Liên quan đến vấn đề thủy điện, đã có nhiều chuyên đề, đề tài nghiên cứu dưới các góc độ, các chuyên ngành khác nhau. Tuy nhiên, các chuyên đề, đề tài nghiên cứu này chủ yếu nghiên cứu cụ thể về tính chất kỹ thuật của thiết bị thủy điện, công tác quản lý chất lượng, quản lý đầu tư xây dựng của một dự án thủy điện và không phải là hoạt động quản lý kinh tế thủy điện vừa và nhỏ. Có thể kể đến như sau:
- Đề tài: “Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai - Áp dụng cho dự án thủy điện Minh Lương Thượng” Luận văn Thạc sỹ xây dựng của tác giả Đoàn Văn Linh, bảo vệ năm 2017 tại Trường Đại học thủy lợi. Luận văn nghiên cứu về giải pháp nâng cao hiệu quả và thu hút vốn đầu tư để xây dựng các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Cụ thể hóa các giải pháp áp dụng cho dự án thủy điện Minh Lương Thượng, tỉnh
Lào Cai.
- Tác giả Phạm Xuân Cường với đề tài: “Công tác quản lý chi phí trong quá trình thi công công trình thủy điện vừa và nhỏ với vai trò chủ đầu tư tại công ty cổ phân đầu tư xây dựng thủy điện Trí Năng” Luận văn Thạc sỹ Quản lý xây dựng năm 2018 tại Trường Đại học Thủy lợi. Luận văn đã nêu ra được một số vấn đề lý luận cơ bản về quản lý chi phí; Phân tích được thực trạng sử dụng vốn trong quá trình thi công dự án. Đưa ra được một số giải pháp nhằm quản lý chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư trong dự án.
- Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên và Môi trường - Đại học Thủy lợi của tác giả Nguyễn Hưng Nam năm 2013 về đề tài “Khôi phục sinh kế bền vững cho người dân tái định cư của dự án thủy điện Hòa Bình”. Trong đó, xác định được nguyên nhân, đặc điểm sinh kế của người dân tái định cư và trên cơ sở lý luận thực tiễn đề xuất các giải pháp ổn định kinh tế bền vững.
- Luận văn Thạc sỹ chuyên ngành Biến đổi khí hậu – Đại học Quốc gia Hà Nội của tác giả Trần Thùy Dương năm 2016 về đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của tài nguyên nước dưới tác động của biến đổi khí hậu đến các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La, đề xuất giải pháp quản lý thích ứng”. Trong đó luận văn đã nêu được thực trạng tài nguyên nước, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La. Trên bức tranh phát triển thủy điện và các tác động đến khía cạnh về môi trường, khí hậu tác giả đã đề xuất được một số giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động của phát triển thủy điện đến tài nguyên nước, khí hậu địa phương.Trong luận văn chưa đề xuất được giải pháp về quy hoạch phát triển thủy điện phù hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến khí hậu và tài nguyên nước của địa phương.
- Báo cáo của Tổng Cục năng lượng - Bộ Công Thương, “Đánh giá tình hình khai thác sử dụng tài nguyên trong thủy điện ở Việt Nam” (Báo cáo tổng hợp dự án nghiên cứu của Bộ TNMT, 2005); Các báo cáo định kỳ của Bộ Công Thuơng và
Tập đoàn Điện lực về tình hình quản lý các nhà máy thủy điện...
- Bộ công thương - Quyết định số 4598/ QĐ- BCT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035- Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV. Trong Quyết định nêu quy hoạch đến năm 2020: Công suất cực đại Pmax = 180 MW, điện thương phẩm 782,1 triệu kWh. Tuy nhiên thực tế đến năm 2019 công suất toàn tỉnh Sơn La đã đạt 536,9 MW với lượng điện tương đương 1,9 tỉ kWh. Cho thấy sự phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La đã vượt qua Quy hoạch đã xây dựng.
Tuy nhiên, các chuyên đề, báo cáo riêng lẻ này chưa hệ thống hoá được toàn bộ các công tác quản lý quy hoạch, hoạt động thu hút của các địa phương, khu vực có thế mạnh về phát triển thủy điện vừa và nhỏ nói chung và trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng trong một khoảng thời gian dài vừa qua. Đề tài nghiên cứu một cách hệ thống và tương đối đầy đủ về thực trạng, các giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường công tác quản lý và phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La.