Đức Chí Tôn là Đấng Thượng Hoàng, luôn phủ phước và ban ân điển cũng như hằng khát khao con người có thể thức tỉnh tự tu để lìa xa bể khổ. Nhưng điều đó có lẽ hoàn toàn không khả thi nên Đức Chí Tôn mới giáng ban nhiều Đạo Giáo ở địa hoàn này hầu cứu vớt lên thuyền Bát Nhã.Trên dòng tấn hóa của nhân loại, Phật Giáo đã ra đời trong nhứt kỳ phổ độ và nhị kỳ phổ độ, cùng với những vị Phật khác đang âm thầm hóa độ suốt hành trình tu học và tấn hóa của con người.
Các học thuyết phổ rộng hoặc âm thầm không được nhắc tới là những bài toán khổ của nhân gian, đó đều coi là Đạo vì đó là phương sách cho chúng sanh, đặng dìu dắt chúng sanh khỏi bước đường gay trở với mục đích và định chuẩn phương pháp kẻ trước người sau nương Pháp Tạo Đoan mà tu tiến, đạt cơ vĩnh sanh.
Đức Hộ Pháp giảng chữ khổ là đề mục của khoa trường đời và các phẩm vị thiêng liêng Thần, Thánh, Tiên, Phật là ngôi vị dành cho trang đắc cử. Nên các bậc Giáo Chủ và các Đấng trọn lành lặng lẽ truyền rao học thuyết cho nhơn loại hầu hóa giải bài thi khổ. Đức Hộ Pháp có minh giảng:
“Phật, vì thương đời, mà tìm cơ giải khổ. Tiên, vì thương đời, mà bày cơ thoát khổ. Thánh, vì thương đời, mà dạy cơ thọ khổ. Thần, vì thương đời, mà lập cơ thắng khổ. Hiền, vì thương đời, mà đạt cơ tùng khổ”.
Những căn bản của Phật Giáo gần nhất của Nhị Kỳ chưa hề phai mờ và vô giá trị đối với người Cao Đài. Triết lý “từ bi-bác ái”, “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, “tu tâm luyện tánh” hay “bát chánh đạo” luôn thường được nhắc nhiều trong nhiều tôn chỉ của nền Đại Đạo. Hơn nữa, giáo pháp Phật Đạo là một nền triết lý có hạ thừa, trung thừa, thượng thừa và vô thượng thừa và đã độ được 6 ức Nguyên Nhân trở về cựu vị.
Cho nên, giáo pháp liễu chứng của Phật Gia rất cao thâm, quán triệt thật tướng của vạn pháp là vô tướng, chẳng chấp nhơn hay pháp, để tâm hồn thanh thoát, tự tại như lai bất động trong mọi hoàn cảnh. Các duyên sinh, duyên hợp trở
nên tự nhiên theo trình tự của tự nhiên chi phối, mọi khổ đau hay an lạc đều phát xuất từ ý niệm trong tâm con người. Sự chấp và buông xả sẽ tạo điều kiện cho an lạc hay phiền muộn biến sanh theo từng sát na của tâm thức. Một khi chấp, vô vàn khổ đau và nguyên nhân của chuỗi phiền não vì chấp trước, chấp sau. Người con của Phật là người nhận thấy rõ các pháp không phải là pháp, mọi thứ là vô thường.
Lại nữa, Tham-Sân-Si là Tam Độc, là nguyên nhân của khổ đau cùng cực. Nếu người con của Phật bỏ mê tầm giác, dùng tuệ nhãn cũng có thể là cho tam độc biến tan thành mây khói vì thật ra, tam độc chỉ là những cơn sóng rì rào cuộn tròn trong lòng của con người mà thôi, lấy cái huệ gươm với ánh sáng của gươm huệ thì hình bóng của tam độc lặng lẽ hóa hư vô. Quán tự tại là hiểu rõ chân pháp, thấy biết những việc lớn bên ngoài, nhỏ nhất trong ý niệm phát sinh từ đâu thì hóa giải nó bằng tuệ giác liễu chứng thật tánh của vạn hữu.
Đối với Đạo Cao, “Ngọc Hư Cung bác luật, Lôi Âm Tự phá cổ” nhưng đạo vẫn như nhiên mà thành tựu. Đức Chí Tôn là Khởi Nguyên của vũ trụ, là Bản Lai tự hữu điều hành cơ vận chuyển càn khôn nên Đức Ngài biết làm gì cho phù hợp với thời đại của quả địa hoàn 68 này, nên Ngài đến hiệp Tam Giáo về một mối để không còn bất kỳ sự kỳ thị nào diễn ra trong tâm thức còn phàm tánh của nhơn loại.
Ngày nay, Đạo Cao Đài lấy biểu tượng Bình Bát Vu làm Cổ Pháp Đạo và thượng thờ Đức Thích Ca tượng trưng cho nền Phật Giáo để thấy cái oai nghiêm và những giá trị của Phật Giáo đã đóng góp trên con đường giụt tấn Thiêng Liêng Hằng Sống của Đức Chí Tôn. Hình tượng thì lấy Đức Thích Ca nhưng khi niệm danh xưng, niệm Đức Nhiên Đăng và còn coi Đạo Cao Đài là “Phật Giáo Chấn hưng” và tán tụng công đức bằng bài kinh Thích Giáo.