Cổ Pháp Tam Giáo gồm Bình Bát Vu của nhà Phật, cây Phất Chủ của Đức Lão Tử và quyển Xuân Thu của Khổng Giáo. Ba bửu pháp này tượng cho Tam Giáo hiện hữu trong Cao Đài.
Bình Bát Vu là bình bằng vàng của Đức Phật dùng để khuất thực khi Đức Ngài rời bỏ ngồi vàng, điện ngọc quyết tìm con đường giải thoát khỏi sinh-lão- bệnh-tử cho chính mình và độ chúng sanh, nên tượng trưng cho Phật Giáo. Cây Phất Chủ là cây chổi nhằm quét sạch ô uế, vô minh, buội trần, tượng trưng cho Tiên Giáo. Quyển Xuân Thu là bộ kinh của Đức Khổng Tử tượng trưng cho Thánh Giáo. Đây là ba bửu pháp của ba nền tôn giáo thời Nhị Kỳ Phổ Độ.
Riêng về Cổ Pháp của Đạo Cao Đài, tổng thể có bốn loại Cổ Pháp. Cổ Pháp của Hộ Pháp như Cổ Pháp Tam Giáo. Cổ Pháp của Thượng Phẩm gồm cây Phất Chủ và Long Tu Phiến. Cổ Pháp của Thượng Sanh gồm cây Phất Chủ và Thư Hùng kiếm. Cổ Pháp của Giáo Tông gồm Long Tu Phiến, Phất Chủ và Thư Hùng Kiếm. Mỗi Cổ Pháp có giá trị và ý nghĩa riêng biệt gắn liền với vai trò và nhiệm vụ của phẩm Thiên Phong.
Như đã trình bày, biểu hiện chỉ là cách thức để con người dễ hình dung đối với giáo pháp tâm linh gần nhất, nhằm biểu thị chung cho các Tam Giáo cổ kim. Vì vậy, ba bửu pháp của ba Đấng Giáo Chủ hiệp một thành Cổ Pháp Tam Giáo trong nền tân tôn giáo Cao Đài, đó là tượng trưng cho quyền năng linh diệu của Tam Giáo đã từng hiện hữu, là Phật, Tiên, Thánh. Các Đấng trong hàng Tam Giáo khi đoạt pháp và hoàn thành sứ mạng xuống thế của mình, các Ngài cũng trở về cõi hư linh, tiếp tục công cuộc điều hành guồng máy Tạo Đoan cho Đức Chí Tôn.
Dẫu cho “Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ” theo lời dạy của Đức Chí Tôn theo thiên thơ tiền định, thì những giá trị của các vị Giáo Chủ Tam Giáo
tượng trưng và những vị Tam Giáo không được tượng trưng vẫn đoạt cơ xuất thế, đào tạo cho chúng sanh những phương pháp tu học giải thoát. Lời Đức Chí Tôn tuyên phán vẫn còn văng vẳng bên tai, nhưng đạo học của Tam Giáo như đường lối “minh tâm kiến tánh” của Phật Gia, “tu tâm luyện tánh” của Lão Giáo, “tồn tâm dưỡng tánh” của Khổng Học vẫn trường lưu trong nền tảng triết lý tu hành của người Cao Đài. Xa hơn nữa, chủ nghĩa “từ bi-bác ái” hay “tam cang, ngũ thường, tam tùng tứ đức” cũng là đường tiêu chuẩn không thể thiếu trong pháp môn tu học theo Tân Luật của Đức Chí Tôn lập ra. Đạo vẫn như nhiên mà thành, nghĩa là căn bản của giới “tam quy”, những mực thước của Tam Giáo là thước đo và phương pháp để dọn người Cao Đài trở thành người môn đệ yêu ái và xứng đáng đối với Đấng Cao Đài.
Chẳng phải “quy hợp” để làm dễ hơn hoặc khó hơn đối với chúng sanh, mà là sự quy hợp để tạo thành một mối đạo duy lý, tổng hợp và hòa hưỡn cho toàn vạn hữu tiếp cận giáo pháp tân tiến phù hợp với thời đại và giai đoạn, cũng là phương pháp tận độ của Đức Chí Tôn ban cho nhân loại. Ngày nay, Đức Chí Tôn đã mở rộng con đường thiêng liêng hằng sống, một bến giải thoát.
“Hộ Pháp đến kỳ Long Hoa nầy cốt để rước Cửu nhị ức Nguyên Nhân là bạn chí thân của Người đã bị đọa lạc nơi hồng trần không phương giải thoát, muốn rước các bạn chí thân của Bần Đạo, Đức Chí Tôn buộc phải lấy Pháp Giới tận độ chúng sanh” [Thuyết Đạo của ĐHP, Q.3 bài 43].
Dẫu cho Cổ Pháp là hình vật, nhưng nó có sức ảnh hưởng sâu rộng về tâm thức, chi phối toàn các ý niệm, tri cảm của người Cao Đài trong pháp môn tu hành, dấng thân vào triết lý Đại Đạo. Nên diệu quang của Tam Giáo vẫn chói lòa cùng thời gian và là những nấc thang làm cho môn đệ Cao Đài được trỗi thăng lên những bậc thang thiêng liêng.