Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung được tổ chức tại Điện Thờ Phật Mẫu trong nội ô Tòa Thánh Tây Ninh hàng năm vào ngày rằm tháng 08. Vì nền Đạo chưa xây được Điện Thờ Phật Mẫu nên Đức Phật Mẫu được thờ tạm tại Báo Ân Từ, nên cuộc chánh lễ tổ chức tại Báo Ân Từ. Đây là một nghi thức đặc sắc và rất quan trọng của nền Đạo vì đó là thể pháp và ẩn bí pháp diệu huyền.
Thời khai minh, Đại Lễ được Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu dạy tam vị Hộ Pháp, Thượng Phẩm, Thượng Sanh thiết lễ, nhưng Tam Vị đều không hiểu giá trị thế nào, chỉ biết tuân mạng lịnh bày yến tiệc theo lời cơ bút. Đến khi đạo nên tướng, đại lễ được Hội Thánh tổ chức vô cùng long trọng để tỏ bí pháp nhiệm mầu của cơ Đạo.
Về bàn ghế hoa quả, tổng có 12 ghế Cửu Vị Tiên Nương và Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh. Có một bàn riêng cho Đức Phật Mẫu. Mỗi
vì kỉnh lễ Đức Chí Tôn, nên vẫn chước tửu và trà cho Đức Chí Tôn. Thuở ban đầu, ngày lễ có sự hiện diện của Đức Chí Tôn và sau Đức Hộ Pháp có hỏi Đức Chí Tôn có mặt không, Đức Ngài trả lời có và Đức Phật Mẫu không biết vì Đức Chí Tôn dùng phép ẩn thân.
Về nhạc, đờn 05 bài Bắc và không có nhạc Tấu Huân Thiên: xàng xê, ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, long đăng, tiểu khúc. Về bài thài, có 13 bài cho mỗi tầng. Nên dâng hoa, rượu, trà, phải thài ba tầng. Trình tự thài từ bài thài của Đức Phật Mẫu đến Nhứt Nương…Cửu Nương, Đức Hộ Pháp, Đức Thượng Phẩm, Đức Thượng Sanh. Chức Sắc Hiệp Thiên Đài và đồng đạo lưỡng phái khoanh tay kỉnh lễ.
Trong ngày đại lễ, còn có các gian hàng của mỗi Đạo phận bày trí xung quanh Báo Ân Từ. Bông và các trang trí do các nghệ nhân điêu luyện, tài hoa lập nên. Về cộ Tiên, cộ này được thiết kế trên xe hơi, được dựng trên con chim Thanh Loan, Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương. Ngoài ra, có rồng nhang, ban nhạc Tòa Thánh, nhạc Đường Nhơn, Tần Nhơn, học sinh Đạo Đức Học Đường cầm lồng đèn theo sau. Trong một quãng thời gian, Cửu Nương được chọn trong hàng Giáo Nhi ngồi trên cộ Tiên tượng cho Cửu Nương, và những vị Giáo Nhi này buộc phải thanh sạch, chay lạc rất kỹ.
Về bửu pháp của Cửu Nương, Nhứt Nương Đàn Tỳ Bà, Nhị Nương cầm Lư Hương, Tam Nương cầm Long Tu Phiến, Tứ Nương cầm Kim Bản, Ngũ Nương cầm Như Ý, Lục Nương cầm Phướn, Thất Nương cầm Bông Sen, Bát Nương cầm Giỏ Hoa Lam, Cửu Nương cầm Ống Tiêu.
Thời Đức Hộ Pháp còn sinh tiền, khi đại lễ xong, có cầu cơ và Đức Phật Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương có giáng cơ khuyên dạy đủ điều. Trái cây được phân chia cho muốn hưởng ân huệ, bông thì người xin về phơi khô làm trà uống như một tín ngưỡng bất diệt đối với giá trị của Đại Lễ Hội Yến.
Thể pháp của Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung tượng cho bí pháp của Đức Phật Mẫu ban cho nhơn loại ngày nay. Xưa kia, những người tu đắc pháp trở về Thánh, Tiên thì được dự Hội Yến bàn đào, có Tiên Tửu có Đào Tiên do Đức Phật Mẫu ban. Cho nên, Đại Lễ Hội Yến Diêu Trì còn gọi là Hội Bàn Đào, Đức Chí Tôn cho phép lập ngay mặt thế này cho chúng sanh hưởng cái ân huệ gội nhuần và cũng hiểu được bí pháp bí nhiệm trước khi dọn mình tham dự Đại Lễ. Chưa có một nền tôn giáo nào xưa nay được hưởng đặc ân cao cả như thế ấy.
“Hội Yến Diêu Trì là cơ quan đắc Ðạo tại thế. Ðức Kim Mẫu cùng Cửu Vị Nữ Phật đã giáng trần Hội Yến với chư Chức Sắc, xướng họa thi phú và dạy Ðạo. Ấy là Hội Chư Tiên tại thế” [Thuyết Đạo của ĐHP], Q.1, bài 14].
Đức Chí Tôn khai Đại Đạo, Người thuộc Phật, Đức Phật Mẫu thuộc Pháp. Hai năng lực này là điển lực Âm-Dương mới sinh ra càn khôn vạn loại. Nhờ Đức Phật Mẫu làm chủ Âm Quang đào tạo cơ hữu vi nên mới có ngôi Tăng. Vì thế, bí pháp Hội Yến Diêu Trì Cung vừa là đặc ân bày cơ quan đắc đạo tại thế của Đức Chí Tôn cho phép, vừa lại biểu thị sự giáng dạy thuở sơ khai, có Đức Chí Tôn khai hóa tâm trí Hội Thánh tiền phôi, lại được Đức Phật Mẫu đến un đúc tinh thần. Nền Đạo đủ hai yếu tố Âm-Dương mới có thể duy trì và trường tồn đến thất ức niên.
“Nhân dịp ngày nay nhằm Lễ Trung Thu tức là Lễ Hội Yến Diêu Trì Cung là một cuộc lễ trọng yếu trong nền Tôn Giáo của Ðức Chí Tôn, Bần Ðạo lấy triết lý vì cớ nào ngày nay Ðức Phật Mẫu đến cùng chúng ta. Trong triết lý ấy do nguyên nhân của nó là phép an ninh trật tự đối với cơ Tạo đoan Càn Khôn Vũ Trụ” [Thuyết Đạo của ĐHP, Q.2 bài 47].