liên kết đối với triết lý Đạo Cao Đài cũng như viên dung với Luật Pháp Đại Đạo để hoàn hảo hóa đời sống, hòa hợp thực sự theo tiêu chuẩn của Đạo Cao Đài. Môn đồ Cao Đài áp dụng đạo đức theo cách tự lập có thể phiêu bạt nơi nào chưa rõ ràng, nên cần có một Hội Thánh và Giáo Luật chỉ con đường để đạo đức đó thánh hóa đời sống đến mức thăng hoa vô tận.
Thế gian là một trường thế tấn hóa cho vạn linh nên luôn luôn có cặp đối ngẫu thiện-ác tồn tại, tốt-xấu, đạo đức-tà mị. Để làm xứng đáng môn đệ của Đấng Cao Đài, con người phải chịu bận áo nâu sòng, khổ hạnh, phải đứng vững trước những bão tố của cuộc đời, đó là nghiệp oan của con người và những cám dỗ của khối ác, cũng như những bài thi khảo của Thiêng Liêng.
“Thầy nói cho các con hiểu rằng: muốn xứng đáng làm Môn-đệ Thầy là khổ hạnh lắm. Hễ càng thương bao nhiêu thì Thầy lại càng hành bấy nhiêu. Như đáng làm môn-đệ Thầy thì Bạch-Ngọc-Kinh mới chịu rước, còn ngã thì cửa Ðịa-Ngục lại mời. Thương thương ghét ghét, ai thấu đáo vậy ôi!” [TNHT, Q.1].
Nên theo luật công bình Thiên Đạo, Thiêng Liêng chẳng vì ghét mà chẳng để lời khuyến nhủ, khuyên lơn, tạo phúc duyên cho con người vịn níu lá phang, chẳng vì thương mà bỏ qua luật công bằng tạo đoan. Hữu hình chứa bao nhiêu khổ lụy, những cám dỗ ngọt ngon; trong tâm thì khối phàm tâm luôn chì chiết, níu kéo để xa vào con đường vô minh. Con người duy chỉ nương theo đạo đức mà bảo toàn thánh đức và lòng tín ngưỡng đối với Chơn Giáo. Đức Chí Tôn đã phán:
“Bởi vậy cho nên Thầy chẳng vì ghét mà không lời khuyến dụ; cũng chẳng vì thương mà không sai qủy dỗ dành. Thầy nói trước cho các con biết mà giữ mình; chung quanh các con, dầu xa, dầu gần, Thầy đã thả một lũ hổ-lang ở lộn với các con. Thầy hằng xúi chúng nó thừa dịp mà cắn xé các con; song trước Thầy đã
cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng là đạo đức của các con.
Vậy ráng gìn-giữ bộ thiết-giáp ấy hoài cho tới ngày các con hội hiệp cùng Thầy” [TNHT, Q. 1].
Người môn sinh Cao Đài cần nắm rõ thêm những định thuyết mà Đức Lão Tử để một học thuyết “nhân sinh quan” và “vũ trụ quan” trong nền học thuyết bất dịch để truyền tả những nội hàm vô cùng sâu sắc về hai chữ “đạo đức”. Đối với thuyết này, Ngài phân ra làm hai, tức là “đạo” và “đức”. Một danh từ gồm hai chữ, nhưng Ngài chia thành hai danh từ.
“Đạo” đối với Ngài, đó là thứ không thể diễn tả bằng ngôn ngữ vì tính cách và quy luật của Đạo vốn bất dịch nhưng lại vô biên. Nên Ngài nói “Đạo thường vô
danh, phác” nghĩa là “Đạo vĩnh viễn không có tên, nó chất phác”. Đạo của Ngài
nói còn nói lên tính công bằng theo luật tự nhiên, “Trời đất bất nhân”, nghĩa là công bình vô tư của thiên địa theo luật vận hành vốn có. Trong triết lý của Ngài, rất cô đọng nhưng vô cùng đặc sắc, không thể lấy ví dụ hết cho đặng. “Phản giả, đạo
chi động”, nghĩa là “luật vận hành của đạo là quay trở lại” theo cổ nhân nói “vạn
thù quy nhất bổn”. Cơ động tịnh máy Âm-Dương mới có vạn vật, vạn vật phải
quay về Đạo mà trở về tự tánh vì Đạo vốn là Bản Nguyên của vũ trụ.
“Đức” dưới triết thuyết của Ngài, Đức không phải là đức nhân, đức nghĩa, đức lễ, đức trí, đức tín của Nho Học, mà đó là “Đức” Ngài muốn ám chỉ thuộc tính của Đạo để khi có vạn vật, đức nuôi dưỡng, che chở vạn vật. Mỗi vật đều chứa cái đức trong đó vì mọi vật được sinh ra từ “đạo”, cho nên “đức” sẽ nuôi nấng mỗi vật lớn dần luôn luôn.
Đức Ngài biểu tả trạng thái của “đạo đức” bằng câu “Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, vật chất khiến cho mỗi vật thành hình, hoàn cảnh hoàn thành mỗi
vật. Đạo và Đức không can thiệp, chi phối vạn vật mà để tự nhiên phát triển”. Đức
Ngài nói thêm “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, nghĩa là “đạo trời không tư vị ai, luôn gia ân cho người có đức”.
Đối với học thuyết của Ngài về “đạo đức” đi vào thế giới siêu diệu và diễn tả chân lý Đạo Trời, chúng ta cần chiêm nghiệm và thấu hiểu trong những văn tự khó hiểu vì tính chất vô cùng cô đọng của Đạo Đức Kinh đã để lại.
Tóm lại, dẫu theo tính chất và nghĩa lý nào, người Cao Đài thuần hành từng bước theo nếp sống mà Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ đã để lại con đường tầm phương giải thoát. Đạo đức đó là định luật bất biến mà người Cao Đài cần trau giồi đến những trình độ thăng hoa và thâm nhiễm triết lý và bí pháp nhiệm mầu của nền chơn giáo Cao Đài.