Cúng lạy là tỏ vẻ cung kỉnh đối với Đức Chí Tôn, Đức Phật Mẫu và các Đấng Thiêng Liêng nơi vô hình. Như cổ luật, Đạo Cao Đài vẫn khẳng định dụng tâm kính lễ các Đấng hầu gần thiên điển các Đấng mà chơn thần được trong trẻo, xóa dần những vô minh tà mị, để có thể nhìn rõ pháp giới của Đạo Cao Đài phổ bày mà thi hành cho trúng. Không phải cúng lạy để mua cầu, chát lợi, tráo đổi, ra điều kiện với các Đấng, ấy là lầm tưởng rất lớn trong bí pháp cúng lạy của Đạo Cao Đài.
Người Cao Đài khi hành lễ phải “bắt ấn tý” để thủ lễ trước Thiêng Liêng. Tay trái thuộc Dương, tay phải thuộc Âm, Âm Dương tương hiệp là Đạo. Thể Pháp Đạo Cao Đài trong bắt ấn tý cũng thị hiện lý pháp vận chuyển của càn khôn.
“Tả là Nhựt, hữu là Nguyệt, vị chi Âm-Dương; Âm-Dương hiệp nhứt phát khởi Càn-Khôn, sanh sanh hóa hóa. Tức là Ðạo” [TNHT, Q.1].
Lời Đức Chí Tôn đã minh định nguyên lý Âm Dương đã ẩn tàng trong việc bắt ấn tý để hiến lễ lên các Đấng và cùng là một nguyên lý đạo học đã thị hiện trong thể pháp, nhắc nhở mỗi người phải tự chủ và quyết đoán sự giụt tấn, không xa lìa chân lý đạo Trời.
Đạo Cao Đài càng phân rõ cách lạy. Lạy người sống hai lạy để tượng cho nguồn cội lưỡng hiệp Âm-Dương, tức là nguồn cội của Đạo. Lạy vong phàm phải bốn lạy nghĩa là hai lạy thuộc phần sống, hai lạy để kỉnh Thiên và Địa. Lạy Thần, Thánh thì ba lạy để tượng cho các Đấng đứng vào hạng thứ ba của Trời và cũng là Tinh-Khí-Thần. Lạy Tiên và Phật phải chín lạy vì tượng cho Cửu Thiên Khai Hóa. Lạy Đức Chí Tôn phải 12 lạy, thì Đức Chí Tôn không cho biết, đó là huyền vi bí mật mà con người không hiểu thấu nên Ngài không thố lộ.
Điều cần yếu của con người là quy Phật, tùng Pháp, phụng sự Tăng, nhập vào trường thánh đức của Đức Chí Tôn theo Tân Luật và Pháp Chánh Truyền.
Cung kính tứ thời nhật tụng để tâm trọn vẹn nơi Giáo Điều, Triết lý để thuần hành tu tập, thực hiện “ngũ nguyện Đại Đạo” cho thiệt hiện. Như thế ấy, sự lạy mới có giá trị đích thực và lễ dâng hiến quý báu lên Đức Chí Linh.
Ngoài ra, nghi thức Đại Đạo còn có “dâng Tam Bửu” tức là Tinh-Khí-Thần hay đệ nhứt xác thân-đệ nhị xác thân-đệ tam xác thân, thể xác-chơn thần-chơn linh. Lấy sắc hoa tươi thắm, tượng cho Tinh. Lấy sự mạnh mẽ của rượu tượng cho Khí. Lấy chất vị ngọt ngào sáng sủa tinh khiết của trà tượng cho Thần.
Người Cao Đài nguyện thực hiện nghi thức ấy để dâng lên quyền năng Bát Quái Đài, nguyện rằng “Tam thể xác thân này của Thầy Mẹ đào tạo, xin dâng hình hài, trí não và linh hồn cho Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu tùy nghi sử dụng”. Đây là một bí pháp trong nghi thức cúng lạy của Đại Đạo. Ngày giờ nào, ba thể ấy do quyền trọn định của hai Đấng Chí Linh, tức là ngày đó con người vô tội. Muốn vậy, người Cao Đài phải giữ thể xác tinh anh, không tái phạm tội tình, tùng khuôn viên luật pháp của nền Đạo mà tu thân, lập đức. Thường ngày phải cúng, định tâm, định trí, định thần để minh quang, đốt ngọn đuốc huệ quang soi dấu Cao Đài trong nguồn thánh ân vô tận.
“Hôm nay chúng ta luận một việc cần phải luận cùng nhau, nếu chúng ta tin chắc chắn rằng: Đức Phật Mẫu là Mẹ sanh chúng ta, ta phải để đức tin nơi Người, theo ý Bần Đạo tưởng cái gì thuộc về xác thịt này đều do Phật Mẫu đào tạo cả, Đức Đại Từ Phụ duy làm cha của chơn linh chúng ta mà thôi, như cha mẹ phàm này Ông cha duy nhứt điểm chơn linh, còn huyết khí do nơi bà mẹ đào tạo mà có…” [Thuyết Đạo của ĐHP, Q.3 bài 23].
Cho nên nghi thức cúng lạy của Đạo Cao Đài đặt nặng tính chất quan trọng của Tinh-Khí-Thần đối với người Cao Đài trong chơn luật thăng tiến, hội hiệp với Đức Chí Tôn. Nguyện làm con tế vật để thi hành mạng lịnh làm cho Đại Đạo hoằng khai, phổ độ chúng sanh, cầu cho thiên hạ thái bình, thạnh trị, an ninh, hạnh phúc, hát câu quốc thới dân an, âu ca lạc nghiệp vì nương theo Luật Thương Yêu và Quyền Công Chánh trong nền Đại Đạo.